Các chính sách này vừa hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa hỗ trợ các vườn ươm – các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, và kể cả các nhóm, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp.
Mục tiêu trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Sau 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 03 cả nước sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. Bình Dương là tỉnh đứng đầu về thu nhập bình quân đầu người, thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sau TP.Hồ Chí Minh, đứng thứ 03 về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương (64%), chỉ tiêu này cũng chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội... Thành quả trên đã đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm.
Tuy nhiên, Bình Dương cũng đang đứng trước nhiều thách thức, đương đầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây là bài toán khó về năng suất lao động, phát triển kinh tế, phát triển bền vững, đô thị hóa, hội nhập. Bình Dương xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ sang Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ - Thông minh - Bền vững và giai đoạn tiếp theo phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Quốc tế - Đổi mới sáng tạo - Khoa học Công nghệ.
Bằng những bước đi tiên phong, Bình Dương mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong Vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung theo tinh thần Nghị quyết số số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao.
Tỉnh Bình Dương, với mục tiêu vươn lên trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế Trọng điểm phía Nam, đã và đang thực hiện những chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh trong đó trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo; thu hút và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh – công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt GDP bình quân đầu người 14.500 USD đến năm 2030. Tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đặc biệt ở khu vực Thành phố Mới, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện mang tầm thế giới như đăng cai Diễn đàn ĐMST toàn cầu của UNESCO & Daejeon-Hàn Quốc, Diễn đàn Horasis Châu Á…
Tạo cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo
Thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, tỉnh Bình Dương luôn đặc biệt quan tâm, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ và dành nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, nhất là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bình Dương đã nhanh chóng ban hành chính sách rất cụ thể, sát thực với địa phương là Đề án 826 để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chính sách vừa hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa hỗ trợ các vườn ươm – các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, và kể cả các nhóm, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp.
Hàng năm tỉnh tích cực tổ chức các sự kiện tầm vóc thế giới cả trực tiếp lẫn trực tuyến, các cuộc thi khởi nghiệp xuyên quốc gia, thúc đẩy hình thành các mô hình kết nối quốc tế chuyên nghiệp như Trung tâm thương mại thế giới, nhằm tạo điều kiện tối đa cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tỉnh giao lưu kết nối, hòa nhập với mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.
Tỉnh đã mạnh mẽ tạo điều kiện và đầu tư ngân sách xây dựng Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương, hỗ trợ phát triển các phòng thực nghiệm thực tế tại các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, cũng như nhiều cơ sở hạ tầng khác.
Đặc biệt nhất, tỉnh quan tâm sâu sắc, tạo cơ chế, điều kiện, khuyến khích, đã thu hút được các doanh nghiệp, viện trường, tổ chức cùng chủ động, hăng hái đầu tư vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây có thể xem là một điểm sáng trong thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Bình Dương. Ví dụ tiêu biểu như Vườn ươm Doanh nghiệp BBI và hệ thống Techlab - FabLab tiêu chuẩn quốc tế của Trường đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm Sản xuất Tiên tiến và Thử nghiệm với quy mô 16000 m2 của Becamex, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore Block71 hợp tác giữa đại học quốc gia Singapore và tổng công ty Becamex, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Trường Đại học thủ Dầu Một, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của Phân hiệu trường Đại học Thủy Lợi tại Bình Dương ...
Chủ tịch tỉnh Bình Dương nhấn manh: TECHFEST 2022 là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Dương. Đồng hành cùng với sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Viet Nam 2022 lần này, Bình Dương mong muốn được góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia nói chung và của tỉnh nói riêng. Chúng tôi mong được trao đổi học hỏi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương trong cả nước, quảng bá sâu và rộng hơn nữa tỉnh Bình Dương với các đối tác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút được những hợp tác mới trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương theo hướng thông minh, sáng tạo.
“Bình Dương xác định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực để tỉnh phát triển, hướng đến Thành phố thông minh, kinh tế số, kinh tế tri thức, trở thành điểm sáng của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Bài, ảnh: PV