Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) không chỉ là cơ hội cho TP. HCM, mà còn là cho ngành KH&CN để thử nghiệm các chính sách của Bộ, của ngành.
Chiều ngày 02/3/2024, Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM đã tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2024-2028.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM; đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì Hội nghị.
TP. Hồ Chí Minh sẽ thử nghiệm nhiều chính sách đột phá về KH&CN
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN và Thành ủy TP. HCM thực hiện ký kết chương trình phối hợp nhằm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Kết luận 69 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, với tư cách là tổ chức đảng, Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN đã trực tiếp và chủ động ký kết chương trình phối hợp hành động với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM. Bên cạnh đó, triển khai các nghị định, chương trình hành động của Chính phủ, với tư cách là thành viên Chính phủ, lãnh đạo Bộ KH&CN và UBND TP. HCM. “Đây là việc làm rất đúng nguyên tắc Đảng, đúng phương thức lãnh đạo của Đảng, đúng tinh thần trách nhiệm và đúng vai để thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Trung ương có liên quan đến KH&CN”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Nghị quyết 24 đề ra phát triển KH&CN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển biến hành động, một số chuyển đổi trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Vùng. Bên cạnh đó, hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; nâng cao hiệu quả của các khu công nghệ cao; khu công nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo của TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin thông minh, xây dựng hạ tầng số, kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP. HCM…
Nghị quyết 98 dành riêng Điều 8 về quản lý KH,CN&ĐMST, trong đó có 56 vấn đề cụ thể. Đây là cánh cửa mở, là cơ hội để TP. HCM thử nghiệm những vấn đề vướng mắc thời gian qua, kể cả những cơ chế chính sách. Đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chọn TP. HCM để thực hiện thí điểm là đúng vai trò, sứ mệnh của thành phố đầu tàu kinh tế nhằm rút kinh nghiệm chung cho cả nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thế giới hiện đại, cùng với tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành KH&CN đang nỗ lực vận động không ngừng trên mọi phương diện để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ đòn bẩy, góp phần thúc đẩy nền kinh tế truyền thống chuyển đổi mạnh mẽ với sự tham gia của kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN đánh giá Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội không chỉ là cơ hội cho TP.HCM, mà còn cho ngành KH&CN để thử nghiệm các chính sách của Bộ, của ngành.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ KH&CN sẽ tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đề xuất thực tiễn của TP. HCM, sẵn sàng phân cấp, phân quyền khi đáp ứng đủ điều kiện cần có, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ KH&CN kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH&CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN, đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, những năm qua, vai trò của KH,CN&ĐMST đã nhiều lần được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
TP. HCM là địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với những tiềm năng, lợi thế vượt trội. Đây cũng là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, KH,CN&ĐMST. Hơn lúc nào hết chúng ta có đầy đủ những căn cứ pháp lý thuận lợi để Bộ KH&CN và TP. HCM mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý hoạt động KH,CN&ĐMST, góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM nhanh và bền vững nói riêng, vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Lê Xuân Định cũng cho biết, tháng 10/2022, Bộ KH&CN, UBND TP. HCM và Đại học Quốc gia TP. HCM đã đồng ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 3 bên. Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện ký kết, Chương trình đã có được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là sự đồng thuận trong công tác phối hợp, chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố và Lãnh đạo Bộ KH&CN trong việc xác định lĩnh vực hoạt động KH,CN&ĐMST là 1 trong 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù vào Nghị quyết số 98/2023/QH13 của Quốc hội. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của ngành KH&CN Thành phố để chứng minh năng lực, trách nhiệm của mình trước Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo Bộ KH&CN và sự quan tâm, ủng hộ của các sở, ban, ngành, nhân dân TP. HCM đối với các ngành.
Thí điểm chính sách đặc thù với công nghệ AI, chuỗi khối, bán dẫn
Chương trình phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM gồm 9 nội dung. Một số nội dung đáng chú ý như: Áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động KH&CN tại Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN thực hiện ký kết.
Bên cạnh đó, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án KH&CN; cơ chế tài chính các chương trình, dự án KH&CN cho công tác lập dự toán, phê duyệt dự toán, quyết toán, mua sắm công… đối với 3 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm:
Nhóm một, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, Robotics, công nghệ tự động hóa và in 3D tiên tiến.
Nhóm hai, công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp, công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, công nghệ tế bào gốc, công nghệ vi sinh tiên tiến, công nghệ dược, công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế, công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao.
Nhóm ba, công nghệ vật liệu nano, vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh, vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử, vật liệu in 3D tiên tiến, vật liệu y sinh học.
Ngoài ra, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên: Thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistic, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng.
Toàn cảnh Hội nghị.
Xây dựng và áp dụng thí điểm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH&CN, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.
Thí điểm cơ chế tài chính sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH&CN… nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN.
Cơ chế sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho các hoạt động: Thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ.
Xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên thành tựu KH,CN&ĐMST hiện nay chưa có quy định. Xây dựng và triển khai mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Thành phố theo thông lệ quốc tế…
Bài, ảnh: PV