|
|||
Đã hình thành dần vóc dáng Theo các doanh nghiệp, giống như một số nước, thị trường Việt Nam cũng đang phát triển nhờ vào sự gia tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm smartphone, máy tính bảng, hộp giải mã truyền hình kỹ thuật số (set-top box) và thiết bị điện tử tự động. Giới phân tích cho rằng xu thế sử dụng thiết bị công nghệ cao nói trên cũng chính là giải pháp đầu ra dành cho thiết bị bán dẫn trong những năm tới đây trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường trong nước với khoảng 90 triệu dân còn được đánh giá là rất lớn khi tới đây Chính phủ áp dụng hộ chiếu điện tử, chứng minh thư điện tử... thay thế. Không những vậy, ngành công nghệ bán dẫn hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam và được đưa vào danh mục chín sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Ông Don Tran, Giám đốc điều hành Công ty Global Equipment Services (GES), tin tưởng viễn cảnh phát triển tốt thị trường thiết bị bán dẫn Việt Nam khi mà lượng người sử dụng internet trong nước thuộc hạng cao trên thế giới, nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử của người tiêu dùng gia tăng... Trong những năm qua TP.HCM đã thể hiện là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm vi mạch. Ông Lê Mạnh Hà- Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết TP.HCM đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013- 2020” vào tháng 12/2012 với các mục tiêu chung, nhiệm vụ gắn với 7 chương trình, đề án cụ thể như: dự án có liên quan như Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Ươm tạo DN công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Dự án xây dựng nhà thiết kế (Design House)… Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, mới đây UBND TP TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận bổ sung thêm 3 chương trình, đề án bao gồm: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệp vi mạch (Lab- toFab) và phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Những chương trình, đề án càng khẳng định quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vi mạch. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có một số sản phẩm như chip vi xử lý 8 bit VN801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105 hay chip SG8V1… Trong đó có không ít dòng chip đã và đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm như thiết bị định vị - hộp đen xe gắn máy, ô tô; khóa container điện tử và sắp đến là điện kế điện tử. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến nhanh việc xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỷ con chip/năm và doanh thu ước tính 90 triệu USD/năm. Khẳng định quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng vi mạch Việt Nam Nói về tương lai của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh rất lạc quan: Chúng tôi nghĩ rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đi sau nhưng thị trường vẫn còn những ngách để chúng ta tham gia vào và một trong những thị trường quan trọng nhất chính là thị trường Việt Nam. Trước mắt, con chip Việt có thể tham gia vào lĩnh vực giao thông, y tế…Nếu chúng ta biết cách đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với các tập đoàn lớn thì hoàn toàn có cơ hội để thâm nhập thị trường thế giới.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đi sau nhưng thị trường vẫn còn những ngách để chúng ta tham gia
Một điều quan trọng mà giới đầu tư chú ý vào Việt Nam là ngành công nghiệp bán dẫn hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và được đưa vào danh mục sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Gần đây nhất, sự kiện Hội nghị “SEMI Việt Nam 2015 – Sứ Mệnh Liên Kết Ngành Bán Dẫn” tại Hà Nội từ ngày 21 tháng 09 đến ngày 23 tháng 09 năm 2015 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng vi mạch Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp non trẻ này. Tại Hội nghị lần này, đã diễn ra sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI). Trong đó, hai bên sẽ phối hợp trong việc tổ chức các sự kiện có liên quan để phát triển ngành điện tử, bán dẫn tại Hà Nội và khu vực phía Bắc cũng như SEMI hỗ trợ trong việc quảng bá hình ảnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tới các thành viên của Hiệp hội. Tuy nhiên, tại Hội nghị quốc tế SEMI lần thứ 3, các đại biểu tham dự cũng cảnh báo, ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam còn khá non trẻ, đầy cơ hội nhưng không ít thách thức cần phải giải quyết. Cụ thể là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. làm chủ nghiên cứu và thiết kế, làm cơ sở cho nhà máy sản xuất trong tương lai. Không còn quá xa vời để có thể hy vọng vào nền công nghiệp vi mạch tại Việt Nam song sẽ còn rất nhiều khó khắc thách thức cần phải vượt qua. Bài và ảnh: Minh Châu |