Tại Họp báo thường kỳ Quý III năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt câu hỏi về các vấn đề: chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi các nhà khoa học, xã hội hóa nguồn vốn cho lĩnh vực KH&CN; phổ biến, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn...
Họp báo do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chủ trì, với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại Họp báo, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Đỗ Thành Long đã thông tin kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) Quý III năm 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2023 của Bộ KH&CN.
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ mong muốn các nhà báo, cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng Bộ KH&CN, lan tỏa hơn nữa thông tin trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Nhà báo Thu Phương, Thông tấn xã Việt Nam đặt câu hỏi về chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi các nhà khoa học, xã hội hóa nguồn vốn trong lĩnh vực KH&CN và vấn đề phổ biến, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Nhà báo Bích Ngọc, Đài Tiếng nói Việt Nam hỏi về phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn và tài trợ của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
Nhà báo Kim Hải, Đài Truyền hình Việt Nam hỏi về vấn đề chi trả của Nhà nước đối với các nhà khoa học.
Nhà báo Kim Tiến, Báo Lao động Thủ đô lắng nghe thông tin từ Bộ KH&CN về thực hiện chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội.
Tại Họp báo, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo Luật KH&CN năm 2013, các nhà khoa học đầu ngành, những người chủ trì các nhiệm vụ KH&CN quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng được đề xuất kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách gặp nhiều vướng mắc, bởi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhiều quy định chưa đồng bộ với các luật khác… Bộ KH&CN đã rà soát những vướng mắc và tới đây, khi sửa đổi Luật KH&CN, Bộ dự kiến bổ sung làm rõ thế nào là nhà khoa học, nhà khoa học đầu ngành để có ưu đãi tương ứng với các chức danh này.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cung cấp thông tin tới các nhà báo về vấn đề phổ biến, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.
Chia sẻ thông tin về phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết, Bộ KH&CN sẽ sớm đề xuất các chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường nghiên cứu liên quan đến bán dẫn.
Ông Nguyễn Thế Ích, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia chia sẻ thông tin tại Họp báo về tài trợ của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư cho KH,CN&ĐMST.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong thị trường KH&CN.
Liên quan đến tiền lương và thu nhập đối với người làm khoa học, bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện chính sách ưu đãi nhà khoa học đã có một số điểm không còn thuận lợi như trước. Hiện nay, đã có một số giải pháp góp phần cải thiện vấn đề này. Trước hết, theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương (sẽ được thực hiện từ năm 2024) thì việc chi trả tiền lương theo vị trí việc làm. Khi đó sẽ có cơ chế để thực hiện việc chi trả tiền lương xứng đáng với vị trí, với đóng góp của từng nhà khoa học. Hơn nữa, Bộ KH&CN đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm mang tính đặc thù, phù hợp với tổ chức KH&CN công lập. Dự kiến những nội dung sửa đổi, bổ sung đó sẽ giao cho thủ trưởng tổ chức KH&CN quyền được tự chủ một cách toàn diện.
Lê Chi - Văn Nguyên