Sau 2 năm thực hiện Nghị định 115, nhiều tổ chức KH&CN trong ngành nông nghiệp gặp khó khăn mà nguyên nhân chính của tình trạng này là sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đây là những ý kiến được đa số các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp đưa ra trong buổi tọa đàm “ Đổi mới cơ chế tài chính và chính sách đãi ngộ cán bộ khoa học trong nông nghiệp”do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 23/9.
Về căn bản, đã số các nhà khoa học đều khẳng định các chính sách hỗ trợ, phát triển KH&CN như hiện nay đều có ý tưởng tốt song rất khó đưa vào thực tế bởi rào cản của các văn bản pháp luật.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chỉ ra những bất cập trong hệ thống chính sách về tài chính cho khoa học công nghệ.
Chỉ đơn cử, như việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Nếu như Nghị định 115 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Thủ trưởng các tổ chức khoa học và công nghệ được quyền quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức và miễn nhiệm cấp trưởng, cấp phó các bộ phận, tổ chức trực thuộc (Khoản 1, điều 10) nhưng không thực hiện được vì vướng các quy định về cấp phát kinh phó, quản lý công sở. Quy trình hiện hành vẫn phải tiến hành theo nhiều bước bằng quyết định tập thể hoặc vẫn yêu cầu đề bạt cán bộ lãnh đạo phải là viên chức, đảng viên thì sẽ vô tình đã làm mất đi sự tự chủ của thủ trưởng đơn vị.
Cũng theo ý kiến nhiều nhà khoa học tham dự cuộc hội đàm thì yếu tố cản trở lớn nhất cho các cơ quan khoa học - công nghệ không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là cơ chế tài chính và cán bộ. TS Đặng Kim Sơn cho rằng, những bất cập trong tổ chức bộ máy và cán bộ, về việc thành lập doanh nghiệp, quản lý tài chính và khoa học, tín dụng đầu tư, cho vay, lập kế hoạch, giao nhiệm vụ và đánh giá kết quả… là những rào cản lớn khi đưa chủ trương của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và phát triển đội ngũ trí thức vào cuộc sống.
Toàn cảnh buổi tọa đàm ngày 23/9
Với cương vị là chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia, GS Đỗ Trung Tá cũng đồng tình, không nên bàn nhiều nữa mà cần có những hành động cụ thể. Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học, quản lý có đủ thẩm quyền, có uy tín cần ngồi lại và chỉ ra rõ những vấn đề bất cập hiện nay về cơ chế chính sách cần sửa đổi ngay để trình Bộ KHCN xem xét, sau đó nếu thấy hợp lý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ chế tốt hơn cho hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, những bất cập, về mặt văn bản luật cũng để “mở cửa” cho các nhà khoa học đã được thực hiện từ Nghị định 35 đến Luật KH&CN. Vấn đề là những người làm khoa học cần bám đuổi đến cùng ctheo đuổi đến cùng. Chỉ đơn cử như việc như tuyển người đã giao cho Viện trưởng không dám làm mà chờ Bộ... Đề án đổi mới cơ chế tài chính về KHCN đang được gấp rút soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Nếu được thông qua, về cơ bản, những bất cập về cơ chế tài chính cho KHCN sẽ được tháo gỡ.
Hoàn- Hạnh