Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 03:25 pm
Cập nhật : 19/11/2010 , 14:11(GMT +7)
Bắt đất cằn “nhả” nước?
Các tỉnh Nam Trung bộ thường xuyên đối mặt với khô hạn
Với khoa học và kỹ thuật hiện đại, người ta có thể "thay trời làm mưa, bắt đất nhả nước". Ý tưởng chống hạn của TS Võ Công Nghiệp (Hội Địa chất Việt Nam) bằng việc bổ sung nước ngầm nhân tạo (BSNNNT) rất đáng được quan tâm.

Cũ người, mới ta

BSNNNT là thuật ngữ mới ở Việt Nam, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, công việc này đã được bắt đầu từ lâu, dưới nhiều hình thức và đã cho kết quả tốt. Riêng ở Mỹ, gần 1/3 lượng nước dùng trong sản xuất và sinh hoạt được lấy từ nguồn bổ sung nhân tạo. BSNNNT còn có mục đích khác là khắc phục hiện tượng sụt lún mặt đất (Mêhicô, Nhật Bản, Đức đã áp dụng) hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn (Ixraen, Mỹ, Marốc).
 

BSNNNT là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm tăng lượng nước ngầm từ nguồn nước bên ngoài vào các tầng chứa nước sẵn có hoặc vào các tầng đất đá có khả năng trữ nước trong lòng đất. BSNNNT có thể bù đắp lại lượng nước ngầm bị tiêu hao do tiêu thoát tự nhiên, hạn hán, bốc hơi ngầm...; hoặc do khai thác quá mức, mất nguồn cung cấp tự nhiên do nạn phá rừng... Giải pháp này còn giúp điều tiết nguồn nước giữa mùa mưa và mùa khô, ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự xâm nhập của nước mặn từ biển vào các tầng chứa nước ngọt dưới đất ở vùng duyên hải hay sự xâm nhập của nước thải độc hại từ các trung tâm dân cư, công nghiệp. Riêng trường hợp tầng nước ngầm bị nhiễm bẩn trước thì sau khi được nạp nguồn nước sạch từ ngoài vào, chất lượng nước ngầm sẽ được cải thiện. Đặc biệt, ở những vùng đất có hiện tượng sụt lún, BSNNNT giúp hạn chế sự sụt lún bề mặt.

Theo TS Võ Công Nghiệp, nhiều nước đã và đang xây dựng các công trình tích trữ nước mưa, nước bề mặt, nước lũ dưới dạng hồ chứa, kênh đào, từ đó nước thấm vào lòng đất, bổ sung cho các tầng chứa nước ngầm nằm nông (phương pháp thấm thẳng đứng). Trong trường hợp tầng chứa nước nằm sâu dưới lòng đất thì thiết kế các công trình hấp thu nước dưới dạng lỗ khoan, giếng đào, lò đứng... để cho nước từ trên xâm nhập tự nhiên hoặc được nén ép vào tầng chứa nước (phương pháp chôn vùi). Sau khi được nạp, lòng đất biến thành kho chứa nước ngầm, có dung tích lớn mà không chiếm nhiều diện tích mặt đất, hạn chế được sự tổn thất do bốc hơi. Khi cần lấy nước người ta mới "mở kho" bằng cách khoan giếng ở bất cứ nơi nào trong phạm vi phân bố của tầng chứa nước và bơm hút lên để dùng ngay tại chỗ, không cần phải làm đường dẫn dài như các công trình khai thác nước mặt.

Khả năng áp dụng ở nước ta

TS Võ Công Nghiệp cho biết thêm, Việt Nam nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, nhưng lượng nước phân bố không đều theo thời gian. Điều đó buộc chúng ta phải nghĩ đến việc BSNNNT để điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Việt Nam hoàn toàn có khả năng áp dụng phương pháp này ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ.

Nam Trung bộ có lượng mưa khá lớn nhưng do địa hình cao, bị chia cắt mạnh, nước tiêu thoát nhanh nên nguồn dự trữ nghèo. Những năm gần đây, việc khai thác nước để tưới cây công nghiệp được mở rộng với quy mô lớn làm cạn kiệt các nguồn nước mặt. Nguồn nước ngầm ở đây cũng bị suy giảm mạnh. Vì thiếu nước, cà phê và một số loại cây khác tàn héo, gây thiệt hại nặng nề. Ngay cả nước sinh hoạt của nhân dân cũng rất căng thẳng. Đó là hậu quả tất yếu của sự khai thác vô tổ chức, làm kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên.

Nam Trung bộ, về mặt địa chất có những nét đặc thù khác với đồng bằng duyên hải. Phần lớn lãnh thổ được cấu tạo bởi các đá phun trào núi lửa (bazan). Phần trên mặt đá bị phong hóa mạnh thành sét, bụi hạt mịn màu đỏ, khả năng thấm nước rất kém, chiều dày rất lớn (20-30m và hơn nữa). Phần dưới là đá rắn chắc gồm nhiều tầng, hình thành do những đợt phun trào khác nhau. Mỗi tầng gồm phía trên là đá nứt nẻ, lỗ hổng có khả năng chứa nước tốt, phía dưới là đá nguyên khối, đặc sít, cách nước. Các tầng chồng xếp lên nhau, trong đó có tầng bão hòa nước, có tầng chứa nước từng phần hoặc khô hoàn toàn. Chúng thường cách ly lẫn nhau, nhưng nếu đáy tầng chứa nước bị khoan thủng thì nước có thể chảy sang tầng đá khô, tạo nên một tầng chứa nước mới. Đó là tiền đề cho việc BSNNNT bằng phương pháp chôn vùi, nghĩa là khoan đào giếng, lò đứng thủng qua các lớp cách nước vào các tầng đất đá có khả năng hấp thu để nạp nước từ trên mặt xuống. Nguồn cung cấp được dẫn từ các sông, suối, đầm, hồ tự nhiên hay nhân tạo. Ở những nơi có lớp cách nước trên mặt mỏng hoặc có đá trầm tích bở rời thì có thể áp dụng phương pháp thấm thẳng đứng hoặc kết hợp cả hai phương pháp.

Giải pháp BSNNNT cần được tính đến để có thể tránh được, hay ít ra là hạn chế được tổn thất như đã xảy ra.

Hạnh Lê 


 
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner