Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 07:15 pm
Cập nhật : 22/01/2015 , 15:01(GMT +7)
Bộ KH&CN: Nhiều hoạt động quan trọng trong năm bản lề - 2015
Việt Nam đã làm chủ việc thiết kế, chế tạo, vận hành máy biến áp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: NH
Năm 2014, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có nhiều giải pháp đột phá, tạo ra những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, môi trường,... Trong đó, rất nhiều thành tựu đã được xã hội công nhận, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước.

KH&CN gắn với phát triển kinh tế xã hội

Theo báo cáo tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Bộ KH&CN tổ chức mới đây, bên cạnh những thành tựu trong việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động KH&CN, ngành KH&CN còn đạt được nhiều thành tựu trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN đã gắn kết với yêu cầu của thực tiễn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, đối với các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015, Bộ đã tiến hành sơ kết 03 năm, với các nội dung tập trung đánh giá khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến; phát triển, ứng dụng các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống; khả năng nâng cao tiềm lực KH&CN. Kết quả cho thấy, các Chương trình trong lĩnh vực KH&CN đã tập trung vào nghiên cứu gần 200 công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến. Tính đến nay có khoảng 80 công nghệ, quy trình kỹ thuật đã thành công ở các mức độ khác nhau. Một số kết quả đã đạt trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới, tiêu biểu như kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp; quy trình ghép khối thận – tụy từ người chết não; quy trình phẫu thuật nội soi qua ngả tự nhiên điều trị ung thư đại tràng và trực tràng; công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 02 đồng vị phóng xạ I131 và Y90;…

Hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các chương trình KH&CN quốc gia đến năm 2020 được hoàn thiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN với các Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế. Đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt và triển khai một số dự án KH&CN trong khuôn khổ các chương trình này như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (“Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo cầu trục và cổng trục có sức nâng từ 50-1.200 tấn”; 06 dự án KH&CN thuộc sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người để sản xuất vắc-xin “6 trong 1”;…); Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (“Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình sản xuất bóng nong mạch vành và Stent phủ thuốc bằng công nghệ nano”, “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”); Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;…

Hoạt động KH&CN năm 2014 trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật - công nghệ đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả vào việc cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Việt Nam đã nghiên cứu, chọn tạo được 18 giống cây trồng chính thức gồm giống lúa OM8232, AN26-1, giống ngô LVN092,…; 16 giống cây trồng được công nhận sản xuất thử. Đặc biệt, lần đầu tiên, giống ngô lai nội LVN61 được chuyển nhượng cao kỷ lục 6,8 tỷ đồng và trồng phổ biến ở các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Đồng Nai.

Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư (tại Bệnh viện Trung ương Huế) từ đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”; công nghệ sản xuất vắc-xin Rota sống, uống giảm độc lực. Công nghệ này đã giúp Việt Nam chủ động sản xuất vắc-xin dự phòng, ước tính khoảng 3 triệu liều/năm với giá thành chỉ bằng 1/3 giá vắc-xin ngoại (hãng GSK – Bỉ); công nghệ sản xuất thuốc tiêm đông khô carboplatin dùng trong điều trị một số bệnh hiểm nghèo như ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư bàng quang đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường với giá thành giảm từ 20 – 25% so với giá ngoại nhập với chất lượng tương đương;…

Các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em. Ảnh: NH

Cùng với đó, các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam đã làm chủ được thiết kế, chế tạo, vận hành máy biến áp 220kV, 500kV đạt tiêu chuẩn quốc tế; hợp tác, liên kết với Nhật Bản, LB Nga để thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn Châu Âu, có khả năng tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện trong nước và xuất khẩu.

Bộ KH&CN cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo

Trong năm 2014, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Luật KH&CN, hoạt động KH&CN đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp; nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN có chuyển biến tích cực. Công tác chỉ đạo điều hành đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng như: nông nghiệp, công nghiệp, y-dược, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông. Hệ thống pháp luật về KH&CN được hoàn thiện cơ bản, tạo môi trường thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành KH&CN còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết như tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các hướng KH&CN ưu tiên phù hợp, thiếu các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế; kinh phí đầu tư cho KH&CN còn hạn hẹp, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN;…

Trong năm 2015 – năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và KH&CN 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, là năm bản lề của Chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn 2011 – 2015, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào các hoạt động trọng điểm như tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế và chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; hoàn thành các kế hoạch, chương trình KH&CN trung hạn 2011-2015; sơ kết đánh giá Chiến lược, kế hoạch, chương trình KH&CN dài hạn đến năm 2020; thiết kế xây dựng kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư phát triển mạnh tiềm lực KH&CN quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; tăng cường hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả Bộ KH&CN đạt được trong năm 2014. Theo Phó Thủ tướng, Bộ đã rất nỗ lực trong việc hình thành được các Quỹ, ra đời các văn bản, thông tư hướng dẫn cụ thể. Phân tích về việc làm sao để nhà nước – doanh nghiệp – xã hội gắn kết với nhau, Phó Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế thiết thực với doanh nghiệp để doanh nghiệp thấy rõ lợi ích ứng dụng đổi mới KH&CN, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo Phó Thủ tướng, để phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ KH&CN cần tiếp tục giải quyết những tồn tại để có cơ chế thiết thực, nhất là đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động đổi mới, giảm ưu đãi, phát triển bình đẳng,... Đồng thời, Bộ phải sử dụng cơ chế tài chính linh hoạt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xuất phát từ thực tiễn, từ địa phương. Phải làm sao khơi dậy được sức sáng tạo của người dân và xã hội, thay đổi cách đặt “đầu bài” trong nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, dẫn đầu các Bộ, ngành trong việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Hạnh Nguyên


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner