Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 22/11/2024 , 07:00 pm
Cập nhật : 10/06/2016 , 17:06(GMT +7)
Bắc Giang:Ứng dụng KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Đoàn công tác của Bộ KH&CN khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang)
Bắc Giang là một tỉnh miền núi với hơn hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, gần 65% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững của tỉnh thời gian qua.

Nhiều nông sản được bảo hộ, gắn chỉ dẫn địa lý

Những điểm sáng nổi bật trong việc ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp có thể kể đến việc nghiên cứu, áp dụng thành công và nhân rộng các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá như: vải thiều, bưởi, cam, lúa chất lượng cao, lạc, rau an toàn, chè, gà đồi…

Đặc biệt, năm 2015, tỉnh Bắc Giang đã sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 12.200 ha, sản lượng gần 80 nghìn tấn; xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP) với diện tích 50 ha, sản lượng 300 tấn bảo đảm được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tăng giá trị 20-30% so với vải thiều sản xuất thông thường.

Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn đã nộp đăng ký bảo hộ tại 9 quốc gia. Tính đến tháng 03/2016, sản phẩm này đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia và đang trong quá trình xem xét đơn tại Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore.

Ngoài ra, mì Chũ, mì Kế cũng đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Nhật Bản và đang được xem xét cấp tại Lào, Campuchia, Hàn Quốc. Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Lào và đang xét đơn ở Campuchia, Singapore.

Ở góc độ tăng chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng các quy trình công nghệ đã giúp Bắc Giang có 12.000ha vải thiều tiêu chuẩn VietGAP, 50ha với tiêu chuẩn GlobalGAP. Quả vải thiều tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ, góp phần tăng giá trị 20–30% so với vải thiều thông thường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN luôn chủ động phối hợp với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt các hoạt động ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Một trong những nội dung quan trọng đó là triển khai các nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề khó khăn của địa phương. Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh như: dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vải thiều Lục Ngạn”; nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Yên Thế”; nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Yên Dũng”,… với tổng kinh phí lên đến 52 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ KH&CN đang hỗ trợ tỉnh chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến vải thiều tươi, một số loại quả khác bằng công nghệ Juran của Israel; nghiên cứu, chọn tạo một số giống lạc chịu hạn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất giống gà, giống khoai tây bằng công nghệ khí canh; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trong canh tác vải thiều, cam Canh Lục Ngạn,…

Mô hình trồng rau an toàn tại Bắc Giang

“Đặc biệt, với những sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu của Bắc Giang, hiện đã có thể đưa đến Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để phục vụ chiếu xạ, không phải đưa vào TP.HCM như trước đây”. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Chú trọng KH&CN để phát triển bền vững

Đánh giá về vai trò của KH&CN trong phát trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên cho biết, những năm qua, ngành KH&CN Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các huyện, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Sở KH&CN đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN.

Các hoạt động như ứng dụng các loại cây, con giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến gắn với áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thu được kết quả đáng khích lệ. Một số đề tài, dự án cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp được triển khai áp dụng có hiệu quả ở các địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, y tế, giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân,... Qua đó, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Bắc Giang đã chọn hướng đi đúng khi ứng dụng KH&CN để nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với xây dựng thương hiệu. Chúng ta có sản phẩm tốt, nếu không được bảo hộ ở nước ngoài rất dễ bị mất cắp. Việc đăng ký bảo hộ, không chỉ phát triển cho sản phẩm đó mà còn xây dựng được thương hiệu của chính vùng có nông sản”. Ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Chức, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bắc Giang (Trung tâm) cho hay, năm 2015, Trung tâm thực hiện 05 mô hình ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống như: mô hình sản xuất giá thể hữu cơ phục vụ rau an toàn và hoa chất lượng cao quy mô 3.000 kg giá thể; mô hình trồng rau trái vụ an toàn qui mô: 2.000m2 một số loại rau trái vụ/02 vụ: su hào, rau cải, rau gia vị: thìa là, rau mùi... ; mô hình trồng thử nghiệm hoa lan Phi Điệp tím qui mô160 giò lan; mô hình trồng thử nghiệm hoa lan Hoàng Thảo qui mô 1.300 chậu lan; mô hình nuôi cá trắm đen theo hình thức thâm canh trên địa bàn huyện Tân Yên qui mô 200 con.

Cũng theo Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên, về lâu dài tỉnh chủ trương đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao KH&CN trên cơ sở khai thác những lợi thế sãn có của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Sở KH&CN sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tranh thủ nhiều nguồn lực của Trung ương triển khai các dự án cấp Quốc gia thực sự hiệu quả; tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Đề án nâng cao năng lực kiểm định, kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đặt hàng Bộ KH&CN nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia. Quản lý tốt các nhiệm vụ KH&CN các cấp để phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH&CN.

Tỉnh Bắc Giang cũng đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia góp ý vào dự thảo nghị quyết đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, phải liên kết, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đó, dự kiến Bắc Giang sẽ hình thành ít nhất 8 – 10 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở một số địa phương có lợi thế. Như sản xuất nấm ở huyện Lạng Giang, Việt Yên; rau an toàn ở huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng, TP.Bắc Giang; vải ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên; chè ở huyện Yên Thế, Sơn Động;…

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner