|
|||
Sau 10 năm triển khai, nhìn lại, thực tế KH&CN bước đầu đáp ứng được yêu cầu chiến lược trên, tuy vậy sự kết hữu cơ với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế - xã hội còn là một câu hỏi. Cộng đồng KH&CN đều trăn trở: khoa học và công nghệ đã đáp ứng được kỳ vọng của xã hội chưa?.
Nhớ lúc khởi đầu, cách nay 7 – 8 năm, Người đứng đầu ngành KH&CN, đặt câu hỏi cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của mình, rằng quản lý KH&CN, phải chăng, chủ yếu thông qua tổ chức hệ thống các chương trình, đề tài nghiên cứu? Lúc đó, câu trả lời của không ít người: nếu KH&CN không tổ chức thành các chương trình, đề tài nghiên cứu thì biết làm cái gì!. Đúng là, KH&CN, đang lúng túng trong việc chuyển sang cơ chế thị trường, còn vấn vương quá nhiều với tâm thế, cơ chế quản lý hành chính - bao cấp.
Năm 2002, sau Kết luận của BCHTW, khóa IX về Nghị quyết lần 2, khóa VIII, KH&CN không còn con đường nào khác là phải đổi mới, nhanh chóng thoát ra khỏi cơ chế hành chính - bao cấp. “Tự đột phá”, “tự mở đường”, trước khi trở thành động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó là cách duy nhất để tự khẳng định mình.
Đổi mới tư duy trong quản lý hoat động KH&CN như là một mệnh lệnh của cuộc sống! Nếu con người cần diễn đạt tư duy của mình phải thông qua công cụ của nó là ngôn ngữ thì đổi mới tư duy về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế doanh nghiệp hay cơ chế thị trường, trước hết là, phải xây dựng được một hệ thống các công cụ mới để tư duy, để đổi mới. Đã có một thời, trong hoạt động KH&CN, nhà quản lý coi trọng số lượng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai; số lượng các đề tài nghiên cứu được nghiệm thu có kết quả “Xuất sắc”, thì nay, chuyển sang coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách hướng về doanh nghiệp, học tập doanh nghiệp và vận hành theo cơ chế của doanh nghiệp. Các thuật ngữ mới trong quản lý khoa học và công nghệ theo cơ chế hoạt động của doanh nghiệp xuất hiện càng nhiều và tần xuất ngày càng dầy trong văn bản quản lý và trong ngôn ngữ chỉ đạo, điều hành.
Các quan niệm, khái niệm, phạm trù mới, như: “Thị trường khoa học và công nghệ”, “Chợ công nghệ và thiết bị”, “Doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa”, “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp”, “Hợp đồng chuyển giao kết quả nghiên cứu giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiêp” , vv.. đã lần lượt được hình thành trong các văn bản quản lý, và xác lập trong đời sống hiện thực. Đặc biệt, tư duy về các tổ chức khoa học và công nghệ, với “cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, và sự ra đời của các “doanh nghiệp khoa học và công nghệ” đã đặt tiến trình đổi mới quản lý KH&CN vào đường ray của cơ chế thị trường.
Trong nông nghiêp, Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, khóa VI về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, mà giờ đây, mọi người gọi tắt là “Khoán 10”, ra đời tháng 4 năm 1988, được kế thừa và phát triển từ “Khoán 100”, Chỉ thị 100” của Ban Bí thư, năm 1981. Trong công nghiệp, con đường tự chủ, độc lập trong sản xuất kinh doanh, tự chiu trách nhiệm lỗ lãi cũng có lịch sử phát triển của nó. Từ những xí nghiệp, nhà máy luôn phải sản xuất 100 % theo kế hoạch của Nhà nước đến được tự chủ một phần kế hoạch, theo tinh thần “Quyết định 25” năm 1981 của Chính phủ; Từ tên gọi là “nhà máy”, “xí nghiệp” nay hầu hết được xác lập tên gọi mới là “Doanh nghiêp” cũng phải trải qua thời gian là 20 năm, tính đến năm 2003, khi ban hành Luật Doanh nghiêp nhà nước; hay gần 30 năm, tính đến khi Luật Doanh nghiệp có hiêu lực, năm 2010.
Tương tự như vậy, tư tưởng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, theo tinh thần “Nghị định 115” và “Nghị định 80”, đến nay được đồng thuận cho là một chủ trương đúng, có tính đột phá, mang tầm cỡ như “Khoán 10” trong nông nghiệp, cũng được kế thừa và phát triển từ Nghị định 35/HĐBT, năm 1992, của Hội đồng Bộ trưởng về “Công tác quản lý khoa học và công nghệ”. Giai đoạn đầu, quan niệm cởi mở trong việc lập, đăng ký hoạt động; tự chủ biên chế, tự chủ quỹ lương, tự do đăng ký tham gia các chương trình, đề tài, dự án và tự chủ trong sử dụng lợi nhuận do tổ chức khoa học và công nghệ tạo ra,…trong “Nghị định 35” đã thổi một luồng gió mới trong hoạt động quản lý KH&CN.
Đổi mới là một quá trình, là một cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa lợi ích chính đáng của cộng đồng với lợi ích của một nhóm nhỏ, nhưng khi đường hướng của quá trình đổi mới đã được vạch ra thì công việc còn lại sẽ là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo cơ chế thị trường, trong đó, xây dựng nhiều (hệ thống) cơ chế tài chính cho các loại hình hoạt động KH&CN đang là một đòi hỏi bức xúc, có ý nghĩa quyết định đến thành công của quá trình đổi mới cơ chế quản lý KH&CN ở nước ta hiện nay.
Tiến sỹ PHẠM VĂN HUỲNH |