Bản in
Đổi mới sáng tạo, yếu tố quyết định tăng trưởng bền vững
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, tăng trưởng về năng suất lao động sẽ là yếu tố quyết định mức độ tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước. Động lực quan trọng nhất quyết định sự gia tăng về năng suất chính là đổi mới sáng tạo, cụ thể hơn là đổi mới sáng tạo về công nghệ thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D.

Nước ta có nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam xếp thứ 8 về điểm số môn khoa học trong số 65 quốc gia tham gia Chương trình PISA 2012. Kết quả này cùng với thành tích cao của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi Olympic toán hóa, hóa học, vật lý thời gian qua cho thấy tố chất và năng lực khoa học công nghệ của lớp trẻ Việt Nam. Về khoa học, nước ta có lợi thế đáng kể về ngành khoa học trái đất và môi trường, cũng như nghiên cứu y sinh học.

Mặt khác, chính sách pháp luật về KHCN liên tục được hoàn thiện và đổi mới, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích hoạt động R&D. Người Việt nói chung rất có tinh thần kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Tính đến đầu tháng 7, cả nước có trên 457.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra, có hàng nghìn viện, trường, trung tâm có chức năng R&D trên cả nước. Trong tất cả những tiềm năng này, tố chất người Việt là một lợi thế quan trọng có thể tạo ra nền tảng thành công trong hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc tạo động lực kéo cỗ máy nền kinh tế chuyển động theo hướng tăng trưởng cao, bền vững. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo Chuyên gia Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới Vũ Lan Anh, năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở mức rất thấp so với khu vực và quốc tế. Giáo dục và đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu thị trường. Lợi thế vốn con người đã không được phát huy tích cực, trở thành rào cản của quá trình đổi mới, sáng tạo. Người giỏi, người tài tấp nập lên tàu đến với bến đỗ là các nền kinh tế phát triển.


Nguồn: ITN

Tổng đầu tư R&D của Việt Nam hiện chưa đến 0,5% GDP, trong khi các quốc gia khác đầu tư rất lớn cho hoạt động này. Các kết quả và thành tựu KHCN mới chỉ nằm ở góc độ nghiên cứu, Việt Nam chưa có khả năng huy động và sử dụng các kiến thức mới, thành tựu KHCN mới cho các mục đích xã hội và thương mại. Chúng ta cũng chưa làm chủ được các loại công nghệ nguồn, công nghệ cao để có thể thúc đẩy sự phát triển về chất của KHCN. Suy cho cùng, sự yếu kém trong hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo vẫn nằm ở việc thiếu vốn tài chính và vốn con người.

Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, hội nhập hiện nay, đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất được bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Những tiến bộ trong khoa học và trong R&D đòi hỏi sự kết hợp giữa các hỗ trợ từ Nhà nước và sự sáng tạo, tinh thần kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, tư nhân. Theo bà Vũ Lan Anh, để thúc đẩy sáng tạo, trước hết, chúng ta cần phải cải thiện nguồn vốn con người. Hoạt động giáo dục cần theo hướng chủ động, thúc đẩy năng lực sáng tạo, kỹ năng kết nối, tăng cường sự liên kết theo chuỗi giữa nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế đặc biệt, thu hút người tài trong và ngoài nước làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động trao đổi sinh viên và hợp tác quốc tế về R&D, biến quá trình chảy máu chất xám thành thu hút chất xám.

Song song với đó, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cần cụ thể hóa bằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hội nhập và liên kết trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chính sách thuế khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN. Triển khai triệt để việc thực hiện Nghị định 115 để các tổ chức KHCN công lập có thể được cởi trói và đáp ứng yêu cầu của thị trường và xã hội. Đưa ra các chính sách tạo môi trường để kết nối và lắp ghép giữa các viện, trường nghiên cứu Việt Nam và quốc tế để tăng cường hợp tác, học tập, trao đổi, hấp thụ công nghệ và chuyển đổi các thành tựu của quốc tế thành các thành tựu trong nước.

Hiện tại, QH đang thảo luận xem xét sửa đổi pháp luật về đầu tư, kinh doanh theo hướng khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh, phát triển các dự án công nghệ cao; tới đây cũng sẽ xem xét về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức KHCN đặc biệt. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, kết hợp với những thay đổi lớn trong chính sách pháp luật KHCN với việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, R&D, sẽ tạo ra một động lực mới đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Khi đổi mới sáng tạo trở thành một phong cách sống trong xã hội, tất yếu sẽ đưa đất nước đi theo con đường tăng trưởng bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển giàu mạnh.