Xuất phát từ tình trạng học sinh khó tiếp thu môn lịch sử, hay nhầm lẫn về sự kiện, con số… một nhóm học sinh tại Đà Nẵng đã thiết kế ra phần mềm sử Việt để giúp các bạn học lịch sử tốt hơn. Phần mềm vừa đoạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016.
Ba học sinh thiết kế ra phần mềm này gồm Dương Nguyên Ánh Hằng, Võ Ngọc Đức Thịnh và Huỳnh Trung Đức, học sinh lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Khuyến, TP. Đà Nẵng.
Giải pháp được nhóm chọn là sử dụng kỹ thuật làm web cũng như các công nghệ internet phổ biến hiện nay để tạo ra một ứng dụng web. Theo đó, ứng dụng web hiển thị trục thời gian, sắp đặt các thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử lên trục thời gian đó. Xây dựng phần mềm dưới hình thức dự án mã nguồn mở.
Với trục thời gian biểu diễn sự kiện lịch sử từ thời kỳ sơ khai đến hiện đại, mỗi sự kiện được chia làm 3 phần, gồm: Phần tóm lược lịch sử, phần sự kiện lịch sử và phần nhân vật lịch sử.
Để giúp người học dễ nhớ, nhóm ghép hình ảnh đại diện cho từng thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử cùng với tư liệu văn bản mô tả tổng quát nhất. Phần sự kiện được hiển thị danh sách tất cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ.
Phần mềm được thực hiện trong thời gian cả nhóm đang học lớp 7, song thể hiện được toàn bộ nội dung lịch sử Việt Nam. Vì vậy, để tạo sản phẩm, các em phải đọc trước lịch sử, tóm lược các sự kiện, nhân vật lịch sử phù hợp trong khuôn khổ phần mềm của mình.
Lúc đầu nhóm dựa vào nhiều nguồn tài liệu lịch sử khác nhau nhưng rồi phát hiện ra mốc thời gian lịch sử giữa các tài liệu không đồng nhất. Từ đó, nhóm quyết định lấy các mốc thời gian lịch sử dựa theo 2 cuốn: “Việt Nam sử lược” và "Đại Việt sử ký toàn thư”.
Sau 6 tháng miệt mài, nhóm đã thành công với ý tưởng của mình. Đề tài này đã đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc 2016 và mới đây là giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016.
Tại cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016, Ban giám khảo đã đánh giá cao ý tưởng của nhóm, bởi vì từ trước tới giờ chủ yếu phần mềm được viết dành cho các môn toán, ngoại ngữ, tiếng Việt chứ ít có phần mềm viết về lịch sử. Đặc biệt, ý tưởng trình bày theo trục thời gian thẳng đứng là rất mới mẻ, giúp các bạn học sinh có hứng thú tiếp cận, dễ dàng hơn trong việc học lịch sử.
"Thời gian tới, nhóm em sẽ giành thời gian hoàn thiện phần mềm dưới hình thức dự án mã nguồn mở, đồng thời sẽ chú trọng hoàn thiện hơn về mặt hình ảnh minh họa nhân vật, sự kiện", Ánh Hằng cho biết.