Với những kết quả đạt được từ các nhiệm vụ KH&CN, đã góp phần tăng thêm nguồn lực KH&CN cho tỉnh Bắc Giang, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN ngày càng được nâng cao, phát huy vai trò của ngành KH&CN, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bắc Giang có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội. Với diện tích tự nhiên xấp xỉ 3.900 km², trong đó trên 75% diện tích là đất nông nghiệp; có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống sản xuất rất thuận lợi cho phát triển các loại hình sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Với nhiều vùng cây ăn quả nổi tiếng ở Lục Ngạn, Lục Nam, kinh tế đồi rừng phát triển ở Yên Thế, Tân Yên… Ngoài ra, với gần 1.000 di tích đã được xếp hạng, gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là lợi thế rất lớn để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh được quy hoạch và đầu tư phát triển khá đồng bộ và hiện đại. Mạng lưới giao thông thuận tiện. Trong những năm gần đây, Bắc Giang đã và đang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp lớn ở khu vực phía Bắc với các khu công nghiệp lớn như Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung… thu hút hàng trăm nhà đầu tư. Với tiềm năng, lợi thế kể trên, Bắc Giang đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Theo báo cáo kết quả hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 –2021, UBND tỉnh đã ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và một số trường đại học trong cả nước. Qua đó, 14 nhiệm vụ KH&CN được triển khai, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho tỉnh. Thông qua các nhiệm vụ đã chuyển giao cho tỉnh Bắc Giang nhiều bộ giống, tiến bộ kỹ thuật mới như: giống nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình, ổi OĐL1; kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới công nghệ cao; sản xuất lúa, gạo chất lượng cao; nhân giống, trồng, thu hái, sơ chế bảo quản dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO; chăn nuôi gà lai hướng trứng HA theo chuỗi giá trị; chăn nuôi bò thịt lai Blanc-Blue-Belge thương phẩm,…; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho người dân tiếp thu, làm chủ các quy trình công nghệ.
Những kết quả đó đã góp phần tăng thêm nguồn lực KH&CN cho tỉnh, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của tỉnh ngày càng được nâng cao, phát huy vai trò của ngành KH&CN, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt đồng bào khu vực nông thôn và miền núi, tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hình thành thị trường công nghệ, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH.
Kết quả các đề tài, dự án đã đóng góp tích cực nâng cao giá trị, chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, rau Yên Dũng, ba kích Sơn Động, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên, khoai tây Việt Yên... đều có đóng góp quan trọng của KH&CN; giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Năm 2021, năng suất và chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay, sản lượng đạt khoảng 215 nghìn tấn, tăng 30% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, công tác quản lý sở hữu trí tuệ, sáng kiến được tập trung chỉ đạo. Đã tổng kết Đề án Phát triển sản phẩm vải thiều hướng đến đạt tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia. Tiếp tục hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.284 Giấy chứng nhận nhãn hiệu; Trong 84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 57 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 45 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 11 văn bằng bảo hộ độc quyền. Năm 2021 là năm có nhiều nhất các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gồm 1 sáng chế, 2 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận, 7 nhãn hiệu tập thể và 123 nhãn hiệu thông thường.
Tỉnh Bắc Giang đã có 03 chỉ dẫn địa lý trong đó có vải thiều Lục Ngạn
Tỉnh Bắc Giang đã có 03 chỉ dẫn địa lý (Vải thiều Lục Ngạn, Na dai Lục Nam và Sâm nam núi Dành), 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể. Hiện tại đang làm thủ tục bảo hộ 02 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Nhiều đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được triển khai phát huy hiệu quả chuyển dần từ hướng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sang đi vào chiều sâu, khai thác và phát huy giá trị tài sản trí tuệ.
Để hoạt động KH,CN&ĐMST của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của đất nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ngành KH&CN tỉnh nhà cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước, trước tiên tập trung một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KH&CN đổi mới sáng tạo, phấn đấu tăng dần tỷ lệ đầu tư tiệm cận dần đến mức 2% ngân sách nhà nước chi cho KH&CN trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cho các ngành, lĩnh vực. Trong đó ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, giao thông, đô thị thông minh, du lịch sinh thái gắn với văn hóa tâm linh, sản xuất thông minh, công nghệ vật liệu mới thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN, tăng cường nguồn lực cho KH&CN, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN có quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từng bước lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo; Quan tâm đến trình độ công nghệ, mức độ tiên tiến hiện đại của thiết bị, công nghệ của các dự án khi được cấp phép đầu tư; Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo hộ xác lập quyền và khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước…
Bài, ảnh: PV