|
|||
Từ câu chuyện chiếc xe đạp địa hình Vào những năm 70 của thế kỷ trước, một nhóm bạn trẻ ở California (Mỹ) cảm thấy chán ngán với những mẫu xe đang có trên thị trường, cộng với việc họ thường xuyên vượt qua những cung đường có địa hình đèo núi phức tạp nên đã lấy lốp của những chiếc xe máy địa hình bọc vào lốp xe đạp để tăng độ ma sát. Rồi họ lại đưa các bộ phanh của mô tô cũ, các bộ đĩa răng từ xe đua vào chiếc xe "độ"... Phong trào này nhanh chóng lan rộng trong giới chơi xe khi đó. Vài năm đầu, nó có tên là "xe độ", sau đó các xưởng sản xuất địa phương bắt đầu hoàn thiện và sản xuất dòng xe địa hình. Hơn 10 năm sau, các "ông lớn" trong ngành sản xuất xe đạp nhận ra thực tiễn thú vị này và họ nhanh chóng đưa xe đạp địa hình trở thành một sản phẩm bán chạy trên thị trường. Câu chuyện trên cho chúng ta một thông điệp thú vị: Không phải mọi ý tưởng tốt đều từ các phòng thí nghiệm hiện đại, từ các bộ óc siêu việt, mà nó còn ở đâu đó ngoài đời sống. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các công ty công nghiệp lớn tại các quốc gia phát triển là nơi đưa ra nhiều phát minh, sáng chế và họ là người dẫn dắt thị trường thông qua việc giới thiệu các dòng sản phẩm mới. Năng lực sáng tạo của các công ty này phụ thuộc hoàn toàn vào bộ phận R&D, nơi sở hữu những con người ưu tú. Tính tiên phong và độc quyền cho sản phẩm mới là chìa khóa thành công, đưa họ đến vai trò "ông lớn" dẫn dắt thị trường. Khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm 80 của thế kỷ XX đã làm các "ông lớn" thực sự mệt mỏi và buộc phải cắt giảm chi phí. Đương nhiên là bộ phận nào tiêu tiền nhiều nhất sẽ được đưa ra xem xét đầu tiên và đó luôn là bộ phận R&D. Đa phần họ nhận ra cái giá để tiên phong, độc quyền một lĩnh vực nào đó là không hề nhỏ. Cuộc khủng hoảng đã để lại một khoảng trống trong tư duy về hoạt động R&D. Trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện kinh tế tri thức, ra đời hệ thống các nhà đầu tư mạo hiểm vào tài năng trẻ, chuyển dịch nguồn lực trên thị trường ngày càng phức tạp, các "ông lớn" bắt đầu nghĩ theo hướng "tài năng ở khắp nơi trên thị trường" và phải có cách nào đó để khai thác được các nhân tài bên ngoài tham gia vào chuỗi công việc của công ty. Cho đến năm 2003, lần đầu tiên trong quyển sách có tên "Open Innovation" tác giả - GS Henry W. Chesbrough của Đại học California (Berkeley, Mỹ) chính thức giới thiệu mô hình "đổi mới sáng tạo mở". Ông định nghĩa: "Đổi mới sáng tạo mở là việc sử dụng các luồng tri thức từ ngoài vào và từ trong ra nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội bộ và mở rộng các thị trường cho bên ngoài đồng thời ứng dụng sự đổi mới". Sau sự kiện này, đổi mới sáng tạo mở nguyên gốc tiếng Anh "open innovation" trở thành thuật ngữ chuyên môn. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, tập trung vào làm rõ các nhân tố cơ bản, các vấn đề khi ứng dụng trong thực tế với một đối tượng cụ thể, trong một lĩnh vực cụ thể, tại một địa phương cụ thể. GS Henry W.Chesbrough tiếp tục là người tiên phong, nỗ lực thúc đẩy ứng dụng đổi mới sáng tạo mở và ông đã hình thành cộng đồng nghiên cứu sáng tạo mở (open innovation community). Các học giả kinh tế phương Tây còn ví von: Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mở. Đổi mới sáng tạo mở là một cách đổi mới sáng tạo phổ biến ở các nước phát triển. Dựa trên triết lý mở và chia sẻ nguồn lực, các hình thức đổi mới sáng tạo mở đã phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, một trong đó thúc đẩy thành các mô thức mang tính xã hội như: Trí tuệ đám đông, tài chính đám đông... Tại Việt Nam, năng lực công nghệ của DN nội còn nhiều hạn chế, các tổ chức R&D thì chưa kết nối được vào DN. Do đó, việc sớm thúc đẩy, giới thiệu, nghiên cứu giải pháp áp dụng đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam sẽ là cơ hội cho DN đổi mới công nghệ trước áp lực hội nhập ngày càng gay gắt. Nguyễn Mạnh Cường |