|
|||
Nhiều nhà quản lý, nhà báo cho rằng, đây thực sự là sân chơi hữu ích đối với các nhà báo, phóng viên viết về lĩnh vực KH&CN. Tuy nhiên, Giải thưởng cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa, phong phú hơn về chủ đề, nội dung và nâng cao về chất lượng. Giới báo chí luôn đồng hành cùng ngành KH&CN KH&CN là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng, quan tâm và coi đây như một động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KH&CN như: Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 46/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Luật KH&CN 2013, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020,… Điều này thể hiện KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, năm 2013 là một năm sôi động của ngành KH&CN với những thành tựu nghiên cứu nổi bật như chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ và vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên; giải mã thành công hệ gene của 36 giống lúa bản địa;... Đây cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN; xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi; thực hiện Nghị quyết 46/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW. Trong năm 2013, được sự quan tâm, ủng hộ của giới báo chí cả nước ở cả 4 loại hình báo in, báo nói, báo hình, điện tử, toàn xã hội đã thấm nhuần được sự đổi mới của KH&CN, biểu hiện là Luật KH&CN đã được thông qua với tỉ lệ phiếu rất cao, các chủ trương, chính sách do Bộ KH&CN xin ý kiến của các Bộ, ngành,... cũng nhận được sự đồng thuận cao. Năm 2013 là một năm sôi động của ngành KH&CN với những thành tựu nghiên cứu nổi bật. Theo thông tin từ Bộ trưởng, mới đây Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo Chỉ số Đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2013. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 76/142. Bộ trưởng cho rằng đây không phải là thứ hạng cao nhưng khả quan trong bối cảnh trình độ kinh tế Việt Nam còn thấp, chỉ số GDP trên đầu người của Việt Nam đang ở top cuối bảng xếp hạng của thế giới. Ông cũng lưu ý, trong 32 nước có trình độ kinh tế tương đương Việt Nam, tức thuộc nhóm có GDP trên đầu người ở mức trung bình thấp (dưới 3.000USD/người/năm), Việt Nam được WIPO xếp thứ 7 về chỉ số Đổi mới. Điều đó thể hiện ngành KH&CN Việt Nam đã vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn, thách thức của khủng hoảng tài chính toàn cầu và của chính chúng ta để có được một chỗ đứng chưa cao trong cộng đồng quốc tế nhưng cũng là vị trí có thể tự hào. Trong thành quả chung ấy, giới truyền thông có đóng góp rất quan trọng trong việc đem những thông tin, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với xã hội, huy động được sự quan tâm, đóng góp và đầu tư của xã hội cả về vật chất và tinh thần dành cho ngành KH&CN cũng như những người làm khoa học, Bộ trưởng nhấn mạnh. Tôn vinh thành tựu truyền thông KH&CN Với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông KH&CN, nâng cao nhận thức xã hội về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về KH&CN, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, Bộ KH&CN đã phát động và tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN. Giải thưởng được tổ chức định kỳ hằng năm để trao tặng những tác phẩm báo chí xuất sắc về KH&CN của công dân Việt Nam đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2013 cũng vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội. Theo thông tin từ Ban tổ chức, năm 2013, đã có 822 tác phẩm/nhóm tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc các báo, đài trung ương và địa phương thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình tham dự Giải thưởng, tăng 40% so với năm 2012. Chủ đề các tác phẩm phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: cơ chế chính sách KH&CN; tôn vinh các nhà khoa học; thành tựu và ứng dụng KH&CN vào cuộc sống và một số lĩnh vực KH&CN khác. Với thời gian 12 tháng làm việc thận trọng, nghiêm túc, khách quan của Ban tổ chức Giải thưởng, các Hội đồng và các cơ quan liên quan, kết quả xét chọn đã được Bộ KH&CN phê duyệt với 23 tác phẩm và nhóm tác phẩm gồm 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, nhìn chung các tác phẩm đã phản ánh khá tốt về mọi mặt hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, các địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; đi vào các nội dung cấp bách, phổ biến và thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội. Các tác giả nhận giải Nhất Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2013. Phần lớn các tác phẩm đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với xã hội, góp phần kết nối nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân KH&CN với doanh nghiệp và đời sống xã hội. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: nhóm bài “Chương trình vi mạch TP. Hồ Chí Minh: Đặt nền móng cho những giá trị mới” của Báo Sài Gòn giải phóng (giải Nhất); loạt chương trình “Nhà sáng chế 2013” của Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam (giải Nhất); “Tôi luôn thấy mắc nợ với nông dân” của báo Tuổi trẻ cuối tuần (giải Nhì); “PGS.TS. Võ Công Thành thoát hiểm cho cây lúa” của báo Thanh niên;… Chia sẻ về những kỳ vọng của mình, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, năm 2014 là năm tiếp tục có nhiều khó khăn không chỉ về kinh tế mà còn cả về KH&CN. Nhưng đây sẽ là năm hành động của Bộ KH&CN với việc Luật KH&CN sửa đổi chính thức có hiệu lực, thể hiện đầy đủ ba trụ cột đổi mới trong công tác quản lý của ngành, đó là đổi mới về phương thức đầu tư; cơ chế cấp tài chính cho các đề tài, dự án; chính sách trọng dụng nhân lực. Vì thế, Bộ KH&CN cũng như ngành KH&CN mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông, mong các nhà báo luôn đồng hành cùng người làm quản lý, người làm KH&CN cả nước để những thành tựu KH&CN đến được với nhân dân, những cơ chế chính sách đến được với các tầng lớp xã hội và dành được sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thời gian tới. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên |