Chiều ngày 26/12/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo về Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Đồng chí Bùi Thế Duy – Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dự và chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham dự của các Bộ, địa phương và cơ quan liên quan, trong đó có chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Theo báo cáo của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của BCH Trung ương Đảng khoá XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” đã đưa ra quan điểm, định hướng đổi mới là “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng KHCN&ĐMST”.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kì tháng 01/2022 (Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ), Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương; phối hợp với Tổ chức WIPO, các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực ĐMST và kết quả ĐMST của từng địa phương, đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu GII của Việt Nam.
Trong năm 2022, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với WIPO, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng, thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Khung bộ chỉ số PII gồm 51 chỉ số, trong đó có 14 chỉ số lấy dữ liệu từ các địa phương; 37 chỉ số lấy dữ liệu từ các bộ ngành và các tổ chức khác ở trung ương.
Bộ chỉ số đo lường ĐMST cấp địa phương sẽ cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển (KT-XH) dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương. Qua đó, bộ chỉ số sẽ cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương, giúp các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH của địa phương dựa trên KHCN&ĐMST. Sự phát triển KT-XH của địa phương dựa trên KHCN&ĐMST sẽ góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực ĐMST của địa phương và của quốc gia.
Năm 2022, có 20 tỉnh/thành phố tham gia thử nghiệm. Kết quả chi tiết về xếp hạng Chỉ số PII được Bộ KH&CN công bố vào ngày 28/12/2022.
Tin: Linh Chi. Ảnh: Hữu Phúc.