Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 30/3/2011.
Theo Báo cáo của Tổ công tác, tình hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 vẫn diễn biến phức tạp, khói trắng tiếp tục thoát ra từ tòa nhà lò các tổ máy số 1, 2, 3 và 4. Việc phun nước ngọt làm mát các tổ máy số 1, 2, 3 và phun nước làm mát các bể chứa nhiên liệu đã cháy của tổ máy số 1, 2, 3 và 4 tiếp tục được thực hiện. Tại lò phản ứng tổ máy số 1, nhiệt độ bề mặt lò phản ứng đã tăng từ 212,8oC lúc 6:00 ngày 28/3 giờ Nhật Bản (4:00 giờ Việt Nam) lên 329,3oC lúc 2:00 ngày 29/3 giờ Nhật Bản (0:00 ngày 29/3). TEPCO đã tăng cường phun nước vào lò phản ứng và đến 6:00 ngày 29/3 giờ Nhật Bản (4:00 giờ Việt Nam) nhiệt độ đã giảm nhẹ xuống mức 323,3oC.
Về phóng xạ trong thực phẩm, sữa và nước uống tại Nhật Bản, Báo cáo cho biết: Phân tích 63 mẫu thực phẩm bao gồm các loại rau, hoa quả, nấm, trứng, hải sản và sữa tiệt trùng được lấy từ ngày 24-29/3 tại 8 tỉnh (Chiba, Fukushima, Gunma, Ibaraki, Myagi, Niigata, Tochigi và Yamagata) cho kết quả hoặc là không có hoặc là hàm lượng phóng xạ (I-131, Cs-137 và Cs-134) dưới mức cho phép. Một số mẫu sữa tươi được lấy từ ngày 16-24/3 tại Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Tokyo, Niigata, Kanagawa, Gunma, Saitama, Nagano và Chiba cho thấy hàm lượng phóng xạ trong hầu hết các mẫu vẫn thấp hơn mức cho phép (Cs-137 và Cs-134 chỉ trong khoảng vài Bq/kg trong khi quy định tại Nhật là 200 Bq/kg; I-131 trong khoảng trên dưới 10 Bq/kg trong khi quy định là 300 Bq/kg hoặc 100 Bq/kg đối với sữa dùng cho trẻ em). Các mẫu lấy tại Fukushima ngày 19/3 cho kết quả hàm lượng Cs-137 và Cs-134 là 210 Bq/kg, mẫu lấy ngày 16-22/3 cho kết quả hàm lượng I-131 dao động từ 930 đến 5300 Bq/kg.
Số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy: I-131 đã được phát hiện tại một số trạm ở Trung Đông như Kuwait và Bắc Phi. Trạm tại Mông Cổ cũng phát hiện đựơc I-131 trong ngày 27-28/3. Tại Đông Nam Á, vẫn chỉ có trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ.
Theo hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho các ngày 31/3 và 1/4 tại Khu vực Đông Nam Á, phần đám mây chính mặc dù vẫn chưa vào thềm lục địa Việt Nam nhưng có xu hướng bị chia nhỏ và phát tán rộng ra khu vực Đông Nam Á và bay tản mạn trong khu vực giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Champhuchia và Việt Nam.
Những ngày sắp tới những đám mây nhỏ có thể đi qua khu vực Lào, Việt Nam và Campuchia nhưng rất khó phát hiện sự ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam, vì nồng độ hạt nhân phóng xạ rất nhỏ, không thể làm thay đổi nền phông phóng xạ. Do vậy không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Toàn văn báo cáo của tổ công tác xem tại đây
Quốc Hưng