Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 07:37 am
Cập nhật : 08/12/2013 , 20:12(GMT +7)
Áp dụng khoa học - công nghệ trong bảo tồn và phát triển nguồn gene
Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phát triển nguồn gene trong nông nghiệp
Là một trong 10 Trung tâm Đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, nhưng lợi thế này của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu,... Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) về quỹ gene giai đoạn 2001 - 2013 do Bộ KH - CN tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng Chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene; áp dụng KHCN về quỹ gene; đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gene thành sản phẩm thương mại...

Nhiều thách thức trong bảo tồn nguồn gene

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được Liên hợp quốc đánh giá cao trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ nhờ những thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, lương thực. Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011, Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gene phong phú và đặc hữu. Đến nay, khoảng 49.200 loài sinh vật đã được xác định gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; trên 11.000 loài sinh vật biển.

Tuy nhiên, sự đa dạng tài nguyên thực vật nói trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi và thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, sự gia tăng dân số và đô thị hóa. Đặc biệt, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã đe dọa tới tài nguyên di truyền.

Hơn thế, hiện nay chúng ta chưa xác định được thứ tự ưu tiên đối tượng bảo tồn nguồn gene. Thậm chí, trong một số đề án, nhiệm vụ, đối tượng bảo tồn còn dàn trải và chưa xác định được. Nhiều nguồn gene đang lưu giữ, bảo tồn không đủ căn cứ để được xếp ưu tiên. Hiện cũng chưa có chương trình, dự án điều tra, kiểm tra chính xác tiềm năng thực sự và thực tế xói mòn về nguồn gene sinh vật Việt Nam. Chúng ta cũng thiếu các nghiên cứu cơ bản để cải tiến phương pháp lưu giữ, bảo tồn cũng như việc sử dụng, khai thác và phát triển nguồn gene còn nhiều hạn chế (do dữ liệu chưa đánh giá đầy đủ, thông tin giá trị nguồn gene chưa sẵn có để chia sẻ cho người sử dụng...).

Theo Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân, hiện một số giống như lợn ỉ, gà Hồ, lợn Ba Xuyên... còn rất ít. Vì vậy, nếu không có biện pháp khắc phục, nguy cơ nguồn gene ngày càng mai một là hiện hữu.

Gắn KHCN với bảo tồn, phát triển nguồn gene

Theo Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân, hơn 25 năm qua, Nhà nước đã quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn nguồn gene động vật, thực vật, vi sinh vật và coi nhiệm vụ KHCN về quỹ gene làm nhiệm vụ quốc gia có tính cấp bách cần được thực hiện thường xuyên và hàng năm. Hệ thống mạng lưới quỹ gene quốc gia cũng đã được hình thành và củng cố với 17 cơ quan đầu mối, hơn 70 tổ chức tham gia, phối hợp thực hiện thuộc 7 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài những nhiệm vụ bảo tồn, các nhiệm vụ về khai thác và phát triển nguồn gene, ứng dụng công nghệ sinh học trong đánh giá di truyền nguồn gene đã được triển khai, giúp các hoạt động quỹ gene ngày càng đóng góp thiết thực cho các hoạt động nghiên cứu triển khai trong các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ KH - CN, NN và PTNT, Y tế, Công thương, Quốc phòng... cùng các nhà khoa học, quản lý đã bàn luận, tập trung phân tích về hiện trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn nguồn gene của mỗi địa phương, đơn vị; khẳng định rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo tồn nguồn gene nói chung, công tác nghiên cứu KH&CN về quỹ gene nói riêng.

Theo nhiều chuyên gia tại hội nghị, việc bảo tồn gene của Việt Nam còn tương đối mới so với thế giới nên hệ thống văn bản quản lý còn thiếu và chưa thống nhất; thiếu nguồn nhân lực KHCN và kinh phí cho công tác quỹ gene, thiếu nguồn lực đầu tư cho công tác nghiên cứu KHCN nói chung cũng như công tác KHCN quỹ gene nói riêng...

Để khắc phục khó khăn, các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn tất việc kiểm tra, kiểm kê tình hình phân bổí của các nguồn gene cây trồng, vật nuôi trên toàn quốc, xác định đối tượng ưu tiên cần thu thập, bảo tồn; lưu giữ, bảo quản an toàn và nguyên trạng cũng như đánh giá được giá trị thực của nguồn gene hiện có của quốc gia; nâng cấp và xây dựng được Ngân hàng Gene quốc gia. Đặc biệt, cần xây dựng một Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene trình Chính phủ phê duyệt nhằm đẩy mạnh hoạt động KHCN về quỹ gene, bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học quốc gia.

Các đại biểu đều thống nhất cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ KHCN trong lưu giữ, bảo quản, tư liệu hóa nguồn gene cũng như thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao cho hoạt động bảo tồn nguồn gene; tăng cường thu hút nguồn đầu tư của xã hội với lĩnh vực KHCN về nguồn gene; đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gene thành sản phẩm thương mại đối với các nguồn gene có tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống quốc gia, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner