Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 07:35 pm
Cập nhật : 16/11/2017 , 12:11(GMT +7)
Bộ Giao thông Vận tải: Ưu tiên hỗ trợ ứng dụng công nghệ liên quan đến CMCN 4.0 từ năm 2108
Công tác đăng kiểm đang được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) định hướng sẽ ưu tiên nội dung nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đối với doanh nghiệp ngành GTVT bắt đầu từ năm 2108.

Nằm trong chuỗi các buổi làm việc kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 giữa Bộ KH&CN và các Bộ, Ngành, ngày 15/11/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc với Bộ GTVT. Đoàn công tác do ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, làm trưởng đoàn.

CMCN 4.0 hiện diện ở nhiều lĩnh vực

Báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 của ngành Giao thông Vận tải, Vụ KH&CN Bộ này cho biết, Bộ đã triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về CMCN 4.0 nhằm nhận diện, đánh giá tác động và cơ hội đối với việc phát triển ngành, phát triển doanh nghiệp, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trong quá trình xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2018, Bộ GTVT đã bắt đầu giao các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ để các đơn nghiên cứu, tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 trong từng lĩnh vực do mình phụ trách. Bên cạnh đó, Bộ GTVT định hướng sẽ ưu tiên nội dung nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của CMCN4.0 đối với doanh nghiệp ngành GTVT bắt đầu từ năm 2108.

Để tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, Bộ đã  tăng cường công tác trao đổi trong và ngoài nước như phối hợp, tham gia, tổ chức các hội thảo với các cơ quan, tổ chức quốc tế tổ chức thành công các hội thảo liên quan đến về CMCN 4.0, giao thông vận tải trong các thành phố thông minh.

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Viện Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho rằng, không chỉ đến bây giờ, ngành GTVT mới tiếp cận với những công nghệ liên quan đến CMCN 4.0. Các công nghệ này đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực như đường sắt, hàng không, đường thủy... có chăng là cách gọi có khác đi như công nghệ thông tin, tự động hóa... Ví dụ như tính đến ngày 29/8/2017, Bộ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 129/145 đạt tỷ lệ 88,96% (trong đó có 80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực Hàng không, 49 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực Đường bộ).

Để rút ngắn thời gian kiểm tra chất lượng phương tiện, thiết bị nhập khẩu, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đã áp dụng phương thức kiểm tra, đánh giá tại nguồn (kiểm tra tại nước xuất khẩu) đối với các sản phẩm xe cơ giới, tàu biển và vật liệu, trang thiết bị dùng cho tàu biển và công trình biển đồng thời đang triển khai dịch vụ công trực tuyến cho chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Một kết quả cũng rất đáng ghi nhận đó là Bộ đã xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải và cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô.  Đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô. Đã chính thức triển khai sử dụng tại 59/63 Sở GTVT. Tính đến ngày 14/9/2017 đã có 51.782 hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến, hoàn thành giải quyết 47.484 hồ sơ (đạt tỷ lệ trên 92%)…

Công tác đăng kiểm đang được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại

Ngoài ra, Bộ GTVT đang xây dựng Đề cương “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang thẩm định nội dung Đề cương Đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Triển khai Đề án nói trên sẽ là tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ ứng dụng KHCN hiện đại trong sản xuất và công tác quản lý Nhà nước của ngành GTVT.

Đề xuất một đề án tổng thể về CMCN 4.0

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng nhận định bước đầu về thách thức của ngành GTVT nước ta trong thời đại phát triển của CMCN 4.0. Đó là: Với đặc thù về vị trí địa lý, GTVT nước ta có đầy đủ cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Tuy nhiên từng lĩnh vực chưa được phát triển toàn diện, một số lĩnh vực còn ở trình độ thấp.

Theo như ý kiến của đại diện Cục Hàng không Việt Nam, có nhiều công nghệ đưa vào Việt Nam nhưng không thể phát huy do sự thiếu đồng bộ về hạ tầng hay sự không theo kịp về cơ sở pháp lý. Đơn cử như việc cấp phép phát sóng Internet trên máy bay cũng đang gặp nhiều trở ngại do hệ thống luật pháp về đảm bảo an ninh mạng. Hoặc như hệ thống máy bay không người lái khó có thể phát huy vì hạ tầng đường bay không đáp ứng được.

Thực tế cho thấy hiện nay, ta vẫn chưa có được hệ thống đường bộ cao tốc (mới chỉ có một số tuyến ngắn với tổng chiều dài khoảng 800km); chưa có đường sắt tốc độ cao; hệ thống cảng hàng không, cảng biển khai thác chưa thật hiệu quả; hệ thống cảng thủy nội địa chưa đồng bộ, các tuyến, luồng thủy chưa có điều kiện nạo vét để nâng cao năng lực khai thác, đặc biệt là tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn thấp, gánh nặng về vận tải đang dồn lên đường bộ khiến cho phí vận tải bình quân cao.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt là ở thành phố lớn trong khi hệ thống giao thông đô thị còn nhiều bất cập, thiếu các phương thức vận tải công công (tàu điện ngầm, đường sắt đô thị...), hệ thống xe buýt chưa hiệu quả, người dân vẫn có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển dẫn tới nạn ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.

Một hạn chế nữa cũng được kể đến đó là những yếu kém về hạ tầng và ý thức của người dân trong tham gia giao thông nên tai nạn giao thông vẫn còn ở mức độ cao. Nạn ùn tắc giao thông kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở mức cao.

Do hạn chế về nguồn lực (vốn đầu tư, nhân lực), đồng thời cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BOT, BT,…) đang được hoàn thiện, một mặt hệ thống hạ tầng giao thông không có đủ điều kiện để phát triển toàn diện, mặt khác gây khó khăn cho việc ứng dụng các khoa học - công nghệ mang tính kết nối vào trong ngành GTVT. Nguồn lực đầu tư để nghiên cứu, tiếp cận công nghệ, thay thế trang thiết bị còn hạn chế.

Chia sẻ về những khó khăn hạn chế này, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ CNC, Bộ KH&CN cho rằng, với thực trạng công nghệ phát triển không đồng đều ở các lĩnh vực, khó có thế áp dụng một cách máy móc một chính sách chung.

Ý kiến của nhiều đại biểu tham gia buổi làm việc đều nhất trí cho rằng, các Bộ, Ngành nên cùng phối hợp, soạn thảo và đề xuất 1 đề án tổng thể về CMCN 4.0. Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương án huy động và sử dụng nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là các nội dung, nhiệm vụ về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ các công nghệ mới, chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp số theo các xu hướng của cuộc CMCN4.0. Trước mắt, cân nhắc bố trí kinh phí ngân sách từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm để triển khai một số nhiệm vụ điều tra, khảo sát, nghiên cứu phục vụ các nội dung nêu trên.

Bài và ảnh: Liên Cơ
 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner