|
|||
Tính đa dạng của các tác phẩm tham gia Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) và Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) đã phối hợp thực hiện thành công Lễ trao giải báo chí về KH&CN năm 2012. Qua 12 tháng làm việc, Ban tổ chức Giải thưởng, Hội đồng và các cơ quan liên quan đã xét chọn được 21 tác phẩm và nhóm tác phẩm gồm: Thể loại Truyền hình (01 Giải Nhất; 02 Giải Nhì, 02 Giải Ba; 02 Giải khuyến khích); Thể loại Phát thanh (02 Giải Nhì, 02 Giải Ba); Thể loại Báo in (01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì; 03 Giải Ba; 04 Giải Khuyến khích) và Thể loại Báo điện tử (01 Giải Khuyến khích). Theo Ban tổ chức Giải, sau một năm phát động (từ 1/1/2012), đã có gần 600 tác phẩm và nhóm tác phẩm thuộc bốn thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình được gửi đến tham dự. Nhìn chung các tác phẩm đã phản ánh khá tốt về mọi chủ đề trong hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; đi vào các nội dung cấp bách, phổ biến và thực tiễn của đời sống kinh tế- xã hội. Một số tác phẩm có chất lượng truyền thông xuất sắc, bài viết thể hiện công phu sâu sắc về chủ đề có tính thời sự; các đánh giá, bình luận phản ánh được thực trạng, yêu cầu và tác động của hoạt động KH&CN; một số tác phẩm phát thanh truyền hình có kịch bản, đạo diễn, thể hiện, hậu kỳ... có chất lượng tốt về cả nội dung đề cập và tính chuyên nghiệp; âm thanh hình ảnh sống động, tác phẩm hấp dẫn thuyết phục độc giả. Các tác phẩm xuất sắc đã được Ban tổ chức xét tuyển và đề xuất đạt Giải Nhất, Nhì, Ba,... Có thể nói, phần lớn các tác phẩm tạo được hiệu ứng tích cực đối với xã hội, tuyên truyền sâu rộng phong phú mọi mặt của hoạt động KH&CN, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và cũng như khẳng định KH&CN là động lực phát triển kinh tế-xã hội; kết nối nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức cá nhân làm KH&CN với doanh nghiệp và đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, các tác phẩm còn chưa đồng đều về nội dung phản ánh, chất lượng thể hiện giữa các tháng, các quý trong năm 2012, giữa các thể loại (phóng sự, tọa đàm, phỏng vấn, bình luận, phản ánh,...) và giữa các loại hình, đặc biệt đối với số tác phẩm của loại hình báo điện tử (số tác phẩm được xét chọn) còn hạn chế. Hai giải nhất được trao cho các tác phẩm tôn vinh doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho ứng dụng, phát triển KH&CN, cũng như các sáng kiến thiết thực phục vụ cuộc sống của những người nông dân đã khẳng định xu hướng phát triển cũng như vai trò quan trọng của KH&CN trong sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong nông nghiệp và doanh nghiệp KH&CN. Cầu nối giữa công chúng và các nhà khoa học Theo nhà báo Tùng Lâm (Truyền hình Thông tấn), tuy là lần đầu tiên được tổ chức nhưng Giải thưởng đã gây ấn tượng tốt đối với công chúng, đặc biệt là sự chủ động của Bộ KH&CN trong công tác tổ chức. “Nếu nhìn dưới góc độ báo chí, Giải thưởng không chỉ giành cho các nhà khoa học nghiên cứu, các nhà báo thể hiện tài năng mà quan trọng hơn cả là công chúng – những người được thụ hưởng những thông tin cập nhật về KH&CN một cách chính xác, cụ thể hơn và hiệu quả nhất” nhà báo Tùng Lâm nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm trên, Nhà Báo Hà Hồng (Báo Nhân dân) nhận xét, Giải thưởng không chỉ mang tính tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí đạt giải, mà còn thông qua Giải thưởng, các bài viết về chủ trương chính sách, đề tài, đề án khoa học,… sẽ tạo cho giới khoa học biết được xã hội cần gì ở mình. Ngoài ra, Giải thưởng cũng là cầu nối cho công chúng hiểu hơn tâm tư nguyện vọng, trong đó có công sức, lòng nhiệt huyết và những cống hiến của các nhà khoa học nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, Theo ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng, cùng với việc quảng bá, thông tin rộng hơn nữa về Giải thưởng đến các cơ quan thông tấn báo chí để có được các tác phẩm dự thi chất lượng, Bộ cũng sẽ thành lập nhóm cố vấn về nghiệp vụ báo chí, các nhà khoa học, quản lý có uy tín để tư vấn, thẩm định các tác phẩm xuất sắc trước khi chọn xét giải. Đặc biệt, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa giải thưởng để các ngành, các cấp, các nhà tổ chức cùng quan tâm tổ chức Giải có hiệu quả và ngày càng có chất lượng. Đặc biệt, trong năm 2013, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phát huy, học hỏi kinh nghiệm nhằm ngày càng hoàn thiện hơn về tổ chức Giải thưởng. Ngoài ra, cùng với việc quảng bá, thông tin rộng hơn nữa về Giải thưởng đến các cơ quan thông tấn báo chí để có được các tác phẩm dự thi chất lượng, Ban tổ chức sẽ thành lập nhóm cố vấn về nghiệp vụ báo chí, các nhà khoa học, quản lý có uy tín để tư vấn, thẩm định các tác phẩm báo chí xuất sắc trước khi chọn xét giải. “Đặc biệt, thời gian tới, Ban tổ chức sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa Giải thưởng để các ngành, các cấp, các nhà tổ chức cùng quan tâm tổ chức Giải thưởng có hiệu quả và ngày càng có chất lượng”. Ngũ Hiệp
|