Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:09 am
Cập nhật : 18/06/2013 , 15:06(GMT +7)
Bài 3: Phát triển KH&CN địa phương – cần sự thống nhất từ cấp lãnh đạo cao nhất
Nuôi trai lấy ngọc (ảnh: HT)
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Hàng năm, tỉnh dành khoảng 5% tổng ngân sách đầu tư cho KH&CN. Năm 2012, mức đầu tư cho KH&CN của tỉnh là 200 tỷ đồng thì đến năm 2013 con số này là 400 tỷ đồng. Phần lớn nguồn kinh phí này đã được đưa vào hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thông qua các dự án KH&CN nhằm phát huy thế mạnh của địa phương. Năm 2012, tỉnh đã khuyến khích các DN chủ động đầu tư hàng chục tỉ đồng để nghiên cứu khoa học, đặc biệt tỉnh đã phê duyệt 13 dự án ứng dụng KH&CN, 21 thương hiệu cho sản phẩm.

Ông Đặng Huy Hậu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ xung quanh vấn đề này trong chương trình tọa đàm ngày 15/6 phát sóng trên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam.

PV: Việc huy động nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa phương hiện nay gặp nhiều khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã “hóa giải” những khó khăn trên như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Huy Hậu: Việc huy động nguồn nhân lực chất lượng cao ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân trên không phải là không có cơ chế chính sách.

Bước đầu triển khai công tác thu hút nhân tài, Quảng Ninh đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quan điểm nhìn nhận là một địa phương đang có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, công tác đầu tư cho KH&CN là yếu tố then chốt, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách “mở đường” thu hút nhân tài về với địa phương. Chúng tôi đã chú trọng tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt trong công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đời sống.

Trong 2 năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành thêm nhiều cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao. Hiện nay, có rất nhiều cán bộ trẻ, kể cả các GS, PGS, TS,… đã làm đơn về tỉnh Quảng Ninh công tác.

PV: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thống nhất các ý kiến của lãnh đạo tỉnh về đầu tư cho phát triển KH&CN của tỉnh?

Ông Đặng Huy Hậu: Về mục tiêu phát triển KH&CN, Quảng Ninh đã ra Nghị Quyết 2012 của BCH tỉnh về đầu tư cho phát triển KH&CN, UBND tỉnh đã chủ động tiến hành xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho nguồn nhân lực KH&CN và đưa vào ngân sách hàng năm bằng việc trích 4-5% chi thường xuyên cho KH&CN. Ngoài ra, tập thể Lãnh đạo tỉnh cũng nhất trí cao với cơ chế đặt hàng đối các sản phẩm nghiên cứu khoa học, sẵn sàng đồng hành cùng DN.

Ở Quảng Ninh, nhiều DN làm tốt hoạt động KH&CN luôn được biểu dương khen thưởng, tôn vinh và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đầu tư nghiên cứu. Trường hợp DN gặp khó khăn, cần hỗ trợ về vốn, tỉnh đã chủ động tìm kiếm các nhà khoa học để hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho DN thậm chí, trường hợp DN gặp rủi ro, tỉnh sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ DN bằng nhiều biện pháp cụ thể.

PV: Việc huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho KH&CN đã được nhà nước đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích, tuy nhiên, thành công vẫn chưa được như mong đợi? Đâu là nguyên nhân của vấn đế trên thưa ông?

Ông Đặng Huy Hậu: Nếu xét về mặt giá trị tuyệt đối, chi ngân sách nhà nước cho KH&CN chưa phải là lớn, tuy nhiên, việc sử dụng chính ngân sách đó cũng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi. Đơn cử, thời gian qua, Quảng Ninh dành từ 30-40 tỷ đồng đầu tư chủ yếu cho nghiên cứu các đề tài, từ quản lý nhà nước, giáo dục, y tế… nhưng áp dụng thực tế chưa có sự kiểm chứng sát thực. Đối với ngân sách được phân bổ, hiệu quả ứng dụng của các sản phẩm KH&CN vào cuộc sống cũng vậy.

Về cơ bản, các các DN nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung chưa có nhận thức đúng đắn về việc đầu tư cho phát triển KH&CN. Công tác đầu tư, ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm một cách đầy đủ, đây là “lỗ hổng” cần phải sớm được khắc phục.

PV: Là một trong những địa phương thu hút khá thành công sự tham gia của các DN cho hoạt động KH&CN, theo ông cần có những giải pháp nào để khuyến khích các DN tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào KH&CN?

Ông Đặng Huy Hậu: Theo tôi, vần đề cốt lõi ở đây là từ nhận thức và ý chí quyết tâm của người lãnh đạo tới đơn vị với sự đồng thuận của các DN và cộng đồng. Bởi lẽ, làm ra sản phẩm chính là DN nhưng đầu tư hỗ trợ DN một nguồn tài chính thì chưa hẳn lãnh đạo nào cũng đều có thể hoàn toàn thống nhất được.

Để thực hiện thành công trong việc thu hút DN tham gia vào hoạt động đầu tư KH&CN ngoài các giải pháp tiếp cận chỉ đạo đúng hướng, chúng ta nên áp dụng một số giải pháp như:

Thứ nhất, đối với những DN đã và đang tham gia làm KH&CN, chúng ta cần tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích họ. Khi DN đang băn khoăn, chưa sẳn sàng tham gia thì ngoài cơ chế hỗ trợ thỏa đáng, Nhà nước sẽ đứng ra với tư cách như một “bà đỡ” để giúp DN có định hướng rõ ràng, tạo động lực quyết tâm đầu tư cho KH&CN phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình.

Thời gian qua, Quảng Ninh đã đầu tư một số nguồn lực về tài chính, hỗ trợ phương pháp, cách tiếp cận, giới thiệu các Viện, các nhà khoa học hoặc là đưa những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất giúp DN tiếp cận được lĩnh vực này. Đông thời, khi DN có sản phẩm, UBND tỉnh đã trực tiếp mời gọi các hộ tiêu thụ lớn cùng với các DN phối hợp với nhau tiêu thụ những sản phẩm đó với vai trò như một  “trọng tài” trong hệ thống tiêu thụ sản phẩm từ các DN.
Thứ 2, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các DN đầu tư nghiên cứu KH&CN, nhà nước cũng cần có cơ chế tôn vinh thỏa đáng và kịp thời đối với các DN đã hoàn thành tốt về đầu tư cho KH&CN. Việc này sẽ tạo sự hứng khởi, khuyến khích DN tiếp tục có sự đầu tư đổi mới công nghệ đồng thời thu hút các DN nghiệp cùng tham gia, tạo sự cạnh tranh và phát triển trong chính cộng đồng DN.

Phát triển giống gà Tiên Yên, … là những định hướng phát triển mang tính bền vững cho các DN, người dân của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: HT)

PV: Sau khi Nghị quyết TW 6 về KH&CN được thông qua, Luật KH&CN sửa đổi, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020,… sẽ có tác động như nào đối với địa phương về định hướng cho đầu tư  phát triển KH&CN trong thời gian tới thưa ông?

Ông Đặng Huy Hậu: Đối với Quảng Ninh từ cuối năm 2011 đầu năm 2012, chúng tôi đã xác định phải có sự đột phá về KH&CN. Ngoài việc phối hợp với Bộ KH&CN để triển khai một số chương trình về đầu tư, phát triển KH&CN, tỉnh đã xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ các chương trình trên. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động triển khai quy hoạch phát triển KH&CN đến giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030. Quy hoạch này nếu được thông qua sẽ tạo ra một lộ trình phát triển KH&CN cho tỉnh Quảng Ninh trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến quản lý nhà nước tới các vấn đề về an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội,…

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng một quỹ cho KH&CN trong 3 năm ước tính trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ quỹ của nhà nước, tỉnh cũng tiến hành huy động thêm các nguồn lực tài trợ từ xã hội nhằm bổ sung cho quỹ này.

Bên cạnh các Chương trình của Chính phủ, Bộ KH&CN,… Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng thống nhất cao về các nội dung, chương trình hành động cụ thể cùng với quyết tâm thực hiện có hiệu quả hoạt động đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng KH&CN để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo tôi, dù cơ chế có “thoáng” như thế nào đi chăng nữa, nhưng cấp lãnh đạo cao nhất không quan tâm tới chương trình, không bám sát, không có tổng kết sơ kết, không có biểu dương khen thưởng… thì mọi hành động chỉ mang tính hình thức. Yếu tố cốt lõi vẫn là tâm huyết của lãnh đạo sẽ lan tỏa tới cộng đồng xã hội, trong đó, DN đóng vai trò quan trọng đối với các chương trình KH&CN sau đó là tới người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hiệp Tuyết (lược ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner