Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 12:43 pm
Cập nhật : 14/12/2016 , 13:12(GMT +7)
Bài 2: Đào tạo nhân lực KH&CN tại Việt Nam: Thuận lợi và thách thức
Con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của nước ta được cung cấp thông qua đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Rất nhiều mô hình mới đã được thành lập nhờ sự hỗ trợ vốn và kinh nghiệm của các nước phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, đào tạo, phát triển nhân lực KH&CN hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nhiều mô hình đào tạo mới

Theo TS. Nguyễn Đình Minh – Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, hiện hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của nước ta có 442 trường, trong đó có 223 trường đại học, 219 trường cao đẳng, đảm nhận việc đào tạo cán bộ từ trình độ cao đẳng đến tiến sĩ của hầu hết các lĩnh vực, và là nơi cung cấp chủ yếu nguồn nhân lực KH&CN cho các thành phần kinh tế và xã hội của đất nước.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước và để hội nhập với giáo dục đại học của khu vực và thế giới, ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý, chương trình đào tạo, nhiều trường đã triển khai đào tạo theo Chương trình tiên tiến, Chương trình liên kết đào tạo với các trường nước ngoài. Một số trường đại học quốc tế, trường đại học theo mô hình mới (có yếu tố nước ngoài) cũng đã được thành lập, nhờ sự hỗ trợ vốn và kinh nghiệm của các nước phát triển để trở thành các trường đại học có chất lượng cao, theo chuẩn mực quốc tế.

Có thể kể đến như Chương trình tiên tiến thuộc Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học của Việt Nam, phần lớn tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, môi trường, vật liệu, công nghệ sinh học, y dược... Đến nay, cả nước đã có 23 trường đại học của Việt Nam hợp tác với 22 trường đại học trên thế giới để triển khai thực hiện đào tạo 35 chương trình tiên tiến ở bậc đại học; Chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Cả nước hiện có 475 chương trình liên kết đào tạo (310 đang hoạt động và 165 đã chấm dứt hoạt động) giữa 83 cơ sở giáo dục Việt Nam và 224 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, hơn 22.000 người đã tốt nghiệp, hơn 23.000 người đang học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ năm 2000, một số trường đại học quốc tế, trường đại học theo mô hình mới cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong đó có thể kể đến Trường Đại học RMIT Việt Nam, Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Về việc đào tạo ở nước ngoài, đến nay việc đào tạo nhân lực trình độ cao ở nước ngoài đã được thực hiện từ các Chương trình học bổng theo Hiệp định song phương và Chương trình của các tổ chức quốc tế, các Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và theo phương thức du học tự túc. Các chương trình học bổng của nước ngoài đã đóng góp tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN của nước ta.

Một số đề án lớn đã được triển khai như Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng Ngân sách nhà nước, dành riêng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, cán bộ diện quy hoạch cũng như lâu dài từ cấp phó vụ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương, cấp phó ngành trở lên ở địa phương và cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn (gọi tắt là Đề án 165); Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (gọi tắt là Đề án 1558); Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án 2359); Đề án ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020;…

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, hệ thống giáo dục đại học gồm các trường đại học, cao đẳng đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, cung cấp hàng triệu lao động có trình độ khác nhau với số lượng ngày càng tăng, chất lượng dần được nâng cao. Nhiều chương trình đào tạo mới đã được mở và đưa vào áp dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực như: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Tự động hoá, Cơ điện tử, Công nghệ cơ khí, Công nghệ năng lượng, Công nghệ sinh học, Công nghệ sau thu hoạch, Nuôi trồng thuỷ sản, Tài chính, Ngân hàng và sau đó là các ngành về Du lịch và dịch vụ,… Đặc biệt, nhiều trường đại học đã dành một khoản kinh phí không nhỏ đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên, sinh viên. Nhiều đề tài NCKH của sinh viên các trường ngoài công lập đã đạt được giải thưởng cũng như áp dụng trong thực tế.

Trí thức Việt kiều: Thiếu đầu mối thông tin

Theo ông Nguyễn Thế Cường - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đến nay chưa có số liệu thống kê nào về số lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) được chính thức công bố. Ước tính, hiện có gần 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN (trung bình chiếm khoảng 10% - 15% cộng đồng hơn 4,5 triệu NVNONN), có trình độ từ đại học trở lên tập trung chủ yếu ở các nước Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đức, Nhật, Nga,... Ngoài ra, còn có các du học sinh. Tính đến năm 2012, có khoảng hơn 100.000 lưu học sinh Việt Nam ở 49 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 90% đi học tự túc. Các nước có đông học sinh, sinh viên nghiên cứu sinh là Úc, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Nhật, Nga,...

Một nhà khoa học ở nước ngoài tham gia Hội thảo tại Việt Nam.

Đội ngũ tri thức NVNONN có vai trò trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin-viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, năng lượng, y học, các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán, ... Đặc biệt, nhiều nhà khoa học trẻ gốc Việt, du học sinh Việt Nam đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Thảo,...

Những năm gần đây, lực lượng trí thức kiều bào đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước. Hàng năm, trung bình có khoảng 300 lượt trí thức NVNONN về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai KH&CN, giáo dục - đào tạo, phần lớn theo hình thức công tác ngắn ngày, chủ yếu là dự hội nghị, hội thảo, giảng dạy, triển khai các dự án hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Ước tính, số lượt chuyên gia, trí thức NVNONN về làm việc với các cơ quan Nhà nước chiếm 55%; số lượt trí thức về nước tham gia giảng dạy, hợp tác nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm khoảng 45%; chủ yếu vẫn là từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Úc và Canada,...; tập trung vào các lĩnh vực khoa học nghiên cứu cơ bản như toán, công nghệ hạt nhân, nông nghiệp, năng lượng tái  tạo và các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, y tế, giáo dục đào tạo,... trong đó nghiên cứu, đào tạo chiếm phần lớn.

Bên cạnh sự đóng góp của các trí thức đơn thuần, còn có sự xuất hiện của các mô hình mới vừa là trí thức vừa là doanh nhân (doanh nhân – trí thức), vừa giỏi nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, vừa làm quản lí doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và có quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Thế Cường cho biết, từ năm 2005 đến nay, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với các bộ ngành tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề dành riêng cho kiều bào với nhiều chủ đề thiết thực đối với công cuộc phát triển đất nước từ các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, ngân hàng, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao,… Tuy nhiên, hiện còn thiếu đầu mối thông tin và hệ thống phối hợp thông tin, trao đổi, hướng dẫn trí thức kiều bào về làm việc; môi trường làm việc chưa thực sự mang tính thị trường cho các sản phẩm khoa học. Việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học còn ít hiệu quả, chưa thực sự được trọng dụng và trả lương xứng đáng cho người có công trình nghiên cứu có giá trị cũng là những trở ngại, không hấp dẫn với chuyên gia, trí thức NVNONN.

Bài 1: Nhân lực KH&CN đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội truyenthongkhoahoc.vn/vn/Phat-trien-nhan-luc-KH-CN-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-c1026/Phat-trien-nhan-luc-KH-CN-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-n9248

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner