|
|||||||||||||||||||||
Thiên thể Eris gia nhập hệ mặt trời
Năm 2005, Mike Brown và nhóm nghiên cứu của ông tại Đài Thiên văn Palomar, California đã phát hiện ra 136199 Eris – một thiên thể có kích thước lớn hơn khoảng 27% kích thước của Diêm Vương tinh, do đó, Eris đã qua mặt sao Diêm Vương để trở thành thiên thể lớn thứ 9 quay quanh mặt trời. Hệ quả của phát hiện này là vào năm 2006 sao Diêm Vương (Pluto) đã bị “giáng chức” xuống làm hành tinh lùn và phải mang 1 dãy số hiệu trước tên của mình - 134340 Pluto.
Tìm thấy các phần mô mềm từ hóa thạch khủng long
Cũng trong năm 2005, Mary Higby Schweitzer và đồng nghiệp đã phát hiện các phần mô mềm trong một hóa thạch xương đùi của khủng long bạo chúa. Các mô này bao gồm các mạch máu, các chất cơ bản cấu tạo xương, và các tế bào khác. Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã tìm ra các loại axit amin tương đồng với các loại axit amin của các loài gà hiện đại, từ đó càng củng cố mối liên hệ giữa khủng long và các loài chim.
Khẳng định sự tồn tại của vật chất đen
Vào năm 2006, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra những bằng chứng đầu tiên cho thấy sự tồn tại của “vật chất đen” - loại vật chất vô hình từ lâu đã được xem là nhân tố gắn kết các thiên hà và giải thích sự phân bổ trọng lượng trong toàn vũ trụ. Kết quả này được rút ra sau quá trình nghiên cứu vụ va chạm giữa 2 thiên hà cách đây 100 triệu năm.
Phát hiện thêm 1 số tổ tiên của loài người
Từ trước tới nay, chúng ta vẫn cho rằng hóa thạch người tiền sử lâu đời nhất là Lucy, được phát hiện năm 1974, có niên đại 3,3 triệu năm. Nhưng vào năm 2007, các nhà khảo cổ Pháp đã khai quật được một chiếc sọ khoảng 6-7 triệu năm tuổi của loài Toumai – được cho là tổ tiên cổ xưa nhất của loài người. Sau đó, vào năm 2009 các nhà khoa học Mỹ lại tuyên bố đã phát hiện một bộ xương hóa thạch khác tên Ardi, có tuổi 4,4 triệu năm. Từ các phát hiện trên, giới khoa học cho rằng rất có thể con người và các loài khỉ đang còn tồn tại trên trái đất có cùng một tổ tiên, chứ không phải là các mắt xích nối tiếp nhau trong quá trình tiến hóa.
Quan sát trực tiếp được các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời
Trong suốt 15 năm qua, các nhà khoa học đã rất thành công trong công cuộc “săn tìm” những hành tinh không thuộc Thái Dương Hệ, và hiện nay trong danh sách của họ đã có khoảng 450 “ngoại hành tinh”. Một số nhà thiên văn học cho rằng đây là bằng chứng khẳng định trong vũ trụ còn có rất nhiều hành tinh và có thể có nhiều hành tinh giống trái đất của chúng ta.
Người máy – máy người
Thập kỷ vừa qua cũng chứng kiến nhiều thành tựu trong việc kết hợp các hoạt động của con người với máy móc và ngược lại. Năm 2000, một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Duke đã nối các điện cực vào não của các con khỉ và luyện cho chúng điều khiển các cánh tay robot để cầm lấy thức ăn. Năm 2009, anh Pierpaolo Petruzziello – bị cụt một cánh tay – đã trở thành người đầu tiên điều khiển được cánh tay robot bằng ý nghĩ thông qua các dây và điện cực nối từ phần còn lại của cánh tay với một cánh tay robot cơ-sinh-học. Nghiên cứu này có thể giúp phục hồi chức năng vận động ở các bệnh nhân bị bại liệt.
Phát triển tế bào gốc từ nhiều nguồn khác
Năm 2007, các nhà khoa học Mỹ và Nhật thông báo đã phát triển thành công tế bào gốc từ da người. Một tháng sau, một nhóm các khoa học gia khác của Mỹ cho biết đã đạt bước tiến mới khi tạo ra được tế bào gốc với một mã gien cụ thể của bệnh nhân, có thể loại trừ rủi ro cơ thể người bệnh đào thải mô hay tạng được cấy ghép. Các công trình này được đánh giá là thành tựu y khoa lớn nhất trong năm 2007. Tế bào gốc được coi là "cứu tinh" của con người trong cuộc chiến chống lại các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, tiểu đường, liệt rung, mất trí nhớ, chấn thương tủy sống, đột quỵ... bởi nó có thể phát triển thành bất cứ loại nào trong 220 loại tế bào trong cơ thể con người.
Phát hiện dấu hiệu của nước trên bề mặt sao Hỏa
Trong suốt thập kỷ nghiên cứu vừa qua, các nhà khoa học đã thu được khá nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nước tồn tại trên hành tinh đỏ. Các dấu hiệu xói mòn trên bề mặt hành tinh là chứng cứ thuyết phục nhất về những thay đổi thời tiết và sự tồn tại nước lỏng trong quá khứ của hành tinh này. Vẫn còn một câu hỏi đặt ra là: Liệu còn có nguồn nước trên sao Hoả hay không? Sắp tới, tàu nghiên cứu với kính đo quang phổ dùng tia gamma của NASA sẽ hạ cánh trên sao Hỏa. Nó có thể đo được tín hiệu quang phổ hydro trong nước. Có lẽ khi đó, các nhà khoa học sẽ có câu trả lời chính xác.
Lập bản đồ gen người
Dự án lập bản đồ bộ gen người là một dự án nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế khởi đầu vào năm 1990. Mục đích chính của dự án là xác định trình tự của các cặp cơ sở tạo thành phân tử DNA và xác định khoảng 25.000 gen trong bộ gen của con người. Bản phác thảo đầu tiên của bộ gen ra đời vào năm 2000 và hoàn thiện vào năm 2003. Bộ gen của bất kì cá nhân nào (ngoại trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng và nhân bản) đều là duy nhất. Với bản đồ gen này, khoa học đã có một công cụ mới để đi sâu nghiên cứu các vấn đề sinh học căn bản nhất về con người, đặc biệt là giám sát các nhân tố gen liên quan đến các căn bệnh như ung thư, bệnh Alzheimer, Parkinson, cholesterol cao, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ...
Các dòng sông băng thu hẹp với tốc độ đáng lo ngại
Tốc độ tan chảy trung bình hàng năm của các dòng sông băng trên thế giới đã tăng gấp đôi khi nhân loại bước vào thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính của thực trạng này. Hậu quả của nó đã và đang tác động nghiêm trọng đến môi trường và đời sống nhân loại, biểu hiện rõ nhất là mực biển tăng trên khắp hành tinh, nhấn chìm nhà cửa của hàng trăm triệu người, thu hẹp diện tích trồng trọt và chăn nuôi, đe dọa đến các nguồn cung cấp lương thực, năng lượng và nước. |