Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 07:46 am
Cập nhật : 28/12/2019 , 15:12(GMT +7)
10 sự kiện KH&CN nổi bật năm 2019 do Câu Lạc bộ Nhà báo KH&CN bình chọn
Toàn cảnh Lễ công bố
Chiều 26/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế. Đây là năm thứ 14 sự kiện bình chọn nói trên được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

1/ Ban hành Nghị quyết số 52 về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày 27/09/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Nghị quyết số 52). Nghị quyết số 52 nhận định: cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là phải chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

2/  Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc- 40 năm nhìn lại”

Ngày 15/02/2019, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm.

Hội thảo là dịp để chúng ta tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, nhất là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Hội thảo rút ra những bài học lịch sử cho cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, luôn phải tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc ngày nay; luôn cảnh giác với mọi mưu toan nhằm phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, cản trở sự phát triển của Tổ quốc Việt Nam.

3/ Thiết kế, chế tạo, phóng thành công vệ tinh MicroDragon

Ngày 18/01/2019, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được phóng lên quỹ đạo tại Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, viễn thông của Việt Nam, phục vụ thương mại.

Vệ tinh MicroDragon do các chuyên gia Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chức năng, thiết kế hệ thống; lựa chọn thiết bị, lắp đặt, lập trình… Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh màu nước biển của vùng biển ven bờ của Việt Nam để đánh giá chất lượng, thành phần nước biển, phục vụ ngành đánh bắt thủy sản.

Sự kiện phóng thành công vệ tinh MicroDragon đã cho thấy được đội ngũ chuyên gia của nước ta đã từng bước làm chủ công nghệ ở tất cả các khâu, từ phân tích yêu cầu của vệ tinh, thu thập các yêu cầu của ngành liên quan, đến thiết kế nhiệm vụ vệ tinh, yêu cầu linh kiện và lắp ráp, tích hợp để hoàn thành chức năng vệ tinh, chế tạo hệ thống mặt đất…. Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy ra.

4/ Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia

Ngày 12/03/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản Quốc gia. Việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”. Trục liên thông văn bản Quốc gia - bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Trục Liên thông văn bản Quốc gia do Tập đoàn VNPT đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến và Văn phòng Chính phủ thuê lại.

Chiều ngày 09/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến chính thức được khai trương. Cổng dịch vụ công quốc gia gồm sáu phần chính: cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ. Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp). Cổng dịch vụ công quốc gia được Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ năm 2019, do Tập đoàn VNPT xây dựng.

5/ ST25 - “gạo ngon nhất thế giới”

Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippiens (từ ngày 10-13/11/2019) đã công nhận giống gạo ST25 là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển. Để tạo ra giống lúa thơm như ST25 các nhà khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phải thực hiện lai ghép giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gien, sau đó sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Các giống lúa ST, mà mới nhất là ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ hai đến ba vụ trong một năm.

Hiện hồ sơ xin công nhận ST25 là giống lúa mới đã được gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các nhà khoa học và công nghệ - tác giả tạo ra ST25 mong rằng sau khi được bộ công nhận là giống mới, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng vùng trồng chuyên canh các địa phương và người nông dân cần canh tác đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo quý này nhằm sản xuất được gạo ngon với giá cao. 

6/ Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 10/05/2019, Viettel đã thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam bằng thiết bị của Ericsson. Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam. Viettel đặt mục tiêu tiên phong phát triển và triển khai các công nghệ mới nhất, trong đó có công nghệ 5G đồng bộ với các nhà mạng hàng đầu thế giới để phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các kỹ sư nghiên cứu phát triển 5G của Viettel cũng đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel. Mạng di động băng rộng thế hệ thứ 5 (5G) là xương sống của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự kiện nói trên đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, và là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel.

7/ Trung tâm Giám định AND hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động

 Sự kiện đưa Trung tâm giám định ADN tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đi vào hoạt động ngày 25/07/2019, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần thực hiện hiệu quả công tác giám định hài cốt liệt sĩ, tri ân gia đình liệt sĩ có công với cách mạng. Hiện tại Trung tâm đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lớn tại Hoa Kỳ như dự án USAID hỗ trợ cung cấp và nâng cao năng lực kỹ thuật để sử dụng thông tin ADN nhằm phân tích và xác định danh tích hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài như Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và Tập đoàn QIAGEN (Đức) cùng song hành góp phần hiện đại hóa công nghệ giám định với những mẫu khó tại Việt Nam. Từ tháng 08/2019 đến nay, Trung tâm đã giám định được trên 200 mẫu/tháng, tỷ lệ giám định mẫu thành công tăng và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định và GS.TS Phan Ngọc Minh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao chứng nhận cho đại diện 10 sự kiện KH&CN nổi bật 2019

 8/ Vắc - xin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức được lưu hành từ tháng 01/2019

Chiều 15/01/2019, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) tổ chức họp báo công bố vắc-xin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) do Viện sản xuất chính thức được lưu hành từ tháng 01/2019Đây là vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng vi-rút cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.

Từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng ở Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đại dịch. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước, trong đó có IVAC tập trung nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc-xin cúm phòng bệnh cho người. Tháng 05/2018, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp Quốc gia đánh giá vắc-xin IVACFLU-S đạt yêu cầu an toàn và tính sinh miễn dịch, đáp ứng kháng thể bảo vệ đạt 60,3 – 86,6% (tương đương với các vắc-xin sản xuất ở các nước Châu Âu). Vắc-xin được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm dùng cho người (ở độ tuổi từ 18 đến 60). Được biết, quy mô và công suất sản xuất vắc-xin IVACFLU-S của IVAC khoảng 1,5 triệu liều/năm.

9/ Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp nhận  Giải thưởng Ramanujan.

Trung tâm quốc tế Vật lý lý  thuyết (ICTP) trao Giải thưởng Ramanujan năm 2019 cho GS.TS Phạm Hoàng Hiệp – Viện toán học – VAST, vào tháng 10/2019. Giải thưởng lấy tên nhà toán học thiên tài Srinivasan Ramanujan (1887-1920), một nhà toán học Ấn Độ tự học nhưng đã có những phát hiện rất quan trọng khi còn rất trẻ. Giải Ramanujan được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ và Quỹ Abel của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Na Uy với sự cộng tác của Liên đoàn Toán học quốc tế (IMU). Giải thưởng ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS.TS Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức, đặc biệt trong lý thuyết đa thế vị mà ở đó tác giả đã có một kết quả nghiên cứu quan trọng về kỳ dị của hàm đa điều hòa dưới, phương trình Monge-Ampère phức và ngưỡng chính tắc với những ứng dụng quan trọng trong hình học đại số và hình học Kähler phức. Giải thưởng cũng ghi nhận những đóng góp của GS.TS Phạm Hoàng Hiệp trong sự phát triển toán học ở Việt Nam. GS.TS Phạm Hoàng Hiệp tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển, năm 2008, bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp năm 2013. TS Phạm Hoàng Hiệp được phong chức danh PGS năm 2011 và GS năm 2017, thời gian đầu công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó chuyển về Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.  GS.TS Phạm Hoàng Hiệp đã công bố gần 40 bài báo trên các tạp chí toán học quốc tế, một quyển sách chuyên khảo và 2 quyển sách giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học.

10/ Lần đầu tiên Techfest Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2019 diễn ra  từ ngày 4 đến ngày 6/12/2019 tại tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Nguồn lực hội tụ”. Techfest Vietnam 2019 đã quy tụ những ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất trong nước qua nhiều cuộc thi, đồng thời tập hợp được những luồng đầu tư, quan tâm của thế giới thông qua hành trình đưa doanh nghiệp ra nước ngoài học hỏi. Techfest Vietnam 2019 thu hút khoảng 6.000 lượt người tham dự với hơn 350 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Khoảng 250 doanh nghiệp startup tiềm năng được kết nối và đẩy mạnh sự hợp tác. Techfest Vietnam 2019 tập trung tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách những vấn đề nhằm thu hút các nguồn lực trong nước, nước ngoài để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp diễn ra hiệu quả; thảo luận về các xu hướng công nghệ trên thế giới; chia sẻ của các điển hình khởi nghiệp thành công; chia sẻ kinh nghiệm của các nhà đầu tư, diễn giả, chuyên gia hàng đầu về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp. Trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2019 diễn ra nhiều hoạt động quan trong khác như Cuộc đua trí tuệ nhân tạo; Diễn đàn sáng tạo mở; Thuyết trình tạo cảm hứng và Chung kết Cuộc thi tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Song song với các hoạt động trong nước như các kỳ Techfest trước, năm nay lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ (từ ngày 07 - 14/09); Hàn Quốc (từ ngày 03 - 09/11) và Singapore (từ ngày 10 - 14/11), để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới. Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, các hoạt động tọa đàm, hội thảo chuyên đề đã được tổ chức với những nội dung thiết thực cùng sự tham gia chia sẻ, thảo luận của các nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, đội ngũ Việt kiều, các chuyên gia và tổ chức quốc tế với mục đích tăng cường kết nối giữa các thành phần của hệ sinh thái trong nước, kết nối chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bài, ảnh: Liên Cơ

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner