|
|||
Vượt qua 11 thí sinh trong vòng Chung kết, thí sinh Phạm Tuấn Thạch đến từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã xuất sắc giành Giải Nhất với bài thuyết trình “Tế bào gốc máu và thú cưng”. Bằng cách trình bày tự nhiên và tính logic, Phạm Tuấn Thạch đã hoàn toàn thuyết phục Ban Giám khảo của cuộc thi và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam dự Chung kết FameLab toàn cầu tại Vương quốc Anh tháng 6 tới. FlameLab là một cuộc thi thuyết trình về khoa học, được bắt đầu từ năm 2015 tại Liên hiệp Vương quốc Anh trong liên hoan khoa học Cheltenham Science Festival. Kể từ đó FameLab nhanh chóng trở thành mô hình phát hiện, đào tạo và tư vấn cho các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và đam mê sáng tạo với cộng đồng, biến các vấn đề khoa học vốn rất hàn lâm trở nên gần gũi, dễ hiểu, thú vị như khoa học thường thức với mọi người dân, những khán giả không chuyên. Người tham dự cuộc thi trình bày về một chủ đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật để kết nối và cuốn hút người nghe trong tối đa 3 phút.
12 thí sinh xuất sắc lọt vào vong Chung kết FameLab2016 TS. Emily Grossman, chuyên gia về sinh học phân tử và di truyền học đến từ Vương quốc Anh cho biết, FameLab đã trở thành mô hình thành công tiêu biểu để đào tạo và hướng dẫn các cá nhân, nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên về cách thức kết nối để công chúng hiểu hơn về những đề tài khoa học rất giá trị, bổ ích nhưng không phải lúc nào cũng dễ hiểu.
FameLab2016 được phát động từ tháng 1 và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người đam mê khoa học từ các bạn sinh viên, học viên cao học đến các giảng viên trẻ hay các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí khoa học, trong độ tuổi 18-35 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các bài dự thi của thí sinh được Ban tổ chức phân loại và gửi đến các chuyên gia góp ý, hoàn thiện trên cơ sở các tiêu chí của cuộc thi là tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học, đưa khoa học trở nên gần gũi với cộng đồng. Cuộc thi nhằm tạo môi trường rèn luyện kỹ năng thuyết trình, truyền tải thông tin khoa học công nghệ gần gũi hơn đến với cộng đồng. Từ đó khuyến khích tinh thần sáng tạo, đam mê khám phá, yêu thích khoa học; cổ vũ, động viên các cán bộ, học sinh, sinh viên không ngừng phấn đấu học tập nâng cao chuyên môn, trình độ nghiên cứu, năng lực ngoại ngữ góp phần thúc đẩy giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu trong thời kỳ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tin, ảnh: Đinh Ngũ |