Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:05 am
Cập nhật : 10/06/2013 , 08:06(GMT +7)
Áp dụng cơ chế quỹ giúp nhà khoa học chủ động trong nghiên cứu
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Việc đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp hay vai trò của các nhà khoa học, ngành chức năng tại những thời điểm cấp thiết trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội… là những vấn đề đang đặt ra hiện nay cũng đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân giải đáp trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 9/6 tại Hà Nội trên sóng truyền hình VTV1.

PV: Chiến lược đầu tư dài hạn cho mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su.. sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, đây cũng là hướng mà Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp để triển khai. Theo Chương trình sản phẩm Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta đã lựa chọn một số sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp để tập trung đầu tư theo chuỗi công nghệ từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Với sự đầu tư tập trung, chúng ta sẽ có sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tránh việc đầu tư dàn trải. Trước mắt, nếu lúa gạo, cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu được coi là sản phẩm quốc gia được thực hiện, chúng ta sẽ có thương hiệu của Việt Nam đối với những nông sản với giá cạnh tranh trên thị trường.

PV: Thưa Bộ trưởng, chúng ta có mục tiêu cụ thể như thế nào để hoàn thành bước ban đầu phát triển công nghệ đối với những sản phẩm quốc gia này?

-Các chương trình sản phẩm Quốc gia cần đạt được mục tiêu tới 2015 sẽ hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, từ năm 2015 đến 2020 bắt đầu triển khai dự án sản xuất quy mô lớn. Tuy vậy, hiện nay việc triển khai còn chậm so với yêu cầu. Lẽ ra cho đến thời điểm này, các Chương trình Quốc gia phải đi vào nghiên cứu ở giai đoạn đỉnh cao, tuy nhiên do nhiều vướng mắc, trong năm nay các dự án nghiên cứu phục vụ cho Chương trình quốc gia mới được khởi động.

Chúng tôi đang rất lo lắng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, các dự án nghiên cứu kết thúc để chuyển sang dự án sản xuất. Ngoài ra, các dự án đầu tư cho sản xuất cần sự phối hợp của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp chế biến bảo quản, khi đó các sản phẩm quốc gia mới thực sự phát huy tác dụng.

Hy vọng đến năm 2015 các dự án nghiên cứu có thể được nghiệm thu, từ đó chúng ta sẽ có được các công nghệ mới áp dụng cho sản phẩm nông sản.

PV: Việt Nam đã có chiến lược học hỏi các nước phát triển nông nghiệp công nghệ cao như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta vẫn đang học tập kinh nghiệm của các nước phát triển. Về nông nghiệp từ lâu Việt Nam đã học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc… và một số nước châu Âu khác. Với  Israel là đất nước có điều kiện khắc nghiệt nhưng có nền nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam đã có nhiều hợp tác nghiên cứu. Nhưng khác với Israel, Việt Nam là một quốc gia dân số đông nên đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu hàng đầu. Trong bối cảnh nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam bị cấm vận nên việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề sống còn.

Trước đây, chúng ta lo cho người dân ăn no, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải làm sao nâng cao chất lượng của nông sản thực  phẩm lên để người dân ăn ngon. Kinh nghiệm của Israel quý ở chỗ, với diện tích canh tác ít, Israel vẫn có thể đảm bảo được năng suất chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp của họ. Họ đi vào kinh tế thị trường trước Việt Nam và nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia lớn, vì thế nền nông nghiệp Israel có điều kiện phát triển hơn.

Chúng tôi hi vọng, sau khi hai nước Việt Nam – Israel ký Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước và sắp tới là cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác KH&CN Việt Nam – Israel, sẽ có rất nhiều công nghệ của Israel được chuyển giao vào Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm của Israel về giống, canh tác, đặc biệt là công nghệ tưới nhỏ giọt và công nghệ chế biến sau thu hoạch…

PV: Trước thông tin về nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm sang chim yến thời gian vừa qua, ngành sản xuất và xuất khẩu yến sào đã lao đao. Trong thời điểm cấp bách này không hề có sự hỗ trợ nào từ phía các viện nghiên cứu, Sở khoa học và công nghệ hay Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?  

- Đây là vấn đề phản ánh thực trạng khoa học và công nghệ Việt Nam hiện nay. Tức là chúng ta nghiên cứu ứng dụng công nghệ không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế cũng như không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian. Cho đến nay biến thể của dịch cúm gia cầm phát triển rất nhanh, chúng ta chưa kịp nghiên cứu vacxin để chống lại chủng virus này thì lập tức nó đã biến thể sang hình thức mới. Việc nghiên cứu ra vacxin hoặc  những giải pháp phòng trừ dịch bệnh không thể ngày một ngày hai.

Nhưng ở đây vẫn có phần yếu kém của cơ chế của chúng ta đó là tính đáp ứng kịp thời. Nếu ta không áp dụng cơ chế quỹ trong hoạt động khoa học và công nghệ thì khi xảy ra tình huống dịch cúm như đối với chim yến, chắc chắn để có được đề tài nghiên cứu cho ra được sản phẩm sẽ mất rất nhiều thời gian với quy trình, thủ tục phức tạp. Có khi chúng ta làm ra được một giải pháp phòng dịch hoặc một vacxin thì giải pháp ấy đã lùi vào quá khứ. Chính vì thế chúng tôi mong muốn cơ chế quỹ sẽ áp dụng sớm và cho phép các nhà khoa học chủ động. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước về việc phân cấp cho người đứng đầu các cơ quan quản lý. Lãnh đạo thành phố đã ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tự quyết định được đề tài, dự án có kinh phí dưới 600 triệu đồng. Đây là mức phân cấp rất quan trọng, vì giám đốc Sở có thể quyết định giao đề tài cho một viện nghiên cứu về vacxin hoặc viện pastuer của thành phố để có thể thực hiện nhanh chóng. Việc nghiên cứu không thể trong một vài tháng nhưng đến dịch cúm lần sau đối với chim yến sẽ có giải pháp công nghệ mới.

PV:
Trong trường hợp dịch cúm ở chim yến, nếu có cơ chế quỹ, việc xử lý của các cơ quan khoa học công nghệ sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

-Nếu có cơ chế quỹ thì không chỉ có dịch cúm mà tất cả các vấn đề khác về khoa học và công nghệ như trên giống cây trồng, vật nuôi, những vấn đề tự nhiên như lũ quét hay lở núi… chắc chắn sẽ có kinh phí kịp thời giúp các nhà khoa học đưa ra giải pháp trong thời gian ngắn nhất. Còn như hiện nay thì chờ kinh phí mất nhiều thời gian hơn là nghiên cứu.

Phương Nga (lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner