Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 08:45 am
Cập nhật : 06/06/2013 , 12:06(GMT +7)
Bố trí, sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển KH - CN địa phương
Mặc dù có được nguồn chi đầu tư phát triển lớn, nhưng tại các địa phương hiện nay lại đang tồn tại một nghịch lý là nguồn nhân lực rất thiếu và yếu. Đại đa số các tổ chức KH-CN có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, có năng lực là các tổ chức KH-CN Trung ương thuộc các bộ, ngành quản lý; các tổ chức KH-CN trực thuộc các tỉnh, thành phố có lực lượng cán bộ vừa mỏng, và trình độ chuyên môn không cao. Như vậy, có thể nói, chúng ta đang cố tập trung nguồn chi ĐTPT vào nơi có nguồn nhân lực KH-CN mỏng và ít.

Hiện trạng

Về kinh phí chi sự nghiệp KH-CN của các địa phương: theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2006-2012, bình quân cơ cấu phân bổ 2% tổng chi ngân sách cho KH-CN như sau: chi đầu tư phát triển (ĐTPT) = 33,6%; chi thường xuyên (còn gọi là chi sự nghiệp (chi SN)) = 48,2% và Chi dự phòng và các việc khác = 18,2%. Trong 33,6% chi đầu tư phát triển có 16.8% chi đầu tư phát triển của các bộ, ngành và 16,8% chi đầu tư phát triển của địa phương (16,8+16,8=33,6 (%)). Trong 48,2% chi sự nghiệp có 14,7% chi sự nghiệp của địa phương và 33,5% chi sự nghiệp của các bộ, ngành (14,7+33,5=48,2 (%)). Sự phân bổ chi tiết chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp KH-CN năm tiếp theo cho các bộ, ngành và địa phương do Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn vào cuối tháng 11 hàng năm.

Về chi đầu tư phát triển KH-CN cho địa phương: hàng năm, Bộ KH-CN vẫn tổng hợp và đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển KH-CN với Bộ KH-ĐT, nhưng vẫn chưa được Bộ KH-ĐT chấp nhận. Gần đây, tại Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25.7.2011 về việc phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN chủ yếu giai đoạn 2011 – 2015 yêu cầu “tập trung đầu tư  một số tổ chức KH-CN trọng điểm...; tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm thông tin KH-CN, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng...”, “Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp KH-CN hàng năm trên cơ sở đề xuất của Bộ KH-CN để bảo đảm thực hiện phương hướng, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ KH-CN chủ yếu giai đoạn 5 năm 2011 – 2015”.

Thực tế, hiện nay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi sai mục đích nguồn kinh phí NSNN cho đầu tư phát triển KH-CN là khá phổ biến. Bộ KH-CN nhận thức rất rõ thực trạng này. Một số giải pháp trước mắt mà Bộ KH-CN đã tiến hành thực hiện trong 5 năm qua: đó là, tăng cường làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung bàn về vấn đề chi sai mục đích nguồn kinh phí NSNN cho đầu tư phát triển KH-CN tại địa phương và đề nghị chính quyền địa phương, theo yêu cầu của Luật Ngân sách (Điều 25) ưu tiên bố trí sử dụng đúng và hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển KH-CN; chuẩn bị nội dung, số liệu thực tế phục vụ và tháp tùng phục vụ các cuộc làm việc của Ủy ban KH-CNMT Quốc hội, giám sát của Ủy ban KH-CNMT Quốc hội tại các địa phương; chủ động làm việc với Bộ KH-ĐT để thực hiện có hiệu quả Điểm b, Khoản 3, Điều 15 của Luật Ngân sách “Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội;… 3.Quyết định dự toán ngân sách nhà nước;... b) Tổng số chi ngân sách nhà nước, bao gồm chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương, chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ và viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, KH-CN”.

Những bất cập trong cơ cấu chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển cho KH-CN

Tuy nhiên, trong số kinh phí được giải ngân, vẫn còn một số địa phương triển khai thực hiện những dự án không đúng đối tượng là dự án thuộc đầu tư phát triển KH-CN, nhất là các dự án về công tác tin học hóa hoạt động của chính quyền các cấp. Tỷ lệ chi sự nghiệp giảm mạnh, chi cho đầu tư phát triển giảm đều và DP-khác tăng mạnh. Câu hỏi đặt ra là ai quyết định cơ cấu này? Hay là cơ cấu này chỉ hình thành theo thời gian và ngẫu nhiên/thông lệ? Chưa ai có câu trả lời. Phải khẳng định, Bộ trưởng Bộ KH-CN không hề biết và cũng không có được chứng kiến trong quá trình quyết định cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho KH-CN. Thực tế tập trung đầu tư phát triển cho KH-CN trong thời gian qua đang có xu thế là: tỷ lệ bình quân, tại các năm 2006-2012, giữa chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp ở các bộ, ngành Trung ương (chi ĐTPT/Chi SN) là 0,5. Có nghĩa là, bình quân hàng năm, cứ mỗi đồng chi SN thì Nhà nước cân đối 0,5 đồng chi ĐTPT để tăng cường xây dựng cơ bản, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, máy móc,... cho các tổ chức KH-CN Trung ương. Trong khi đó, tỷ lệ chi ĐTPT/chi SN ở địa phương bình quân là 1,2. Có nghĩa là, bình quân hàng năm, cứ mỗi đồng chi SN thì Nhà nước cân đối 1,2 đồng chi ĐTPT để tăng cường xây dựng cơ bản, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, máy móc... cho các tổ chức KH-CN địa phương. Như vậy, bình quân tỷ lệ chi ĐTPT/chi SN, giai đoạn 2006-2012, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ này tại các bộ, ngành, Trung ương.

Mặc dù có được nguồn chi ĐTPT lớn, nhưng tại các địa phương hiện nay lại đang tồn tại một nghịch lý là nguồn nhân lực rất thiếu và yếu. Đại đa số các tổ chức KH-CN có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, có năng lực là các tổ chức KH-CN Trung ương thuộc các bộ, ngành quản lý; các tổ chức KH-CN trực thuộc các tỉnh, thành phố có lực lượng cán bộ vừa mỏng, và trình độ chuyên môn không cao. Như vậy, có thể nói, chúng ta đang cố tập trung nguồn chi ĐTPT vào nơi có nguồn nhân lực KH-CN mỏng và ít.

Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động

Những khó khăn, tồn tại nêu trên đã diễn ra lâu dài và khá phổ biến, với Dự thảo Luật KH-CN sửa đổi đang đệ trình Quốc hội xem xét, trong đó có những chế tài cụ thể có thể khắc phục những vấn đề vừa nêu. Dự thảo Luật KH-CN sửa đổi bám sát tinh thần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01.11.2012 của hội nghị lần thứ 6 ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI, Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29.03.2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW. Những chế tài liên quan đến việc khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, bao gồm: Điều 51. Ngân sách nhà nước cho KH-CN, ghi rõ: ngân sách cho KH-CN phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương nhằm ngăn ngừa việc dùng NSNN cho KH-CN vào việc khác. Việc phân bổ ngân sách nhà nước dành cho KH-CN của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ để hạn chế việc sử dụng NSNN cho KH-CN không hiệu quả và bảo đảm ngân sách dành cho ”quốc sách hàng đầu” phải được dùng đúng mục đích, phải được điều tiết tập trung cho nơi chi có hiệu quả nhất. Điều 52. Trách nhiệm xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KH-CN, có nêu: Bộ KH-CN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước dành cho KH-CN hàng năm theo quy định của pháp luật. Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính lập dự toán chi đầu tư phát triển KH-CN, dự toán chi sự nghiệp KH-CN theo đề xuất dự toán của Bộ KH-CN. Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về KH-CN có trách nhiệm xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước dành cho KH-CN hàng năm và đề xuất để cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, tài chính tổng hợp, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, dự toán chi sự nghiệp KH-CN, bảo đảm chi đúng, chi đủ kinh phí đã được phân bổ”.

Điều 67. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phát triển KH-CN, quy định: “Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của các tổ chức KH-CN quan trọng... phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển KH-CN ở các bộ, ngành, địa phương và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Điều 75: về trách nhiệm của Bộ KH-CN, có nêu: quản lý và sử dụng hiệu quả phần ngân sách nhà nước đầu tư cho KH-CN; xây dựng đề xuất cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước dành cho KH-CN làm căn cứ cho việc giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”.

Điều 76. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển KH-CN theo đề xuất của Bộ KH-CN; Bộ Tài chính lập và trình Chính phủ dự toán chi sự nghiệp KH-CN theo đề xuất của Bộ KH-CN về cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước dành cho KH-CN”.

Điều 77. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định: “UBND bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước cho KH-CN và các nguồn lực khác của xã hội chủ yếu cho ứng dụng KH-CN ở địa phương”...

NGUYỄN XUÂN TÀI - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ công nghệ thông tin Naiscor:  Nếu thay đổi tư duy thì KHCN chúng ta sẽ cất cánh

Tôi mong giới quản lý hiểu rằng đầu tư cho KHCN không phải như xây dựng, giao thông nghĩa là nhìn thấy được tòa nhà đó sau một năm hay con đường đó sau mấy tháng mà đầu tư cho KHCN là thứ mạo hiểm. Bởi nghiên cứu KH không phải lúc nào cũng thành công, nếu chúng ta cứ gò ép tất cả các nghiên cứu theo khung của Nhà nước thì không hợp lý. Tôi lấy ví dụ ở Mỹ chẳng hạn: nếu muốn chọn một đề tài nào đó để nhà nước tài trợ thì họ chọn vòng đầu khoảng 10 nhóm cùng làm, đến giai đoạn 2 còn khoảng 3 nhóm và 3 nhóm đó đều nhận được lượng tiền bằng nhau, tiếp đó cả 3 nhóm trình bày kết quả và chỉ chọn một kết quả cuối cùng để tiếp tục phát triển và mở rộng công nghệ của nhóm đó. Như vậy là tỷ lệ 1 trên 10, tức là phải chấp nhận rủi ro đó là mang tính chất bản chất. Nếu như chúng ta không chấp nhận rủi ro thì thử hỏi có ngành kinh doanh nào không có rủi ro mà có lợi nhuận cao không? Trong khi đầu tư cho KHCN, nếu đầu tư đúng thì công nghệ đó mang lợi nhuận gấp nghìn lần chứ không phải gấp trăm nữa. Minh chứng như Tập đoàn Google, ban đầu chỉ có 2 bạn sinh sinh viên khởi nghiệp bằng 2 bàn tay trắng, bây giờ trở thành công ty có khối tài sản lên tới gần 300 tỷ USD. Tiếp theo là Facebook, cũng từ anh sinh viên ban đầu không có tài sản gì, tất cả chỉ dựa trên ý tưởng, dựa trên đầu tư mạo hiểm, đến bây bây giờ họ có tài sản hàng trăm tỷ USD. Ở phạm vi quốc gia, Indonesia là nước có dân số rất ít, trong giai đoạn đầu họ cũng lơ là việc đầu tư KHCN, đến khi họ thấy KHCN thực sự là nền tảng của sự phát triển và đến bây giờ thành tựu KHCN họ vượt chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, không có tầm nhìn để đầu tư thích đáng cho KHCN thì con đường chúng ta đi sẽ gặp khó khăn, mà khó khăn này có khi còn không lường trước được, đó là điều chúng ta cần quan tâm.

TSKH PHÙNG ĐÌNH THỰC  - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Trước hết là do nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị

Tôi cho rằng, trước hết là do nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, thứ hai là thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn và quan trọng là bản thân các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chưa thấy hết vai trò của KHCN, họ chưa nhìn thấy hiệu quả mà ứng dụng KHCN mang lại trong sản xuất. Cần phải tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn mà trước hết là ở các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không chỉ là nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học mà còn là nơi tạo ra những sản phẩm khoa học, vì thế mà chiến lược lần này khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các tổ chức, trung tâm nghiên cứu khoa học của mình. Điều này không chỉ có Việt Nam mà trên thế giới đã áp dụng mô hình này các tập đoàn lớn đều có các viện nghiên cứu rất mạnh.

NGUYỄN ĐOÀN THĂNG - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông: Không có khoa học thì công ty chúng tôi đã không tồn tại

Khoảng tháng 9.2012, Chính phủ ra quyết định ngày 1.1.2013 sẽ cấm sản xuất, lưu hành đèn dây tóc trên 60W. Trong khi đó năm 2012, công ty đã sản xuất 48 triệu đèn dây tóc, trong đó đèn trên 60W chiếm tới 47%. Vì thế, nếu cấm thì hơn một nửa doanh thu và hơn 200 công nhân của công ty phải nghỉ việc. Làm thế nào để nhanh chóng chuyển đổi nhằm sản xuất ra những sản phẩm xã hội đang cần như đèn compact, đèn led bảo vệ môi trường… trong khi đội ngũ công nhân cũ chưa thể làm được, còn muốn đào tạo cũng phải mất tới 5 năm. Tuy nhiên, do những năm gần đây, chúng tôi mời các nhà khoa học ở các trường, viện đã thôi nhiệm vụ quản lý hoặc còn đương nhiệm về giúp cho công ty; đồng thời thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển cho công ty do đội ngũ các nhà khoa học này đảm nhiệm để phục vụ cho doanh nghiệp. Từ những kiến thức của các nhà khoa học nên mọi chuyện trở nên thuận lợi và chúng tôi chuyển đổi rất nhanh. Thực sự, không có khoa học thì công ty chúng tôi đã không tồn tại.

LÝ NGỌC MINH  - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I: Cần sự hỗ trợ từ chính sách, thuế...

Doanh nghiệp muốn tồn tại trước hết phải tự thân đổi mới, đầu tư công nghệ... Tuy nhiên, để phát triển nhanh, mạnh thì doanh nghiệp nào cũng cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước như chính sách, thuế để khi họ đầu tư công nghệ mới thì được hưởng chính sách thuế giá trị gia tăng thấp hoặc được miễn một phần thuế lợi tức giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn vốn đầu tư mạnh vào sản phẩm.




PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN  - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chiến lược KHCN phải là chiến lược trục của phát triển kinh tế - xã hội

Muốn có doanh nghiệp KHCN thì về mặt thể chế phải bảo đảm cho doanh nghiệp ấy tồn tại. Doanh nghiệp KHCN là loại doanh nghiệp cần cạnh tranh nhất, cho nên trên hệ thống thị trường phải là thị trường cạnh tranh tự do, nếu không doanh nghiệp sẽ không có động lực đổi mới. Phải nhìn doanh nghiệp KHCN như một đội ngũ dẫn dắt kinh tế đất nước phát triển. Chiến lược KHCN phải là chiến lược trục của phát triển kinh tế - xã hội, chừng nào chưa đặt nó đúng vị trí thì kinh tế chưa thể đột phá được.


 

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner