Ngày càng nhiều cơ quan, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... tạo mọi điều kiện cho cán bộ KH&CN phát huy đúng năng lực thực sự và cống hiến với khả năng cao nhất. Đó là sự tiếp nối truyền thống trọng dụng nhân tài từ nghìn đời nay của ông cha ta, bởi "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Đầu tư cho nhân tài: Hướng đi đúng
Việc quy tụ, sử dụng đúng năng lực của nhân tài có ý nghĩa quyết định thành công trong phát triển kinh tế-xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách nhằm phát huy tác dụng tốt nguồn nhân lực. Cụ thể là chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật (Nghị quyết 37-NQ/TW) của Bộ Chính trị; tạo điều kiện để cán bộ KH&CN phát huy sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, hợp tác nghiên cứu khoa học (Nghị quyết 26-NQ/TW)... Đây là điều kiện, cơ hội giao lưu học hỏi, tiếp cận thành tựu KH&CN thế giới của các nhà khoa học Việt Nam. Cùng với đó là chính sách tôn vinh, khen thưởng các nhà khoa học có cống hiến lớn cho đất nước như trao "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước"...
Bộ KH&CN đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN quốc gia. Là kênh hỗ trợ tài chính không hoàn lại 100% kinh phí nghiên cứu khoa học cho các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học; nhiệm vụ KH&CN đột xuất mới phát sinh... Mục tiêu cuối cùng nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy năng lực sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học có trình độ cao.
Triển khai Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/NĐ-CP ngày 05.09.2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP ngày 19.5.2007 về doanh nghiệp KH&CN. Sự ra đời hai nghị định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà khoa học. Tạo cơ hội để họ phát triển, tự chủ, năng động và sáng tạo, góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước.
Với sự định hướng, quan tâm trên đến nay nước ta đã có đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển, trở thành nguồn nhân lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội. Trước đây, với hệ thống chỉ có vẻn vẹn 8 viện nghiên cứu, nay đội ngũ KHCN đã có 1.500 viện, trung tâm nghiên cứu thuộc mọi thành phần kinh tế với 880 tổ chức khu vực nhà nước, 620 thuộc tập thể và tư nhân. Trên 2,6 triệu người có khả năng tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong toàn quốc.
Trong một thời gian dài, KH&CN được đầu tư 2% ngân sách nhà nước. Con số này so với nhiều nước trên thế giới còn khiêm tốn nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước. Cùng với nhiều chính sách khuyến khích khác, cá nhân, tổ chức KH&CN được tư vấn, cung cấp thông tin, dịch vụ KH&CN, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ KH&CN có thu nhập thoả đáng, yên tâm nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Những kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, làm tăng trưởng nền kinh tế đất nước. Thực tế việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ vài trăm USD lên đến con số 1.000USD.
Tuy nhiên, chính sách sử dụng cán bộ KH&CN, trọng dụng nhân tài vẫn còn không ít vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phía trước còn khó khăn...
Sự đầu tư của Nhà nước cho KH&CN còn hạn chế, dàn trải. Các cơ quan quản lý nhà nước chậm xây dựng và ban hành các chính sách đồng bộ và sát thực khiến cán bộ khoa học chưa thật yên tâm nghiên cứu, sáng tạo. Các nhà khoa học chưa được hưởng thu nhập xứng đáng thành quả "lao động chất xám" của mình. Do đó, kết quả nghiên cứu chưa cao và phát huy hiệu quả chậm.
Các thí sinh nhận giải trong cuộc thi "Trạng nguyên nhỏ tuổi toàn quốc lần thứ VII"
Nhiều chính sách hiện nay đang áp dụng cho các cán bộ ở khu vực hành chính sự nghiệp chưa phù hợp với lao động sáng tạo của các cán bộ khoa học như tuyển dụng, chế độ lương, bố trí sắp xếp công việc... Trong tổ chức KH&CN, chưa hình thành được quỹ lương dựa trên các kết quả hoạt động của đơn vị. Việc trả lương còn mang tính bình quân, chưa động viên, khuyến khích những người nghiên cứu giỏi, có nhiều công trình có giá trị.
Mặt khác, cách nhìn nhận của các tầng lớp trong xã hội về thành tựu KH&CN trong sự phát triển kinh tế - xã hội chưa đúng tầm. Thu nhập của nhà khoa học bị san bằng theo chủ nghĩa bình quân, sự khác biệt về thu nhập trong điều kiện hiện tại chưa được chấp nhận.
Nhiều cán bộ KH&CN chưa khẳng định được năng lực, vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Cán bộ tâm huyết, chú trọng đến hiệu quả của hoạt đông nghiên cứu KH&CN còn ít. Một số người đòi hỏi quá nhiều ưu đãi của Nhà nước mà chưa thấy hết khó khăn của đất nước, nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện làm việc tốt cho các nhà khoa học.
Điều chỉnh chính sách để sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực
Nhiều nước trên thế giới đã quan tâm đề ra đường lối, chính sách phát triển nguồn nhân lực KH&CN, phát triển đội ngũ nghiên cứu bằng nhiều cách, như tăng cường đầu tư để đào tạo trong nước và nước ngoài, chú trọng đầu tư ngân sách và huy động sự đóng góp của doanh nghiệp nâng cao tiềm lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ KH&CN.
Tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ mang lại lợi ích cho những người nghiên cứu khoa học mà còn giúp tăng trưởng kinh tế, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia. Ở Hàn Quốc, đầu tư cho KH&CN giúp nền kinh tế-xã hội tăng trưởng mạnh, mức thu nhập bình quân đầu người tăng cao từ 1.040USD (1977) lên 3.360USD sau 10 năm.
Để có kết quả này, Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư cho KH&CN từ 378 triệu USD lên đến 5 tỉ USD, tăng 13 lần trong cùng thời gian. Với Trung Quốc, việc tăng đầu tư cho KH&CN từ 0,6 % GDP (2001) đến 1,43% GDP (2006), đã góp phần quan trọng đưa mức GDP bình quân đầu người tăng từ mức 1.047USD lên 2.604USD.
Ngoài ra, việc tăng cường khuyến khích, kêu gọi nhà khoa học là kiều bào trở về làm việc trong nước bằng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho họ làm việc, đã được Hàn Quốc và Trung Quốc thực hiện rất thành công những năm gần đây. Những nỗ lực này góp phần duy trì đội ngũ cán bộ KH&CN, khắc phục được hiện tượng "chảy máu chất xám".
Trong tiến trình hội nhập như hiện nay ở nước ta, KH&CN trở thành động lực "then chốt" một trong những trụ cột tạo nên sức mạnh nền kinh tế - xã hội, là "nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá". Vì lẽ đó, nguồn nhân lực KH&CN - "nguyên khí quốc gia" phải được đầu tư, trọng dụng hơn nữa để tiếp nối truyền thống của dân tộc ta bao đời nay. Thiết nghĩ, trong thời gian tới nên hình thành những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cán bộ KH&CN trẻ xuất sắc để thực hiện nhiệm vụ "ươm tạo công nghệ" và "ươm tạo doanh nghiệp" trong một số trường đại học công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển trọng điểm; trả lương cho cán bộ KH&CN căn cứ theo năng lực nghiên cứu, vị trí, nhiệm vụ được giao và phát sinh để họ yên tâm công tác.
Cùng với đó, cũng không thể thiếu những khuyến khích, đãi ngộ cán bộ KH&CN về công tác tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.
Nguyễn Hạnh - Thu Hiền
(Theo Lao động)