Giai đoạn 2011 – 2013, hệ thống mạng lưới bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc đã lưu giữ, bảo tồn được 1.405 nguồn gen thuộc 888 loài cây thuốc; xây dựng, củng cố 7 vườn bảo tồn cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Đồng thời đã lựa chọn được hàng chục nguồn gen có giá trị để khai thác, phát triển tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu về nguồn gen cây thuốc Việt Nam.
Hình thành mạng lưới bảo tồn, lưu trữ nguồn gen
Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) về quỹ gen giai đoạn 2001 – 2013, ông Nguyễn Minh Khởi, Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết, nguồn gen cây thuốc ở Việt Nam không những đa dạng về loài, chủng, giống, dưới loài và còn rất đa dạng theo cấp hệ sinh thái. Theo thống kê, trong tổng số 3.948 loài cây có tới 87,1% là các loài hoang dã, sống trong quần thể rừng, trảng cây bụi, nương rẫy, bãi hoang, chỉ có 12,9% cây thuốc đã được trồng ở các mức độ khác nhau. Các loài cây thuốc phấn bố tại khắp các vùng sinh thái trong cả nước từ Đông Bắc, tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên,…
Thời gian qua, việc bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc đã được triển khai có hệ thống nhằm đáp ứng mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học; tuyển chọn được các nguồn gen quý, có giá trị để phát triển tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; xây dựng được cơ sở dữ liệu về nguồn gen cây thuốc;…
Từ 1988, Viện Dược liệu đã được Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) giao nhiệm vụ là đầu mối thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc. Từ năm 2001 đến nay, mặc dù có sự thay đổi về tổ chức nhưng Viện Dược liệu vẫn duy trì mạng lưới bảo tồn ở các vùng sinh thái khác nhau như: vùng khí hậu nhiệt đới núi cao (Lào Cai, Hà Giang); vùng trung du phía Bắc (Vĩnh Phúc); vùng Đồng bằng sông Hồng (Thanh Trì, Từ Liêm – Hà Nội); vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa); Duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam); Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh).
Giai đoạn từ 2001 đến nay, Viện Dược liệu đã chủ trì, phối hợp với nhiều địa phương điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu ở nhiều vùng trên cả nước. Đến 2005, Viện đã ghi nhận, thống kê được gần 3.950 loài thực vật có mạch và nấm lớn làm thuốc. Tổng số loài cây thuốc cho đến nay dự đoán có thể lên tới gần 5.000 loài.
Qua điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên, Viện đã thu thập được gần 900 loài cây thuốc đưa về trồng lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu phát triển trong hệ thống mạng lưới bảo tồn. Nhiều nguồn gen quý có giá trị đã được thu thập để nghiên cứu, bảo tồn, phát triển như: cỏ nhung, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ,… Đây là những nguồn vật liệu quan trọng cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khai thác và phát triển nguồn gen tạo tạo nhiều giống dược liệu quý, có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.
Cùng với đó, đã triển khai đánh giá ban đầu 888 loài lưu giữ và bảo tồn, đánh giá chi tiết 250 loài và đang hoàn thiện đánh giá tư liệu hóa về đặc điểm hình thái, đặc tính sinh thái, tình trạng bị đe dọa, chất lượng dược liệu,… Tổng số có 200 loài đang được hoàn thiện công tác đánh giá chi tiết nguồn gen trong toàn mạng lưới.
Trồng cây trinh nữ hoàng cung tại Hải Dương.
Thời gian qua, nguồn gen và giống của gần 30 loài cây thuốc đã được chọn lọc, tập trung nghiên cứu để đưa vào sản xuất dược liệu như sâm ngọc linh, thanh hao hoa vàng, diệp hạ châu, nhân trần, xuyên tâm liên, kim tiền thảo, giảo cổ lam, trinh nữ hoàng cung, hà thủ ô đỏ, kim ngân,… và các giống cây nhập nội như đương quy, độc hoạt, bạch truật,… Những kết quả đạt được đã mở ra triển vọng lựa chọn được nhiều giống cây thuốc có triển vọng để sản xuất tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc và góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Phát hiện các sản phẩm mới từ nguồn gen cây thuốc
Theo ông Nguyễn Minh Khởi, Viện Dược liệu, bên cạnh những thành tựu, quá trình triển khai công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc còn những hạn chế như khung pháp lý cho công tác bảo tồn chưa đồng bộ, ngành Y tế không quản lý rừng và đất đai nên sự hợp tác triển khai xây dựng các mô hình bảo tồn tại chỗ còn rất khó khăn nên chưa huy động được các nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực cho công tác này.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các vườn bảo tồn cây thuốc còn hạn chế, diện tích nhỏ, chưa được đầu tư, nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn còn mỏng; việc khai thác sử dụng nguồn gen còn trong phạm vi hẹp, chưa phát huy được vào sản xuất. Các hoạt động mới tập trung vào bảo tồn nguồn gen, chưa chú trọng đến phát triển và thương mại hóa, ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm cụ thể nhằm phát triển bền vững. Đối tượng bảo tồn trong mạng lưới cần được đánh giá, lựa chọn và quy định cho phù hợp với điều kiện sinh thái hơn.
Thời gian tới, ngoài việc củng cố, kiện toàn mạng lưới bảo tồn nguồn gen cây thuốc cần xác định các đối tượng nguồn gen cần bảo tồn và phát triển. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ chính nguồn gen đang bảo tồn. Tiêp tục đầu tư về kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường trang thiết bị để triển khai nghiên cứu bảo tồn có hiệu quả.
Cũng theo ông Khởi, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và hướng đến năm 2030, dự kiến sẽ xây dựng, kiện toàn hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen cây thuốc; điều tra, đánh giá, xác định và lựa chọn các nguồn gen cây thuốc cần bảo tồn trọng tâm tại các đơn vị thành viên trong và toàn mạng lưới. Đồng thời lưu giữ và bảo tồn 50% tổng số loài cây thuốc cần bảo tồn ở Việt Nam (năm 2020) và đạt 70% (năm 2030). Tập trung bảo tồn an toàn 1.000 loài cây thuốc; 80% số loài cây thuốc bị đe dọa và đến năm 2020 đưa 10% số loài bị đe dọa thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.
Cùng với đó, bảo đảm 100% các loài lưu giữ và bảo tồn được đánh giá ban đầu, 1.000 loài được đánh giá chi tiết, 100 loài được đánh giá về tình trạng bị đe dọa. Đánh giá đa dạng di truyền và xác định trình tự gen của 20 loài. Xây dựng được cơ sở dữ liệu của nguồn gen đang lưu giữ và bảo tồn an toàn (1.000 loài) và bản giới thiệu về các vườn bảo tồn cây thuốc trong toàn hệ thống; phát triển được 5 – 10 sản phẩm mới từ các nguồn gen cây thuốc được bảo tồn, ông Nguyễn Minh Khởi cho biết thêm.
Với những kết quả đạt được trong hơn 20 năm qua, những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc rất có ý nghĩa và góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đây cũng sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu để nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và nguyên liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyền và ngành công nghiệp dược.
Bài, ảnh: Hoàng Khuê