Hiện nay tại Đài Loan có tới 90 vườn ươm tạo doanh nghiệp hình thành từ các trường đại học, chiếm tới hơn 80% tổng số vườn ươm tạo doanh nghiệp của cả nước, theo lời TS. Jane Liu, giám đốc Trung tâm Ươm tạo Đại học Công nghệ Chaoyang, tại Hội thảo quốc tế về Chính sách phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN thuộc các trường đại học: Bài học kinh nghiệm quốc tế do Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN tổ chức.
Các đại học của Đài Loan đã có những vườn ươm giàu uy tín ở tầm quốc tế, đơn cử như Trung tâm Hỗ trợ Công nghiệp và Chiến lược sáng chế của Đại học Chiaotung được xếp thứ 7 toàn cầu trên bảng xếp hạng UBI Index (tổ chức hàng đầu thế giới về xếp hạng các vườn ươm doanh nghiệp của các trường đại học, có trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển). Trung tâm Ươm tạo của TS. Jane Liu ở Đại học Công nghệ Chaoyang cũng nằm trong tốp 50 của bảng xếp hạng UBI Index, như bà cho biết. Đây là một thành tựu đáng tự hào, vì không phải đại học hàng đầu nào trên thế giới cũng có vườn ươm tạo doanh nghiệp đứng trong tốp đầu của bảng xếp hạng UBI Index.
Cũng giống như các vườn ươm tạo doanh nghiệp khác ở Đài Loan, các vườn ươm thuộc các trường đại học thường chú trọng những ngành thế mạnh của trường, đồng thời phù hợp với đặc thù vùng, địa phương của mình. Đài Loan có chủ trương ưu tiên cho các doanh nghiệp làm thuộc tám ngành mũi nhọn là ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ xanh, cơ khí chính xác, dịch vụ khoa học, dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đời sống thông minh, và dịch vụ văn hóa.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cất cánh nhanh …
Đài Loan bắt đầu xây dựng các vườn ươm đầu tiên từ năm 1997, đến nay họ đã đúc kết ra một số kinh nghiệm và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp một cách hiệu quả nhất, bắt đầu ngay từ khâu cất cánh. Đầu tiên phải kể đến là chính sách “một cửa”, theo đó tất cả các doanh nhân khởi nghiệp với mọi vấn đề thắc mắc cần giải đáp hoặc khó khăn cần giúp đỡ đều có thể gọi đến một số điện thoại (0800-589-168) để nhanh chóng nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết từ Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEA) của Đài Loan.
Tài chính để khởi nghiệp là trở ngại và là vấn đề được đa số doanh nhân khởi nghiệp quan tâm nhất, vì vậy SMEA còn cung cấp một khóa đào tạo trong ba ngày. Ngày đầu các học viên được học về tổng quan những vấn đề cơ bản cần có sự chuẩn bị, được giới thiệu một số kỹ năng quản lý tối thiểu, đồng thời học cách tiến hành tiền thẩm định ý tưởng, kế hoạch kinh doanh. Trong ngày thứ hai, học viên được học cách tiến hành vay vốn từ ngân hàng, đăng ký thuế, xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng hình ảnh, câu chuyện về sản phẩm và tiếp thị. Ngày cuối cùng, học viên được học cách viết kế hoạch kinh doanh, được giới thiệu về các kênh hỗ trợ tài chính và cho vay vốn, các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ, và cách đăng ký tới các địa chỉ hỗ trợ qua internet. Như vậy, với tổng thời gian đào tạo hơn hai mươi tiếng, các học viên sẽ được cung cấp đầy đủ những thông tin cơ bản để có thể tự xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo và tìm đến đúng những địa chỉ hỗ trợ hữu ích cho mình.
Để kết nối doanh nhân khởi nghiệp Đài Loan với các đối tác, người ta còn tổ chức các cuộc trình diễn ý tưởng (idea show), nơi các doanh nhân khởi nghiệp có dịp giới thiệu về ý tưởng kinh doanh và sản phẩm của mình. Qua đó, họ sẽ có cơ hội tìm được các cơ hội hợp tác cần thiết cho sự hình thành và phát triển doanh nghiệp của mình, không chỉ là gặp gỡ kết nối với các nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư, mà cả những đối tác cung cấp công nghệ, hoặc hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm, v.v.
... và “hạ cánh mềm”
Tuy nhiên, Đài Loan không chỉ hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp từ bước tiếp cận ban đầu, mà còn giúp họ một cách hữu hiệu ở chặng thử thách cuối cùng: xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm để xâm nhập thị trường. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có tuổi đời ba năm sẽ được xem xét trao tặng các giải thưởng để ghi nhận cống hiến của họ cho ra đời những sản phẩm mới, dịch vụ mới, công nghệ mới, hoặc mô hình kinh doanh mới, với các mức giải vàng, bạc, đồng. Mỗi nhóm ngành công nghiệp đều có giải thưởng riêng (ví dụ nhóm ngành công nghệ cao, hay các ngành sản phẩm – dịch vụ truyền thống). Đây không chỉ là cách tăng cường hình ảnh của doanh nghiệp khởi nghiệp trước các khách hàng mà cả với các nhà đầu tư.
Đặc biệt, để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp “hạ cánh mềm”, TS. Jane Liu cho biết, các vườn ươm tạo doanh nghiệp của Đài Loan xây dựng một mối quan hệ rộng rãi và mật thiết với các trung tâm ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp khác ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v. bởi theo bà, ngày nay các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối diện với cuộc cạnh tranh toàn cầu ngay từ ngày đầu tiên nhập cuộc trên thị trường, bởi vậy các vườn ươm tạo và trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phải tự trang bị cho mình nhiều mối quan hệ cùng nguồn lực quốc tế để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước có thể tồn tại và phát triển. Thông qua mạng lưới quan hệ và các nguồn lực quốc tế như vậy, các vườn ươm của Đài Loan không chỉ tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, mà còn giúp doanh nghiệp trong nước chinh phục các thị trường quốc tế. Ví dụ, một doanh nghiệp thông thường có thể mất vài năm để thâm nhập một thị trường nước ngoài, từ khâu xây dựng hoặc thuê mướn văn phòng, tìm hiểu các hệ thống thủ tục hành chính và pháp lý, tìm kênh cung cấp các nguyên liệu và phân phối, tiêu thụ sản phẩm, các kênh tài chính ở nước sở tại, v.v. Nhưng với sự hỗ trợ của vườn ươm trong nước và mạng lưới quốc tế, một doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ mới thành lập cũng có thể nhanh chóng đặt chân tại một thị trường nước ngoài trong vòng vài tháng.
Những phẩm chất cần thiết cho người làm công việc ươm tạo
Theo TS. Jane Liu, thành công của một vườn ươm được nhìn thấy rõ nhất qua lượng vốn mà vườn ươm thu hút về cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bên cạnh đó là mạng lưới kết nối trong nước – quốc tế mà vườn ươm xây dựng được để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác.
Nhưng muốn có được thành công, bà cho rằng, một vườn ươm cần ba yếu tố.
Một bộ máy nhân sự chuyên nghiệp với những cá nhân am hiểu công việc của mình.
“Lòng nhiệt thành” của tất cả những người trực tiếp vận hành hoặc có liên quan, ảnh hưởng tới công việc và các hoạt động của vườn ươm (thậm chí còn quan trọng hơn thứ nhất). Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo và các nhà quản lý trường đại học, lãnh đạo vườn ươm, và bộ máy nhân viên của vườn ươm. TS, Jane Liu cho biết, Trung tâm Ươm tạo của bà còn có một đội ngũ những người tình nguyện viên vô cùng hăng hái, đó chính là các sinh viên đại học. Họ rất nhiệt tình đóng góp công sức vào các hoạt động của vườn ươm, bởi đó là cơ hội để họ hiểu về công việc, môi trường, các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp, một bước đệm hữu ích cho sự nghiệp tương lai.
Vườn ươm phải xác định một mục tiêu rõ ràng và có tính thực tế để hướng tới. “Tại Trung tâm Ươm tạo thuộc Đại học Công nghệ Chaoyang, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi khi ươm tạo các doanh nghiệp không phải là nhằm triển khai các ứng dụng công nghệ mình có, mà là làm sao để mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có tính khả thi và mang lại thành công cho doanh nghiệp”, TS. Jane Liu khẳng định.
Mô hình kinh doanh của Trung tâm Ươm tạo do TS. Jane Liu điều hành là thu tiền thuê cơ sở và dịch vụ do doanh nghiệp đóng. Bà cho biết thông thường sau ba năm ươm tạo, trên 50% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ trụ lại và được đưa ra chào bán trước công chúng lần đầu, qua đó giá trị cổ phần sẽ tăng 150-180%.
UBI Index là tổ chức hàng đầu trên thế giới về phân tích, đánh giá, xếp hạng các vườn ươm tạo doanh nghiệp. Bằng một hệ thống tiêu chí toàn diện, UBI Index đưa ra đánh giá đối với hơn 300 vườn ươm công nghệ của 67 nước tham gia.
Ba mảng chính được đánh giá là: giá trị đối với hệ sinh thái (“ecosystem”) của các doanh nghiệp khởi nghiệp, giá trị đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, sức hấp dẫn của chương trình ươm tạo. Tổng cộng có hơn 60 tiêu chí đánh giá được dùng để so sánh các chương trình ươm tạo trên toàn thế giới.
Điều thú vị là kết quả đánh giá của UBI Index cho thấy đa số các đại học hàng đầu thế giới (theo xếp hạng của Times Higher Education Ranking) không phải là nơi hình thành nên những vườn ươm tạo doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao nhất, cho dù có trong tay những lợi thế về danh tiếng, các mối quan hệ, đặc biệt là nguồn nhân lực, tri thức chất lượng cao - trong tốp 25 vườn ươm tạo hàng đầu của UBI Index, chỉ có vài trường đại học được coi là hàng đầu thế giới. “Điều này chứng minh cho giả thuyết của chúng tôi rằng việc tạo ra một chương trình ươm tạo có sức cạnh tranh cao trước hết đòi hỏi trường đại học phải đặt ra mục tiêu rõ ràng và tập trung theo đuổi nó”, nhận định từ Dhruv Bhatli, nhà đồng sáng lập và giám đốc nghiên cứu của UBI Index.
UBI Index đã cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ của các vườn ươm tạo châu Á, đã tạo ra số lượng công ăn việc làm nhiều gấp đôi các vườn ươm tạo của châu Âu, cho dù các vườn ươm châu Á chỉ đòi hỏi lượng kinh phí bằng một nửa so với châu Âu.
Nước Mỹ vẫn là nơi có vườn ươm tạo mạnh nhất (Rice Alliance of Technology and Entrepreneurship của Đại học Rice) và có nhiều vườn ươm nhất trong tốp 25 (có bốn vườn ươm). Nhưng Trung Quốc cũng rất đáng gờm, với một vườn ươm đứng thứ ba (Công viên Khoa học Đại học Quốc gia Hoa Nam của Đại học Hoa Nam).
Vương Quốc Anh, cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, ngày nay chỉ có duy nhất một vườn ươm trong tốp 25 (mặc dù đây là vườn ươm mạnh thứ hai trên thế giới), trong khi Đài Loan, Thụy Điển, Chile đều có hai vườn ươm trong tốp này. |
|