- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm đột phá về chính sách, giải pháp trong hoạt động KH - CN giai đoạn 2011- 2015?
- Giai đoạn tới, Bộ KH - CN tập trung vào một số điểm đột phá sau:
Một, triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KH - CN 10 năm 2011 - 2020, các kế hoạch khoa học và công nghệ trung hạn 5 năm 2011 - 2015 và các chương trình quốc gia có tác động và tầm ảnh hưởng lớn như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình thúc đẩy năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Hai, tập trung phát triển mạnh khoa học kỹ thuật và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba, tăng cường nhập khẩu công nghệ kết hợp với nâng cao năng lực nghiên cứu, giải mã, làm chủ, bản địa hóa công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong công nghiệp, đặc biệt là các ngành then chốt như điện tử, cơ khí - chế tạo máy, hóa chất, năng lượng, luyện kim - vật liệu, công nghiệp hạ tầng.
Bốn, phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả nhằm đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10 - 15 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 30%. Xây dựng và đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao Đà Nẵng; khai thác có hiệu quả hai khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP. Hồ Chí Minh, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu phần mềm và khu công nghệ thông tin tập trung đã được xây dựng.
Năm, tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng về pháp lý, nhân lực, an toàn, kỹ thuật cho phát triển điện hạt nhân.
Sáu, đẩy mạnh tốc độ phát triển thị trường công nghệ, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KH - CN, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.
Bảy, hình thành các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH - CN; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp KH - CN đi tiên phong trong làm chủ, sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới; khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư cho đổi mới, ứng dụng các công nghệ.
Tám, phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đủ sức giải quyết các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế. Xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng cán bộ KH - CN tài năng, đặc biệt coi trọng nguồn nhân lực trí thức Việt kiều ở nước ngoài.
Chín, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý KH - CN theo hướng lấy sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước làm mục tiêu chủ yếu của hoạt động KH - CN. Phát huy mạnh mẽ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy việc hình thành lực lượng doanh nghiệp KH - CN. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đổi mới cơ bản cơ chế tài chính cho hoạt động KH - CN. Hình thành và đưa vào hoạt động Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia.
Mười, chủ động mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế trong KH - CN. Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trong triển khai các chương trình nghiên cứu quốc tế, chương trình hợp tác song phương hướng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của Việt Nam.
- Vì sao Bộ chủ trương sẽ dành tỷ lệ đáng kể ngân sách sự nghiệp khoa học để đầu tư cho việc nhập, làm chủ công nghệ, mua sáng chế và thuê chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
- Việt Nam là nước đang phát triển, mặc dù đến thời điểm này đã vượt qua ngưỡng của một quốc gia thu nhập thấp, nhưng về cơ bản vẫn là một nước có trình độ phát triển thấp, công nghệ lạc hậu. Chúng ta chỉ có thể công nghiệp hóa đất nước bằng cách đứng trên vai người khổng lồ, đó là tiếp thu, làm chủ và ứng dụng những thành tựu KH - CN của các nước đã đi trước chúng ta, thu hẹp khoảng cách về công nghệ và kinh tế đối với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhập khẩu thiết bị toàn bộ hoặc lệ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì rất khó có được một nền công nghiệp thực sự và phát triển bền vững. Vì thế, bên cạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nước, cần chọn lọc nhập khẩu loại công nghệ nào, thiết bị gì để có thể tiếp cận với trình độ công nghệ và có thể giải mã, làm chủ công nghệ trong phạm vi năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng ta. Cũng cần thấy rằng hiện nay trên thế giới có hàng triệu sáng chế được đăng ký hàng năm, nhiều sáng chế đã hết hạn bảo hộ nhưng vẫn có giá trị đối với chúng ta, việc mua sáng chế sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được kinh phí nghiên cứu, rút ngắn thời gian ứng dụng và sản xuất các sản phẩm hàng hóa.
Đó là chưa kể chúng ta đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, các tổng công trình sư đủ năng lực chỉ huy thiết kế và xây dựng các công trình lớn hoặc chế tạo các thiết bị đồng bộ hiện đại như cầu cảng, sân bay, tàu biển… Vì thế, trước mắt ta nên thuê chuyên gia nước ngoài giúp thực hiện một số nhiệm vụ KH - CN trình độ cao mà Việt Nam có nhu cầu, giúp xây dựng các công trình lớn cần thiết cho CNH - HĐH, qua đó đội ngũ cán bộ của Việt Nam có thể học hỏi, làm chủ công nghệ, tiến tới tự mình thực hiện các công việc đó trong tương lai gần, xây dựng được các tập thể khoa học mạnh, có nhiều tổng công trình sư của Việt Nam.
- Theo Thứ trưởng, để thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm tới, cơ chế tài chính cho KH - CN và đầu tư cho KH - CN cần được đổi mới như thế nào?
- Bộ KH - CN sẽ kiến nghị Nhà nước tiếp tục duy trì mức chi 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho KH - CN, đồng thời tăng cường huy động đầu tư của xã hội, dặc biệt là doanh nghiệp cho phát triển KH - CN. Cần có chế tài và các chính sách cụ thể để doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận trước thuế cho Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp hoặc đóng góp cho Quỹ phát triển KH - CN của địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu đến 2015, tổng đầu tư của xã hội cho KH - CN vượt quá mức 1,5% GDP, một chỉ tiêu Chiến lược phát triển KH - CN đến năm 2010 đã đặt ra mà do nhiều nguyên nhân chúng ta chưa đạt được. Chỉ có như vậy chúng ta mới có đủ nguồn lực tài chính cho phát triển KH - CN trong giai đoạn tăng tốc của sự nghiệp CNH - HĐH. Ngoài ra, cần cân đối lại tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các bộ ngành ở Trung ương và các địa phương, tỷ trọng đầu tư giữa các lĩnh vực, các ngành cho phù hợp với năng lực và nhu cầu, tập trung đầu tư cho các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, các Viện nghiên cứu trọng điểm, Phòng thí nghiệm trọng điểm, các Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
- Làm thế nào để hỗ trợ các tổ chức KH - CN chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ thuận lợi hơn trong giai đoạn tới, thưa Thứ trưởng?
- Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động KH - CN. Mở rộng hơn nữa cơ chế khoán chi trong thực hiện các đề tài nghiên cứu, nâng cao định mức cho các nội dung dự toán kinh phí đề tài dự án, đơn giản hóa tối đa thủ tục nghiệm thu và thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án, miễn thu hồi kinh phí đối với các dự án sản xuất thử nghiệm, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho lô số 0 khi sản xuất sản phẩm là kết quả nghiên cứu... Đặc biệt, thực hiện quy định của Nghị định 96/2010/NĐ-CP, Bộ KH - CN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương thức bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên trong các nhiệm vụ của tổ chức KH - CN, bao gồm nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và nhiệm vụ KH - CN. Làm được điều này sẽ hỗ trợ các tổ chức KH - CN chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ thuận lợi hơn, nâng cao tính chủ động của các đơn vị sự nghiệp khoa học và mức thu nhập cho cán bộ khoa học, khắc phục tình trạng trì trệ của việc giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo đầu biên chế như hiện nay.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Mục tiêu hoạt động KH - CN giai đoạn 2011 – 2015
* Khoa học tự nhiên:
- Phấn đấu đạt tỷ lệ 15- 20% số công trình nghiên cứu cơ bản được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc được báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng 50% so với giai đoạn 2006 - 2010.
* Khoa học xã hội:
- Cung cấp đầy đủ và kịp thời các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước. Giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn khác do cuộc sống đặt ra.
* Khoa học công nghệ:
- Nâng tỷ lệ nhiệm vụ KH - CN phục vụ các dự án kinh tế lên 50% tổng số các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm. Bố trí 50% nhiệm vụ của các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
- Làm chủ được các công nghệ nền quan trọng, có khả năng tạo ra năng lực sáng tạo công nghệ cao trong nước thuộc 4 hướng công nghệ ưu tiên: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ cơ khí - tự động hóa.
* Ứng dụng công nghệ:
- Bước đầu hình thành được một số ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Nâng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 đạt khoảng 30% trong tổng GDP. 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có dự án nâng cao năng suất và chất lượng.
- Phát triển thị trường công nghệ, bảo đảm giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt mức tăng trưởng bình quân 20 - 25 %/năm.
* Xây dựng tiềm lực:
- Xây dựng 10 - 12 viện nghiên cứu và 20 - 30 tập thể khoa học, đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế. Hình thành 100 - 120 nhóm nghiên cứu, tìm kiếm bí quyết công nghệ làm cơ sở để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 100% các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Xây dựng hệ thống thư viện điện tử dùng chung và kết nối giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại ở các trường đại học trọng điểm.
- Đa dạng hóa đầu tư cho KH - CN, phấn đấu đến năm 2015 đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH - CN đạt 1,5% GDP, trong đó tỷ trọng đầu tư cho KH - CN từ các nguồn khác ngoài ngân sách nhà nước được nâng lên gấp 2 lần so với hiện nay và chiếm tỷ trọng tối thiểu 60 - 65%.
|