Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 19/04/2025 , 12:10 am
Cập nhật : 13/05/2013 , 14:05(GMT +7)
Bài 2: Luật KH&CN sửa đổi: 5 vấn đề mang tính đột phá cho KH&CN
Luật KH&CN sửa đổi sẽ đề cập nhiều vấn đề mới mang tính đột phá (ảnh: HH)
Luật KH&CN sửa đổi lần này sẽ đề cập đến 5 vấn đề mới mang tính đột phá cho hoạt động KH&CN, đó là đổi mới về phương thức đầu tư cho KH&CN; đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án; đổi mới cơ chế tài chính; đổi mới chính sách đãi ngộ cho cán bộ KH&CN và đổi mới nhằm tạo nên môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại buổi tọa đàm về Luật KH&CN (sửa đổi), tháo gỡ những “nút thắt”, tạo đà cho KH&CN phát triển tại VOVTV vừa qua.

Phóng viên xin ghi lại nội dung những chia sẻ trên theo chủ đề buổi tọa đàm.

- Thưa Bộ trưởng Nguyễn Quân, Luật KH&CN ra đời năm 2000, sau hơn 10 năm thực hiện thì Luật này đã bộc lộ những bất cập như thế nào?

Ông Nguyễn Quân: Có thể nói rằng, bất cập lớn nhất mà chúng ta gặp phải là khi trở thành viên của Tổ chức Thương mại WTO, thì cơ chế chính sách về KH&CN của chúng ta không hội nhập được, nó không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi nói đơn cử như Luật Năng lượng Nguyên tử cũng là một Luật chuyên ngành. Chúng ta xây dựng và được Quốc hội ban hành từ năm 2008 nhưng khi bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì có rất nhiều điều khoản của Luật trở nên bất cập, đặc biệt là việc bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

Chính vì vậy mà sắp tới chúng tôi cũng phải tiến hành sửa Luật Năng lượng Nguyên tử, đấy là chưa kể Luật KH&CN chúng ta xây dựng từ năm 2000 thì khi đó phương thức xây dựng các đề tài, dự án KH&CN cũng như việc huy động nguồn lực từ xã hội đầu tư cho KH&CN chưa phù hợp.

Các doanh nghiệp hầu như đứng ngoài hoạt động KH&CN, chính vì thế mà đến bây giờ các bất cập ấy cần điều chỉnh để cho chúng ta xây dựng được hoạt động KH&CN phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời có được nguồn lực đủ lớn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các nhà khoa học đang phải chịu đựng để nền khoa học Việt Nam đến gần hơn với khu vực và thế giới.

- Vậy điểm khác biệt lớn nhất của Luật KH&CN sửa đổi lần này so với Luật KH&CN được ban hành năm 2000 là gì, thưa Bộ trưởng?

Ông Nguyễn Quân: Căn cứu vào thực tiễn hoạt động KH&CN hơn 10 năm qua thì lần này Luật KH&CN sửa đổi đề cập đến 5 vấn đề đổi mới mang tính đột phá.

Thứ nhất là về phương thức đầu tư cho KH&CN. Trước đây, chúng ta chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, huy động đầu tư của xã hội còn rất nhỏ bé. Lần này trên tinh thần của Nghị quyết 20 của Đảng đã thể chế hóa trong Luật là bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ đề đầu tư lại cho nghiên cứu khoa học thông qua việc thành lập Qũy phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Luật cũng khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng làm như vậy nhưng không bắt buộc, đồng thời tìm kiếm nguồn đầu tư từ hợp tác quốc tế. Đối với nền kinh tế chúng ta đây cũng là một phần quan trọng.

Trên thực tế trong những năm qua thì một số tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã đi đầu và là những tấm gương trong việc đầu tư cho KH&CN. Tiêu biểu là Viettel, Tập đoàn Dầu khí QG Việt Nam. Hai doanh nghiệp này thời gian qua đã đầu tư hơn 200 triệu USD cho KH&CN. Nhờ vậy mà họ đã có những sản phẩm rất có giá trị đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế, đây cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Vấn đề thứ 2 là với phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án. Trước đây thì mọi người đều có quyền đề xuất các đề tài rồi các cơ quan quản lý phê duyệt và tổ chức thực hiện. Nhưng khi đề tài hoàn thành thì lại không tìm được địa chỉ ứng dụng cho nên thường nhiều đề tài nghiên cứu xong để ngăn kéo. Nhưng trong thời gian tới, các quy trình sẽ chặt chẽ hơn, mọi người đều có quyền đề xuất các đề tài dự án nhưng các cơ quan có thẩm quyền mới là người có quyền đề xuất, đặt hàng và Bộ KH&CN cũng như các Bộ khác sẽ là người đặt hàng các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và ai đề xuất đề tài thì người đó phải tiếp nhận kết quả nghiên cứu và có trách nhiệm chuyển giao kết quả đó vào ứng dụng thực tế.

Các nhà khoa học khi thực hiện các đề tài nghiên cứu phải có trách nhiệm hoàn thành đề tài, sau đó bàn giao kết quả cho đơn vị đã đặt hàng mình và cơ quan ấy lại bàn giao kết quả nghiên cứu đó cho cơ quan đề xuất đặt hàng để kết quả được ứng dụng thực tế. Chúng tôi hy vọng với quy định như vậy thì rất ít đề tài phải xếp ngăn kéo.

Vấn đề thứ 3 là đổi mới cơ chế tài chính, chúng ta đang làm khác với thông lệ quốc tế, chính vì thế mà các nhà khoa học đang gặp khó khăn trong vấn đề quyết toán tài chính, mất nhiều thời gian nên khó toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu. Sắp tới theo Luật mới chúng ta sẽ đổi mới cơ chế tài chính theo cơ chế quỹ để các đề tài dự án không phải đợi kinh phí quá lâu, đồng thời không phải quyết toán năm và có thể chủ động chuyển nguồn, đơn giản hóa các thủ tục hóa đơn, chứng từ.

Đặc biệt lần đầu tiên chúng ta đề cập đến cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng cho KH&CN. Tức là đề tài nào có sản phẩm cuối cùng đúng như thuyết minh, tiêu chí hội đồng đặt ra thì sẽ được quyết toán không cần phải có quá nhiều hóa đơn chứng từ phức tạp như trước đây.

Vấn đề thứ 4 là chính sách đãi ngộ cho cán bộ KH&CN. Từ trước đến nay cán bộ KH&CN chưa có chính sách đãi ngộ nào, mặc dù trên Nghị quyết luôn có nhưng chính sách cụ thể thì không. Do nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn khó khăn nên lần này trong Luật KH&CN sửa đổi chúng tôi chỉ tập trung đãi ngộ 3 đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học đang phụ trách các công trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia và các nhà khoa học trẻ thực sự tài năng.

Nhìn chung các nhà khoa học cũng sẽ có một số chính sách đãi ngộ khác, ví dụ như tài sản trí tuệ (sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học) được hình thành từ ngân sách nhà nước nhưng nhà nước sẽ giao quyền sở hữu đó cho các nhà khoa học để họ có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, góp vốn cho doanh nghiệp và hưởng lợi nhuận tương đương với phần góp vốn của họ. Đây là một cách để các nhà khoa học sống được bằng các kết quả nghiên cứu chứ không phải sống bằng các đề tài, dự án.

Vấn đề cuối cùng là Luật KH&CN sửa đổi sẽ tạo nên môi trường thuận lợi để phát triển KH&CN, để các nhà khoa học có thị trường, đồng thời có sự điều hành hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Nếu có 1 thị trường KH&CN như thế thì KH&CN sẽ có đầu ra, đó chính là động lực các nhà khoa học nghiên cứu tốt hơn.

- Vậy Bộ KH&CN đã và đang chuẩn bị những gì để chuẩn bị triển khai luật KH&CN sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới, thưa Bộ trưởng?

Ông Nguyễn Quân: Chúng tôi hy vọng Luật sửa đổi sắp tới sẽ được thông qua. Để triển khai Luật này khi Luật có hiệu lực vào ngày 14/1/2014 thì chúng tôi đang chuẩn bị tương đối đồng bộ những văn bản dưới luật đó là các Nghị định của Chính phủ đã được hướng dẫn trong Luật quy định, và chúng tôi cũng đã xây dựng một số chương trình như là chương trình hành động của Bộ KH&CN để chúng ta có thể thực hiện tất cả các khâu để đưa Luật này vào cuộc sống.

Chúng tôi cũng sẽ huy động những nguồn lực mà nhà nước đã giao cho Bộ KH&CN vào việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật, ví dụ như đổi mới phương thức xây dựng các chương trình đổi mới, các chương trình đổi mới cấp nhà nước cũng như các chương trình trọng điểm quốc gia về KH&CN mà Chính phủ đã phê duyệt. Chúng tôi cũng sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các tập thể khoa học mạnh, các khu ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp khoa học công nghệ và trong thời gian từ nay đến cuối năm, sẽ có rất nhiều các hoạt động KH&CN để chúng ta có thể thấy được luật này đi vào đời sống như thế nào. Chúng tôi  hy vọng được các bộ, ban nghành có liên quan, đặc biệt là các Bộ tổng hợp như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ cùng phối hợp với chúng tôi để triển khai những quy định của Luật để Luật thực sự đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả nhất.

Phương Hoàn – Ngũ Hiệp (lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner