Ngày 15/6, Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường Quốc hội đã có chuyến thăm làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và có cuộc giao lưu với lãnh đạo và đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong đó nội dung trao đổi chủ yếu liên quan tới Luật KH&CN sửa đổi dự kiến sắp được thông qua.
Cuộc giao lưu là dịp để Bộ KH&CN chia sẻ với các đại biểu Quốc hội những tinh thần cơ bản của dự thảo Luật KH&CN sửa đổi, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực về quản lý, nghiên cứu & triển khai trong hoạt động KH&CN. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu ra 5 vấn đề lớn sẽ triển khai sau khi Luật KH&CN sửa đổi được thông qua, cụ thể :
Tăng cường nhận thức của xã hội và các cấp quản lý đối với vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trong đó Luật KH&CN sửa đổi cùng hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn cho Luật sẽ có những điều khoản quy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ngành, địa phương đối với phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là qua cơ chế đặt hàng dự án nghiên cứu và phát triển.
Thúc đẩy mở rộng phương thức đầu tư nhằm huy động được nguồn đầu tư của toàn xã hội cho phát triển khoa học và công nghệ.
Đổi mới cơ chế tài chính, trong đó toàn bộ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng, qua đó bắt buộc mọi dự án nghiên cứu đều phải đem lại hiệu quả thay vì bỏ không trong ngăn kéo. Cơ chế quỹ sẽ được mở rộng, theo đó kinh phí nghiên cứu và phát triển được cấp ngay khi phê duyệt đề tài, theo tiến độ thực hiện đề tài được đặt hàng, và tiền được gửi vào tài khoản tiền gửi thay vì tài khoản dự toán của Kho bạc – qua đó giảm thiểu được gánh nặng thủ tục tài chính cho các nhà nghiên cứu và tổ chức KH&CN.
Thực hiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, và khuyến khích các nhà khoa học trẻ tài năng. Bên cạnh đó là có hình thức tôn vinh xứng đáng cho các nhà khoa học có nhiều thành tựu.
Việc tổ chức thực hiện Luật KH&CN sửa đổi được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc, khẩn trương phối hợp thực hiện để có thể sớm đi vào cuộc sống.
Các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và chia sẻ các quan điểm được trình bày của Bộ KH&CN. Đồng thời, một số đại biểu đã có những kiến nghị đối với Bộ KH&CN, như đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh của Tỉnh Đắc Nông đề nghị Bộ KH&CN xem xét nghiên cứu thêm trong vấn đề xử lý tác động môi trường các dự án boxit, alumin, trong bối cảnh dự án nhà máy luyện oxit nhôm chuẩn bị được khởi công trong tháng 9 sắp tới.
Các đại biểu cũng đã đi thăm quan một số dự án đã đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như Đại học FPT, dự án của Công ty Liên doanh Y học Việt Hàn (Vikomed), dự án của Tập đoàn Viettel, đồng thời nghe những chia sẻ từ lãnh đạo Ban Quản lý của khu. Ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết hiện nay Khu CNC Hòa Lạc đã được thu xếp nguồn vốn ưu đãi từ Nhật Bản dành cho việc tiếp tục xây dựng hạ tầng, có kế hoạch triển khai xây dựng chi tiết và có kế hoạch giám sát thi công của Nhật Bản, đồng thời đã có nhà thầu sẵn sàng tham gia, mà nếu được triển khai ngay thì dự kiến năm 2017 hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc sẽ đủ sức cạnh tranh ở tầm khu vực. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là vấn đề mặt bằng chưa sẵn sàng, do Nhà nước chưa thu xếp được nguồn kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng với giá trị 6000 tỷ đồng theo đơn giá thị trường hiện nay. Trong giai đoạn tới, nếu giá bất động sản trên thị trường khôi phục trở lại thì giá trị đền bù sẽ càng lớn, và công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho khu CNC sẽ càng khó khăn, ông Dương chia sẻ.
Kiến nghị với các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Quân đưa ra năm đề nghị cụ thể. Trong đó có ba đề nghị liên quan tới việc phối hợp đồng bộ trong thực hiện Luật KH&CN sửa đổi. Một là đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, trong đó không quy định trần miễn thuế cho trích đầu tư cho khoa học và công nghệ ở doanh nghiệp. Hai là điều chỉnh Luật Thi đua khen thưởng để trao danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước cho các nhà khoa học có nhiều thành tựu. Ba là tăng cường kiến nghị để Chính phủ khẩn trương đốc thúc các Bộ xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn Luật KH&CN sửa đổi, vì nhiều khi việc triển khai Luật vào thực tế bị đình đốn hoàn toàn chỉ vì một Bộ chưa xây dựng được Thông tư hướng dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận xét.
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển Khu CNC Hòa Lạc, Bộ trưởng Nguyễn Quân đưa ra hai kiến nghị. Một là kiến nghị xem xét điều chỉnh hệ thống văn bản pháp lý trong quản lý đất đai nhằm cho phép có cơ chế giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho Khu CNC Hòa Lạc. Hai là đề nghị Quốc hội phối hợp với Chính phủ nhằm xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất cho các khu công nghệ cao quốc gia. Bộ trưởng cho rằng với cơ chế hiện nay Khu CNC Hòa Lạc không đủ sức thu hút nhà đầu tư, thậm chí còn kém sức hút hơn một số khu công nghiệp tại các địa phương, vì nhà đầu tư tại các khu công nghiệp này ngoài được hưởng quy chế ưu đãi không kém gì so với Khu CNC, còn được hưởng cả ưu đãi từ chính quyền địa phương quản lý nơi họ đầu tư.