Mới đây UBND huyện Yên Thế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế”.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thế đã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu gồm: Gà đồi Yên Thế, Chè Yên Thế, Nhãn chín muộn Yên Thế
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn chín muộn Yên Thế" của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho UBND huyện Yên Thế. UBND huyện trao giấy chứng nhận cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Yên Thế” cho 20 tổ chức, cá nhân trồng nhãn. Giống nhãn mang chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế” gồm: Nhãn Miền Thiết và Hà Tây 6.
Theo giấy chứng nhận, Logo “Nhãn chín muộn Yên Thế” được thiết kế nằm gọn trong hình tròn. Ở giữa là hình ảnh chùm nhãn, bên dưới là hình ảnh bãi bồi bên dòng sông xanh và phía xa là hình ảnh ngọn đồi kèm theo ánh hoàng hôn. Những hình ảnh kết hợp trong logo mang đặc trưng tiêu biểu của quả nhãn chín muộn và vùng trồng nhãn huyện Yên Thế.
Hiện nay, toàn huyện Yên Thế có khoảng 450 ha nhãn. Năm 2021, sản lượng đạt 2 nghìn tấn. Vùng sản xuất tập trung tại 13 xã gồm: Đồng Tâm, Đông Sơn, Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, Tân Sỏi, Đồng Lạc, Đồng Vương, Tam Hiệp, Tân Hiệp, Hương Vỹ, An Thượng, Đồng Hưu và thị trấn Phồn Xương. Nhãn chín muộn Yên Thế được trồng chủ yếu trên đất bãi ven sông nên chất lượng ổn định, ngon ngọt, cùi dày được khách hàng ưa chuộng.
Nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế” sau khi được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, khẳng định chất lượng, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...
Trước đó, vải thiều Bắc Giang cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia nhờ chất lượng vượt trội, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vừa mở đường thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vừa là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Australia, Singapore và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh kết nối, tiêu thụ vải thiều.
PV