Những điểm sáng
Ngày 17-6-2010 là mốc son đánh dấu sự phát triển của y học nước nhà khi ca ghép tim từ người chết não cho bệnh nhân Bùi Văn Nam, 48 tuổi (Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4 được các chuyên gia của Học viện Quân y (HVQY) thực hiện thành công. Cần biết rằng, ghép tạng từ người chết não là kỹ thuật phức tạp hơn nhiều so với ghép từ người hiến tặng hoàn toàn khỏe mạnh.
Đánh giá về thành công này, GS-TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc HVQY cho biết: KHCN có vai trò "tiền đề", không chỉ với ca ghép tim này mà cả với những thành công về ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam. Cụ thể là từ năm 1990, được sự ủng hộ của Bộ KHCN, đề tài ghép thận được triển khai. Ngày 4-6-1992, ca ghép thận đầu tiên đã thành công và hai năm sau, vấn đề ghép thận cơ bản đã được giải quyết, trở thành một phẫu thuật thường quy. Từ một trung tâm ghép ban đầu ở HVQY, đến nay, cả nước có 12 bệnh viện tiến hành ghép thận, cứu sống gần 300 bệnh nhân. Tiếp đến, trên cơ sở thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước về ghép gan do HVQY chủ trì, ca ghép gan trên người đầu tiên đã thực hiện thành công ngày 31-1-2004. Hiện nay, trên cả nước đã có 4 bệnh viện tiến hành ghép gan và đã thực hiện ghép thành công cho 14 bệnh nhân... Mặc dù chậm hơn so với thế giới khoảng nửa thế kỷ, nhưng với những thành công nêu trên, Việt Nam đã đạt thành tựu đáng tự hào.
Năm 2010 cũng đánh dấu sự thay đổi tư duy khi doanh nghiệp tư nhân bắt đầu coi KHCN là tiền đề cho sự phát triển bền vững. "Khởi động" cho chiến lược này là việc thành lập Viện Nghiên cứu (VNC) của Tập đoàn FPT và Công ty Thủy sản Bình An. Cụ thể là ngày 25-5-2010, VNC Công nghệ FPT chính thức ra mắt tại Hà Nội, có chức năng nghiên cứu, phát triển KHCN và đào tạo. Viện sẽ tiến hành những hoạt động nghiên cứu KHCN theo thỏa thuận, không chỉ với Tập đoàn FPT mà còn với các cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo và tổ chức chuyển giao tri thức, thông tin, công nghệ, sản phẩm thuộc những lĩnh vực hoạt động nghiên cứu của Viện. Trong khi đó, VNC Thủy sản Bình An ra mắt ngày 30-7-2010, với nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong chọn, sản xuất giống; thức ăn; thuốc phòng trị bệnh; chế phẩm sinh học và công nghệ chế biến đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành thủy sản.
Năm 2010, trong lĩnh vực cơ chế chính sách, việc Chính phủ phê duyệt "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2020" với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng là tâm điểm. Mục tiêu của chương trình là phát triển nền Toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy, cả về số lượng lẫn chất lượng, đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về Toán học, so với vị trí từ 50-55 thế giới hiện nay... Quyết định này có tiếng vang, được cộng đồng khoa học ghi nhận vì đã "mở đường" cho các ngành khoa học cơ bản khác phát triển sau một thời gian có dấu hiệu "tụt hậu".
“Vướng” cơ chế tài chính
Bên cạnh những "điểm sáng", KHCN nước nhà năm qua cũng đứng trước không ít thách thức, trong đó vấn đề cơ chế tài chính là bài toán "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng. Nhận định này được không ít nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2010 tổ chức gần đây.
Theo Bộ KHCN, giai đoạn 2006-2010, Nhà nước duy trì mức đầu tư hằng năm cho hoạt động KHCN đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5-0,6% GDP). Đến nay, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính, chiếm tới 65-70% tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KHCN. Trong điều kiện quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, mức đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KHCN của Việt Nam hiện nay ước tính đạt khoảng 1% GDP, quá nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới.
Về phía các nhà khoa học, GS-TS Lê Hữu Nghĩa (Chủ nhiệm Chương trình KX02) cho rằng, những năm qua, giá cả thị trường tăng vọt nhưng các định mức kinh phí nghiên cứu không hề thay đổi. Hơn nữa, có quy định ngay từ đầu đã bất hợp lý như trả 12 triệu đồng cho người viết báo cáo khoa học tổng hợp đề tài, trong lúc đó trả cho người viết chuyên đề loại hai trong lĩnh vực KHXH&NV cũng với số tiền tương đương.
GS-TSKH Thân Đức Hiền (Chủ nhiệm Chương trình KC02) bổ sung, các quy định về mua sắm vật tư, nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu như hiện nay còn nhiều bất cập. Quy định về đấu thầu đối với vật tư hóa chất rất khó thực hiện, gây lãng phí về thời gian, vật chất do ở nước ta, hầu như không có đơn vị nào cung cấp được đầy đủ các loại hóa chất khi gói thầu lên tới vài trăm triệu đồng...
Rõ ràng, việc đổi mới cơ chế tài chính, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức được tham gia nhiều, hiệu quả hơn vào hoạt động KHCN đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Lời giải cho bài toán ấy đang dành cho các nhà quản lý trong năm 2011.
Thế Dũng
|