|
|||
Khi doanh nghiệp ngoại lấn át Công nghiệp vi mạch điện tử đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Một con chip nhỏ xíu nhưng là một hệ thống vi mạch cực kỳ phức tạp, việc thiết kế và chế tạo là tổng hợp nhiều khoa học và công nghệ khác nhau. Xu hướng phát triển các sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch điện tử dựa trên tiêu chí đơn giản: nhỏ, nhanh và rẻ hơn. Nhờ xu hướng phát triển này nên công nghiệp vi mạch điện tử đã phát triển song hành với rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có doanh thu trên toàn cầu luôn tăng trong những năm qua. Thị trường vi mạch điện tử toàn cầu dự đoán từ 2012-2017 sẽ tăng 109 tỷ USD, đạt 400,2 tỷ USD vào 2017 với mức tăng trưởng kép. Thị trường Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vi mạch, với những sản phẩm chip điện tử sản xuất trên nền công nghệ cơ bản như giấy phép điện tử, chip RFID ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, SIM card điện thoại di động, chip điện thoại di động thông minh… Với sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử viễn thông lớn của thế giới tại thị trường Việt Nam như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… cho thấy, đây là mảnh đất màu mỡ của lĩnh vực vi mạch điện tử. Riêng Samsung đã đạt tỷ lệ xuất khẩu trên dưới 20 tỷ USD/năm. Với tốc độ đầu tư hiện nay, dự kiến trong tương lai, kim ngạch xuất khẩu của Samsung vượt ngưỡng 30 tỷ USD/năm. Ngoài Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Samsung đã đầu tư nhà máy thứ ba tại Thái Nguyên với số tiền đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Còn lại là Nokia, Sony, Canon, LG cũng đang đầu tư lớn vào Việt Nam.
Thị trường vi mạch bán dẫn ở Việt Nam gần như bị doanh nghiệp ngoại lấn át Điều đáng buồn, với doanh số khủng như vậy nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế. Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Đào tạo Vi mạch TP Hồ Chí Minh (ICDREC) cho biết: mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 tỉ USD linh kiện bán dẫn nhưng để thương mại hóa sản phẩm chip Việt thật không dễ dàng. Nhìn vào năm 2014, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam xuất khẩu trên 32 tỷ USD, nhưng nhập khẩu đã lên tới 28 tỷ USD. Hơn nữa, để trở thành đối tác cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI. Lấy KH&CN để chia lại “miếng bánh ngon” Nhận thức được tiềm năng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp công nghệ vi mạch, hàng loạt các động thái của Chính phủ, Bộ, Ngành, địa phương cũng như chính cách doanh nghiệp trong nước đã cho thấy quyết tâm cao trong việc phát triển lĩnh vực này. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, từ năm 2010, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2457/QĐ-TTg và Quyết định 2441/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội đầu tư vào công nghiệp vi mạch. Theo đó, Vi mạch bán dẫn hiện đã được đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia. Đi đầu trong việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch điện tử là TP Hồ Chí Minh. Thành phố này đã có Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch và sẽ tập trung xây dựng dựa trên những đề án đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp và hệ thống nhúng, quảng bá và thiết kế sản xuất thử nghiệm, cùng 2 dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử và trung tâm thiết kế vi mạch. Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh đã được UBND thành phố thành lập từ tháng 5/2012. Theo đó, mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch đạt 100-150 triệu USD, góp phần tích cực cho việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng. Đến năm 2017 sẽ kêu gọi ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam, đào tạo 2.000 người hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử (kỹ sư, kỹ thuật viên...), ươm tạo trên 30 DN khoa học công nghệ hoạt động lĩnh vực điện tử vi mạch. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát; nâng cao giá trị sản phẩm điện tử trong nước với mức lợi nhuận từ 20-30%; tăng sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế nhờ giảm chi phí phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng và trong xuất khẩu, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể trên các mặt: đào tạo nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây nhà thiết kế (Design house), hợp tác quốc tế, thương mại hóa chip SG8V1. Chip SG8V1 là sản phẩm chủ lực của Chương trình. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: “Thời gian 2 năm chưa dài nhưng bước đầu tạo ra sản phẩm đã cho chúng ta niềm tin về ngành công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh có triển vọng phát triển rất tốt”. Hoặc mới đây, Trung tâm thí nghiệm thiết kế vi mạch và tích hợp hệ thống (BKIC) thuộc Viện điện tử - viễn thông đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã công bố những sản phẩm vi mạch được thiết kế và chế tạo thành công. Trong đó gây chú ý là vi mạch ổn áp BKIC01.LDO03 được ứng dụng cho thiết bị di động, camera số, điều khiển đèn LED... và vi mạch chỉnh lưu BKIC02.AC-DC013 hiệu suất cao tích hợp cho mạch sạc không dây trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, BKIC cũng cho biết đã chế tạo được các bộ vi mạch như RFID Tag hay NFC Tag và hiện đã được ứng dụng cho một số sản phẩm thương mại của Samsung. Tất cả những nỗ lực đó cho phép chúng ta kỳ vọng vào một nền công nghiệp công nghệ vi mạch điện tử đủ mạnh với việc lấy KH&CN là mũi nhọn để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Bài và ảnh: Minh Châu |