Hội Kỹ sư và Khoa học công nghệ Australia vừa kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị xem xét coi điện hạt nhân là biện pháp hiệu quả để đấu tranh với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Các báo cáo của cơ quan này cho biết những ý kiến lo ngại về rủi ro từ điện hạt nhân đã bị cường điệu quá mức.
Giáo sư Allan Finkel, Chủ tịch Hội Kỹ sư và Khoa học công nghệ Australia, khẳng định có nhiều tin đồn thất thiệt xung quanh vấn đề năng lượng hạt nhân, đặc biệt từ khi xảy ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.
Ông Finkel cho biết công nghệ hạt nhân là an toàn và có thể phát huy hiệu quả hơn so với phong điện và quang điện trong mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, giáo sư Ken Baldwin, Giám đốc Viện thay đổi Năng lượng thuộc Đại học quốc gia Australia ở Canberra cho rằng Australia đang thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chưa đẩy mạnh việc phát triển điện hạt nhân.
Ông Baldwin nhấn mạnh: “Ở Australia, điện hạt nhân cần phải an toàn tuyệt đối với mức lãng phí tối thiểu và sự quản lý chặt chẽ nguyên liệu thô ở mọi cấp. Chúng ta sẽ cần một hệ thống điều chỉnh lớn và thông qua các thiết kế lò phản ứng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Australia có thể sử dụng cả những lò phản ứng nhỏ với công suất 300MW hoặc nhỏ hơn, loại đã từng được dùng trong các tàu hay tàu ngầm trong gần 60 năm qua với mức an toàn tuyệt đối.”
Theo giáo sư Baldwin, Australia sẽ khó đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide nếu không đẩy mạnh hướng đi này.
Nhiều nước châu Âu hiện cũng có quan điểm tương tự như của các chuyên gia Australia. Điển hình, Chính phủ Pháp ước tính 3/4 năng lượng điện của nước này là do điện hạt nhân tạo ra. Cơ quan Năng lượng hạt nhân tại Pháp, trực thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, cũng nhận định về lâu dài Australia sẽ gặt hái lợi ích kinh tế và môi trường nếu bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác thải hạt nhân hiện vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi./.