Ngày 22/09, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và Công nghệ” (Dự án FIRST) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký thỏa thuận tài trợ cho các đơn vị thụ hưởng thuộc hợp phần 1A – Chuyên gia giỏi nước ngoài.
Những đề xuất của các đơn vị được tài trợ đợt này gồm: "Nghiên cứu ứng dụng tín hiệu sóng não trong an toàn thông tin, ứng dụng cho các hệ thống mạng công nghệ thông tin tại Việt Nam" - Trung tâm Công nghệ Thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ; "Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transitor có linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao" - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Phát triển công nghệ thu nhận Astaxanthin từ mô hình nuôi tảo Haematococus pluvialis trong hệ thống photobioreactor" - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; "Ứng dụng công nghệ sản xuất protein của Nhật Bản trong phòng chống bệnh cầu trùng trên gà tại Việt Nam" - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; "Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng" – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Dự án FIRST là Dự án đầu tiên về KH&CN do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của Dự án là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST và đại diện lãnh đạo Trường ĐHBKHN ký kết thỏa thuận
Một trong những hợp phần quan trọng của Dự án FIRST là khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Khoản tài trợ này sẽ được cấp cho các tổ chức công nghệ công lập hoặc tư nhân nhằm khuyến khích các nhà khoa học giỏi nước ngoài bao gồm người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam và hợp tác với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân ở Việt Nam.
Các nhà khoa học nước ngoài sẽ tiến hành đào tạo, thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu, hướng dẫn các nhà nghiên cứu, doanh nhân, và họ cũng được khuyến khích đầu tư tại Việt Nam. Kết quả đầu ra từ hoạt động này sẽ là các dự án nghiên cứu và phát triển hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước với các chuyên gia giỏi nước ngoài trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài, các đề xuất dự án tiếp tục hợp tác nghiên cứu phát triển hoặc hoàn thiện sản phẩm công nghệ, thành lập các doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam. Mạng lưới nghiên cứu xuất sắc được tăng cường và các chính sách sử dụng các nguồn lực ngân sách nhà nước để tiếp tục thu hút các chuyên gia giỏi và người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ là kết quả đầu ra của Tiểu hợp phần này.
Tin, ảnh: Quỳnh Chi – Văn Nguyên