Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chúng ta đang thực hiện sự chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên chiều rộng sang tăng trưởng dựa vào kết hợp chiều rộng và chiều sâu. Chiều sâu bao hàm trong đó là KH&CN và tăng trưởng xanh. Đó là những trụ cột đảm bảo sự phát triển đất nước bền vững.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung Ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện HL KHXH) khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm về giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 trên Hệ phát thanh có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây. Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm, tiếp theo nội dung đã được đề cập trong Bài 1.
- Thưa GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, với cương vị là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khoa học xã hội Việt Nam, ý kiến của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hoạt động KH&CN hiện nay là do chúng ta chưa thực sự đổi mới về phương thức cũng như cách thức quản lý nhiệm vụ KH&CN?
- GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng: Theo tôi ý kiến này đúng nhưng còn quá chung chung. Bởi sự phát triển của chúng ta dựa rất nhiều vào những trụ cột quan trọng. Ví dụ, các yếu tố cấu thành đầu vào cho sự phát triển là lao động, tài nguyên đất đai, nhưng trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay, trụ cột có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra sự thay đổi về chất của một nền kinh tế (như trong Nghị quyết nói nâng cao sức cạnh trạnh, hiệu quả) là phải dựa trên KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế nhận thức đó ở nhiều cấp, ngành chưa đồng bộ, toàn diện. Ngay bản thân các nhà khoa học cũng nghĩ rằng việc mình làm chưa chắc đã đáp ứng được. Tôi cho rằng cần sự nhận thức đúng đắn về vai trò của KH&CN.
Để khắc phục được phần nào những trở ngại đó, thứ nhất, bản thân nhà khoa học phải được khẳng định, được đánh giá đúng mức, nhìn nhận chính vai trò của mình trong công cuộc phát triển.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là chính sách đầu tư. Thứ ba là cơ chế chính sách, nhất là cơ chế tài chính, bởi đây là rào cản lớn. Hiện chúng ta không dựa vào sản phẩm đầu ra khoán chi thông qua hệ thống quỹ mà đưa ra các danh mục, xây dựng hệ thống bằng các chuyên đề để thực hiện việc tính toán đầu vào. Như vậy, rất khó để các nhà khoa học chủ động sáng tạo và loay hoay tìm cách giải ngân. Điều này rất tối kỵ trong hoạt động KH&CN.
Thứ tư, củng cố lại hệ thống tổ chức KH&CN. Chúng ta cần xác định rõ vị trí của cơ quan khoa học hàng đầu để tập trung xây dựng trung tâm khoa học mang tính quốc gia. Theo tôi, tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ KH&CN cần trao đổi, thảo luận để sắp xếp tổ chức lại, phân định rõ chức năng nghiên cứu đào tạo khác với chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội, KH&CN.
Cuối cùng là chính sách tiền lương căn cứ vào cấp bậc lên xuống theo tỷ lệ, điều đó làm cho nhà khoa học chạnh lòng bởi vì họ nhìn nhận giống như lao động giản đơn trong khi đó bản thân hoạt động KH&CN là hoạt động phức tạp, hoạt động sáng tạo, hoạt động đổi mới.
- Theo ông, việc ban hành Chiến lược và thực hiện thành công Chiến lược sẽ có ý nghĩa thế nào?
- Trong Nghị quyết 20 và Chiến lược đã khẳng định rất rõ, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến bối cảnh của giai đoạn phát triển hiện nay và những năm tiếp theo đó là chúng ta hướng đến mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ. Nói tầm nhìn đó để thấy trụ cột của đất nước ta hiện nay chính là dựa trên KH&CN, nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo tôi, đó là 2 trụ cột rất quan trọng, bởi hiện chúng ta cần hiệu suất của nền kinh tế, còn những yếu tố cấu thành như tín dụng, vốn đầu tư, lao động rẻ,… đang mất dần lợi thế. Nếu không thật sự chú tâm vào KH&CN sẽ không tạo ra sự bứt phá, sự thay đổi cho nền kinh tế đất nước. Vì thế, ý nghĩa hết sức quan trọng của Chiến lược chính là khẳng định đúng đắn vai trò của KH&CN, nhấn mạnh hơn trụ cột này trong quá trình phát triển đất nước.
- Vâng, Chiến lược cũng đã đặt mục tiêu phát triển Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành tổ chức hàng đầu quốc gia và ASEAN về khoa học xã hội và nhân văn. Để sớm hiện thực hóa được mục tiêu nói trên, cần đầu tư chiều sâu cho KH&CN. Nhiệm vụ này sẽ được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?
- Điều này rất rõ bởi hiện trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế chúng ta đang thực hiện sự chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên chiều rộng sang tăng trưởng dựa vào kết hợp chiều rộng và chiều sâu. Chiều sâu bao hàm trong đó là KH&CN và tăng trưởng xanh. Do đó, đặc biệt chú trọng đến quan điểm phát triển bền vững. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định, chúng ta thực hiện nhiệm vụ này bằng KH&CN, bằng tái cấu trúc gắn giữa việc tăng trưởng kinh tế và hài hòa với tiến bộ xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Đó là ba trụ cột chính đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Ngoài ra, hai yếu tố khác cũng tương đối quan trọng đó là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội.
- Để đạt được mục tiêu đề ra, Chiến lược cũng đặt ra giải pháp đầu tư, phát triển lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thực tế lại xuất hiện nhiều sáng chế có giá trị cao của những người nông dân. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
- Trước hết cần hiểu rằng, sáng kiến của mọi người dân rất quan trọng, có đóng góp tích cực trong đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, để có được sáng chế người dân phải dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học đã được tập hợp. Không thể có một người trình độ học vấn hạn chế, không có kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật mà sáng chế ra được sản phẩm. Vấn đề ở chỗ, KH&CN đã trở thành kiến thức phổ cập, phổ thông để mọi người khai thác. Vì thế, chúng ta đừng nhìn và đánh giá lầm một sáng kiến nào đó rồi phủ nhận khoa học. Khoa học đi vào những cái mới, những thành tựu đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước như trong Chiến lược đã đặt ra với các lĩnh vực ưu tiên là công nghệ thông tin; công nghệ mới; vật liệu mới; năng lượng, nano;…
Nền khoa học của nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến rất xa còn chúng ta giờ vẫn đang loay hoay với những chuyện như vậy thì đó là một thách thức rất lớn. Do vậy, phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, không chỉ những người đứng đầu các tổ chức KH&CN hay các nhà quản lý mà là đội ngũ trực tiếp làm khoa học. Số lượng cũng rất quan trọng bởi chúng ta mở ra nhiều lĩnh vực nhưng thiếu nhân lực. Vì thế, việc đào tạo đội ngũ các nhà khoa học để phủ được tất cả các lĩnh vực khoa học đã có và sẽ có cũng là quá khó.
Tuy nhiên, theo tôi chất lượng vẫn là quan trọng nhất. Đó phải là những người có đủ năng lực, phương pháp tiếp cận, tri thức để phát hiện, đưa ra kiến nghị về chính sách. Ví dụ trong khoa học tự nhiên phải vào phòng thí nghiệm, nghiên cứu, sản xuất thử,… mà không đơn giản để có thể đưa vào sản xuất và đời sống. Hoặc ví dụ như trong khoa học xã hội, hội nhập trước đây bàn về vấn đề kinh tế, giờ cả về vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường. Những yêu cầu đặt ra chúng ta buộc phải giải quyết, đó chưa kể tổng thể nền kinh tế cho đến liên kết giữa các vùng kinh tế, các địa phương, vị thế, lợi thế của các tỉnh,... điều này đều phải nghiên cứu, nếu không có nhà khoa học tôi cho rằng hơi khó.

Ông Trần Văn Tuấn, tỉnh Thái Bình giới thiệu máy cải tiến công nghệ sản xuất sợi đũi từ phế thải tơ tằm dựa trên dây chuyền thiết bị của Trung Quốc với khách tham quan. Ảnh: Phương Nga.
- Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Viện đã đặt cho mình những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Có ba vấn đề lớn Viện sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả Chiến lược. Đó là, định vị rõ nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Viện với ba khối nghiên cứu khoa học xã hội, khoa học nhân văn và quan hệ quốc tế. Tập trung phân tích, đánh giá, dự báo động thái phát triển của thế giới, khu vực và những tác động đó đối với Việt Nam và định hướng phát triển như thế nào trên tất cả các chiều cạnh về chính trị, an ninh, kinh tế, môi trường,...
Để làm được điều đó, cần phải có con người, nguồn nhân lực, đặc biệt phải tạo sức hấp dẫn của lĩnh vực khoa học xã hội. Thứ hai là cơ chế đầu tư, tài chính theo hình thức khoán chi, quản lý sản phẩm đầu ra, thông qua hoạt động các quỹ,…
- Vâng, xin chân thành cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh – Phương Nga