Một hình ảnh rất dễ bắt gặp khi bạn đi đến bất cứ bảo tàng khoa học nào ở Đài Loan, đó là những hướng dẫn viên là những ông lão, bà lão rất dễ thương nhưng cực kỳ am hiểu về khoa học. Với mục tiêu, đưa khoa học đến cuộc sống, những người làm công tác truyền thông khoa học ở Đài Loan đã có góc tiếp cận công chúng rất gần gũi.
Được xếp hạng là một trong những bảo tàng khoa học lớn nhất thế giới, bảo tàng khoa học quốc gia Đài Loan tại Cao Hùng thực sự đã để lại ấn tượng rất mạnh cho các thành viên trong đoạn công tác của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và truyền thông khoa học công nghệ (KHCN), Bộ KHCN.
Trực quan và sinh động
Được đánh giá là một trong những bảo tàng KH&CN lớn nhất thế giới, hiện bảo tàng KH&CN Cao Hùng có hai khu vực triển lãm với nhiều hoạt động phổ cập cũng như chuyên sâu dành cho các đối tượng người dân khác nhau. Điểm đáng chú ý là cách thức liên kết để tạo sự kết nối, sự quan tâm của người dân đến hoạt động KH&CN được bảo tàng rất chú trọng. Với nhận thức: Khoa học vì sự sống, Khoa học phục vụ con người, tất cả các hoạt động của bảo tàng đều rất dễ hiểu, gần gũi với người dân.
Với nhận thức này, các khu triển lãm đều rất trực quan, sinh động để người tham quan có thể cảm nhận được tác động của khoa học đến đời sống. Ví dụ như khu triển lãm về khoa học cơ bản, ngoài các mô hình, bao giờ cũng có những trò chơi đơn giản hoặc các trắc nghiệm thú vị. Ví dụ khi nói về cấu trúc gen và các đặc tính lặn, trội, người hướng dẫn bất ngờ đưa ra yêu cầu cho cả đoàn: hãy vỗ hay tay vào nhau, thử đưa ngón tay cái lên, sau đó hãy thử uốn lưỡi. Cả đoàn đều ngạc nhiên xen lẫn tò mò làm theo và cùng thích thú với giải thích rằng, nếu tay trái vỗ vào tay phải trước, ngón tay cái đưa lên thẳng đứng và lưới uốn cong được thì người đó có đặc tính gen trội.
Các khu trải nghiệm về thời tiết hay các phản ứng vật lý cũng được tái hiện rất sinh động. Người tham quan được trải nghiệm cảm giác thế nào là động đất, song thần, ….
Hoạch định từ chính sách đến đầu tư cho con người
Để tạo nên sự hấp dẫn này, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, việc đào tạo hướng dẫn viên ở đây cũng rất bài bản. Những người đã từng làm khoa học hay tham gia giảng dạy các bộ môn về khoa học sau khi về hưu sẽ được tuyển chọn làm tình nguyện viên hướng dẫn tại bảo tàng. Trên cơ sở những kiến thức sẵn có, trước khi chính thức làm hướng dẫn viên, họ sẽ được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu. Điều đặc biệt, khi hỏi các hướng dẫn viên ở đây, họ đều rất hào hứng và rất thú vị với công việc. Họ xem đây như một công việc thiện nguyện, một việc có ích để giúp thế hệ trẻ vun đắp tình yêu với khoa học.
Hướng dẫn viên đang trao đổi với các PV tại Bảo tàng KH&CN quốc gia Đài Loan
Chính những trực quan sinh động này nên bảo tàng khoa học quốc gia Đài Loan rất thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Hình ảnh từng đoàn em bé từ 3- 4 tuổi hay học sinh từ 7- 15 tuổi xếp hàng để được vào tham quan khiến bất cứ ai làm công tác bảo tàng cũng đều ước muốn. Ông Chu-Nan Shyan, Giám đốc Trung tâm Triển lãm giới thiệu truyền thông khoa học cho biết, trung tâm trực thuộc Bộ Giáo dục Đài Loan, mỗi năm đón 1,8 triệu lượt học sinh, chủ yếu là tiểu học đến tham gia các hoạt động giáo dục và truyền thông KHCN. Ra đời năm 1999, đến nay, trung tâm có quy mô gấp 20 lần so với ban đầu và sự phát triển ấy xuất phát từ chính nhu cầu của hoạt động giáo dục và truyền thông KHCN. Đến đây, học sinh tham gia vào các chương trình giáo dục được thiết kế song song với nội dung giáo dục chính khóa tại các phòng thí nghiệm để hiểu sâu sắc hơn về các kiến thức khoa học được học ở trường; được tham gia các trò chơi mang tính trí tuệ để kích thức niềm đam mê, được tiếp cận với những thành quả khoa học của Đài Loan và thế giới. Kinh phí hoạt động của trung tâm lên đến 200 triệu Đài tệ/năm, lấy từ nguồn ngân sách và các nguồn thu khác.
Được biết, Ủy ban KH&CN Đài Loan tới đây sẽ được nâng cấp thành Bộ Khoa học và Công nghệ Đài loan. Cách đây 6 năm, Cơ quan này đã thực hiện Dự án tổng thể phát triển Truyền thông KH&CN của Đài Loan. Dự án bắt đầu từ tháng 1/2007 và dự kiến kết thúc vào năm 2015 với tổng đầu tư 180 triệu đài tệ/năm (tương ứng hơn 3000 tỷ đồng/năm). Dự án đến nay đã đạt được một số thành công nhất định với 80 kênh truyền hình có chuyên mục KH&CN, xây dựng và đi vào hoạt động Chương trình phổ cập trên truyền hình về KH&CN, phối hợp các đối tác báo đài xây dựng nội dung truyền thông về KH&CN…
Đây thực sự là những mô hình rất gần gũi và có khả năng áp dụng cao tại Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Chiến lược truyền thông về KH&CN, xây dựng bảo tàng KH&CN.
Bài và ảnh: Minh Châu