Bản in
Vui - buồn số phận các sáng chế (Bài 2): Méo mó có hơn không
Không quá lời khi ví quá trình hình thành ý tưởng, thử nghiệm với bao phen thất bại, thành công của nhà sáng chế như một lần “vượt cạn”. Hàng chục, thậm chí hàng trăm lần thử nghiệm mà “đứa con” chưa hình thành, có khi họ còn đối mặt với thái độ hoài nghi của những người xung quanh. Vất vả là thế nhưng khi sáng chế thành công, không phải khó khăn đã hết…

Mang nợ vì giấc mơ sáng chế!

Chủ nhân của các sáng chế gây chú ý thời gian qua là ông Vũ Hồng Khánh ở TP. Hải Phòng. Ngoài máy chế biến tinh bột sắn, máy ép dầu điều, máy nấu sắn thành xăng sinh học, máy phát điện di động, ông còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và dư luận bởi công trình chế tạo máy biến nước thành khí hidro. Thiết nghĩ, chỉ cần hoàn thành tốt một trong số các công trình ấy, ông Khánh có thể yên tâm tìm nhà đầu tư để hợp tác sản xuất quy mô hàng hóa. Thế nhưng, như chính ông thừa nhận, thứ ông say mê nhất và làm tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc nhất chính là máy biến nước thành khí hidro.

Ông Khánh theo đuổi công trình này từ năm 2005 đến nay. Vốn là chủ một doanh nghiệp, hiện ông không còn sản xuất, kinh doanh mặt hàng gì mà dành toàn bộ thời gian, công sức, tiền bạc cho sáng chế mà theo đánh giá của ông là có bước đột phá này. Hàng trăm lần thất bại, không biết bao lần vay mượn tiền của bạn bè anh em, thậm chí bán cả tài sản của gia đình để theo đuổi niềm đam mê, nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có vài nhà đầu tư đến hỏi han chứ chưa ai quyết tâm cùng ông đi trên chặng đường gian khó. Ông Khánh tiết lộ, hiện ông đang nợ khoảng 4 tỷ đồng và thời gian tới, nếu không tìm được nhà đầu tư, ông sẽ phải bán bớt đất đai của gia đình để trả nợ.

Trường hợp TS. Nguyễn Thế Hùng, "cha đẻ" của loại gỗ trấu, cũng đã nhiều lần "cháy túi", thậm chí phải vay tiền của người thân để duy trì công tác nghiên cứu. "Nếu tôi và cộng sự không tham gia các công trình, dự án ngắn hạn để lấy tiền nuôi giấc mơ dài này thì chắc chắn chúng tôi không có ngày hôm nay. Tủi thân không phải là không có tiền làm khoa học mà khi mình đang làm, bí quá, đi vay, người ta nghe về sáng chế lại tỏ ra vô cùng nghi ngại và tìm lý do từ chối. Cứ như chúng tôi đang làm cái gì đó điên rồ và phi thực tế. Thậm chí, ngay cả khi tôi cầm theo thanh gỗ trấu cho người ta xem mà vẫn có người nhìn tôi bằng ánh mắt như kiểu mình đang lừa họ", ông Hùng ngậm ngùi nói.

Nếu những công trình "cao cấp" như của ông Khánh, TS. Hùng rất khó thu hút nhà đầu tư bởi giá thành đắt đỏ, vốn ban đầu quá lớn thì các sáng chế đơn giản, đặc biệt là các sáng chế của nông dân lại nhanh chóng được đầu tư sản xuất đại trà. Tuy nhiên, sự nhanh chóng này cũng phải đối mặt với một thực tế là ngay sau khi ra đời và tiếp cận thị trường, nó dễ dàng bị làm giả. Như vậy, các sáng chế đang đứng trước những cái khó không thể giải quyết trong một sớm một chiều: công trình phức tạp, lợi nhuận lớn, khó tìm nhà đầu tư; công trình đơn giản, vốn đầu tư ít, dễ đi vào đời sống, ngay lập tức bị ăn cắp bản quyền, khiến lợi ích của người sáng chế và nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Được biết, đã có 3,2 tỷ đồng được "hứa" dành cho ông Hùng và cộng sự. Với nhiều người, đó là số tiền trong mơ để một sáng chế đi vào đời sống, song trên thực tế, số tiền mà ông Hùng và cộng sự chi phí cho ngần ấy năm đeo đuổi dự án và cho công tác thử nghiệm còn lớn hơn 3,2 tỷ đồng. "3,2 tỷ đồng là số tiền không nhỏ, nhưng đúng là nó có giá trị an ủi và động viên với chúng tôi nhiều hơn kiểu "rót tiền để hoàn thiện dự án". Đây là sự ghi nhận của cấp có thẩm quyền với sáng chế này, còn những bước đi rất dài sau đó, chúng tôi phải tự kết nối và lo liệu", ông Hùng bày tỏ.

Đáng lo nhất với số phận các sáng chế là nhiều công trình đạt giải cao tại nhiều hội thi sáng tạo kỹ thuật nhưng vẫn có nguy cơ "mốc" khi không có cơ hội được sử dụng, đi vào cuộc sống. Trên thực tế, không phải nhà khoa học nông dân, học sinh nào cũng có cơ hội đem chào bán sáng chế, sản phẩm của mình tại các hội chợ công nghệ. Cũng vì thế, song song với việc trao giải sáng chế, đã đến lúc chúng ta cần trao giải ứng dụng các công trình đoạt giải sáng tạo này. Có thể điểm đến các sáng chế rất thiết thực xuất hiện thời gian gần đây như: mô hình xe quét rác tự động của hai học sinh Đào Xuân Tá và Dương Văn Minh (Đại Lộc - Quảng Nam); robot đa năng phục vụ nông nghiệp với 3 chức năng: phun thuốc trừ sâu, tưới cây, hái quả, nhận giải đặc biệt tại cuộc thi Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ VI của tác giả Nguyễn Văn Hòa (Hiệp Hòa - Bắc Giang),…

Vướng ở khâu nào?

TS. Phạm Hồng Quất, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cái khó lớn nhất và cũng là mấu chốt của vấn đề đưa sáng chế vào thực tiễn đời sống chính là làm cho người dân, chủ nhân sáng chế và cả nhà đầu tư hiểu rõ về bản quyền sáng chế. Khi được đăng ký và bảo hộ, đương nhiên kẻ xâm phạm sẽ dè chừng hơn khi có ý định… ăn cắp. Có điều, thực tế cho thấy đã có nhiều vụ tranh cãi, kiện tụng liên quan đến vấn đề này, nhưng chính người trong cuộc lại phải than: chờ được vạ thì má đã sưng!

Ông Nguyễn Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, sáng chế của nông dân thường không phức tạp và được áp dụng ngay do đánh trúng những bức xúc trong thực tiễn lao động và sản xuất của chính họ. Bên cạnh đó, các sáng chế này thường không có giá trị kinh tế cao, phạm vi ứng dụng cũng trong điều kiện, môi trường cụ thể. Với các nhà khoa học, sáng chế của nông dân để có thể thành hiện thực thường phải có khoản đầu tư rất lớn, phạm vi ứng dụng cũng rất đặc thù. Như vậy, dễ dàng nhận thấy, khâu bức xúc nhất chính là đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư và kết nối giữa nhà sáng chế và nhà đầu tư. Trong quá trình này, phải phát triển theo hướng ứng dụng; đảm bảo có lãi và phải có trung gian giám sát.

Chúng ta có khá nhiều tổ chức "xưng" là cơ quan kết nối các nhà khoa học và nhà đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, năng lực của các tổ chức này đến đâu thì lại là chuyện… cần phải bàn. "Trong một số trường hợp, người đi kết nối nhà sáng chế và nhà đầu tư hiện ra không khác gì kẻ môi giới kiếm lời. Hậu quả nhìn thấy là nhà sáng chế nghi ngại không muốn trao đứa con tinh thần của mình cho đối tác không đáng tin cậy; nhà đầu tư e dè vì khoản tiền mình bỏ ra có thể không sinh lời như "quảng cáo" của trung gian. Tôi nghĩ những người làm khâu trung gian này không chỉ cần am hiểu về đặc thù của các sáng chế, các vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ độc quyền mà còn phải có "mác" của bộ, ngành uy tín để thu hút sự quan tâm và tin tưởng của nhà đầu tư", ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.

Cũng theo các chuyên gia, nếu không nhận được sự đầu tư của Nhà nước, ngành chức năng liên quan đến lĩnh vực được sáng chế, nhà sáng chế có thể tìm đến nguồn đầu tư cá nhân. Thực tế đã có nhiều thành công từ sự kêu gọi đầu tư của anh em, họ hàng, bạn bè. Trong quá trình ấy, nhà sáng chế phải xem những người đầu tư là cổ đông và có trách nhiệm với sự đóng góp của họ.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, liên quan đến những sáng chế thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hiện cả nước có tổng cộng 120 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 79% thuộc sở hữu tư nhân. Điều đáng nói là dù con số còn hết sức khiêm tốn nhưng hầu hết các sáng chế, giải pháp này vẫn còn nằm trên giấy, chỉ có một số ít được chính chủ sở hữu sử dụng trong quy mô hạn hẹp.

Theo ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Cá sấu Hoa Cà (TP.Hồ Chí Minh): Các sáng kiến, sáng chế của nhà nông trong quá trình sản xuất là điều bình thường, vì không có sáng kiến thì sản xuất không phát triển được. Nhưng chỉ cần nhìn bộ hồ sơ, các thủ tục để thực hiện việc đăng ký sáng kiến, sáng chế, phải viết bản thuyết minh... là nông dân đã "sợ" rồi".

Sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông khá lỏng lẻo cùng với các vướng mắc trong thủ tục đăng ký bản quyền khiến nông dân chùn bước và vì vậy nhiều sáng kiến, sáng chế mang lợi ích cao của nhà nông khó có điều kiện nhân rộng và dễ bị ăn cắp bản quyền.