Có 8 công trình thuộc 5 lĩnh vực được trao Giải thưởng Cố đô về KH&CN lần thứ 3 năm 2017 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng 18/5.
Tham gia lễ trao giải có ông Nguyễn Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh và gần 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, các trường đại học, Viện nghiên cứu.
Giải thưởng Cố đô về KH&CN là giải thưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế về KH&CN, xét trao tặng cho tác giả của công trình, cụm công trình xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN, có tính khả thi; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của tỉnh.
Ông Trần Ngọc Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nhật Tuấn
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Nam cho biết: “Năm nay, giải thưởng có số lượng công trình/cụm công trình đăng ký nhiều hơn so với hai lần trước, cụ thể là có 31 công trình/cụm công trình so với 17 công trình/cụm công trình ở lần 1 và 25 công trình/cụm công trình ở lần 2”.
Sau khi rà soát, Ban tổ chức đã xác định có 26/31 công trình đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và hồ sơ theo quy định của Giải thưởng. Sau đó, Sở KH&CN đã trình 5 Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh xem xét, đánh giá các công trình để đề nghị xét tặng Giải thưởng theo quy định.
Trao giải cho các công trình/cụm công trình đạt giải. Ảnh: Nhật Tuấn.
Trao giải cho PGS.TS. Phạm Như Hiệp và các đồng tác giả. Ảnh: Nhật Tuấn.
Theo đó, có 8 công trình, cụm công trình được UBND tỉnh tặng Giải thưởng Cố đô về Kh&CN lần thứ 3. Cụ thể, 3 công trình thuộc lĩnh vực Y dược gồm: Cụm công trình Ghép tế bào gốc và Bệnh lý Huyết học (Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế); Cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh lý dạ dày tá tràng (Bệnh viện Trung ương Huế); Cụm công trình Nghiên cứu sức khỏe sinh sản của phụ nữ (Trường Đại học Y dược, Đại học Huế).
Một công trình khoa học kỹ thuật, đó là công trình Những giải pháp cơ bản đảm bảo cấp nước an toàn, tiến đến cấp nước an toàn và ngon trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế); Một công trình khoa học xã hội đó là Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802-1885 (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trao giải cho PGS.TS. Đỗ Bang và các đồng tác giả. Ảnh: Nhật Tuấn.
TS. Trần Đình Lân và đồng tác giả tại buổi trao giải. Ảnh: Nhật Tuấn.
Hai công trình khoa học tự nhiên, đó là Cụm công trình Nghiên cứu sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ biển Thừa Thiên Huế (Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Cụm công trình: Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng một số Enzyme vi sinh vật tái tổ hợp (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế);
Và một công trình khoa học nông-lâm-ngư nghiệp đó là Cụm công trình Tuyển chọn giống lúa kháng rầy và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp tại Thừa Thiên Huế (Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế).
24 cá nhân được trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học công nghệ. Ảnh: Nhật Tuấn.
Giải thưởng được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức xét và quyết định tặng thưởng, Sở KH&CN là cơ quan thường trực tổ chức xét tặng Giải thưởng.
Cũng tại buổi lễ, 24 cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh nhà đã được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp KH&CN.