Bản in
'Trong 10 năm tới đất hiếm chưa mang lại giá trị kinh tế lớn'
Trao đổi với báo chí ngày 2/11, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, khai thác đất hiếm tuy không mang lại nhiều giá trị kinh tế trước mắt song có thể giúp VN xây dựng mô hình hợp tác với Nhật trong các lĩnh vực khác.

- Có ý kiến nói chúng ta không nên quá hồ hởi với đất hiếm vì nhu cầu của Nhật Bản tương đối thấp, giá trị kinh tế mỗi năm không cao?

- Theo các nhà khoa học, trữ lượng đất hiếm của VN đứng trong top 5 hoặc top 3 của thế giới với tổng trữ lượng thăm dò khoảng 22 triệu tấn. Đây là nguyên tố chiến lược của ngành công nghệ cao. Tôi được biết một số quốc gia, công ty nước ngoài khác có quan tâm nhưng quan tâm trực tiếp nhất là Nhật Bản.

Quan hệ Nhật - Việt là quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện về cả chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, nếu chúng ta đáp ứng được nhu cầu của Nhật Bản và trên cơ sở hai bên cùng có lợi thì cùng khai thác. Giá trị kinh tế trong dăm năm, thậm chí 10 năm nữa chưa phải lớn, nhưng với trữ lượng hiện có thì tiềm năng kinh tế trong tương lai xa là lớn.

Quặng đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất, đa số chúng được dùng trong lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng. Người ta dùng 17 nguyên tố trong đất hiếm để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi dùng cả xăng và điện, nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ và cả các thiết bị trong vũ trụ...

- Đối với dự án bô xít đang có ý kiến khác nhau về hiệu quả kinh tế, với đất hiếm thì sao?

- Đây làloại khoáng sản có giá trị rất cao. Tuy vậy điều đó không đồng nghĩa với việc khai thác kiểu gì cũng có lãi. Vì thế phải tính. Quyết tâm chính trị của hai chính phủ là lớn nhưng cũng phải đưa nó vào vận hành dự án Nhật-Việt cũng còn rất nhiều bước đi.

Bôxít có sản lượng và quy mô khai thác rất lớn, còn đất hiếm thì không phải phân bố trên toàn diện tích như bô xít mà chỉ ở một điểm tập trung. Quy mô và sản lượng khai thác đất hiếm không lớn nhưng chúng ta hợp tác với một đối tác có truyền thống hợp tác tốt, có sự quán triệt về chính trị từ trên xuống dưới thì sự hợp tác này sẽ lâu dài theo tinh thần đối tác chiến lược. Tôi tin rằng khai thác đất hiếm sẽ có hiệu quả kinh tế tốt.

- Khai thác đất hiếm đòi hỏi vốn và công nghệ phức tạp như khai thác bô xít không, thưa ông?

- Phức tạp hơn nhiều. Theo tôi nghĩ, đất hiếm là một loại tài nguyên rất có giá trị nhưng không giống như khai thác bô xít (sản lượng quy ra tấn) mà có thể chỉ tính bằng gram. Công nghệ xử lý là công nghệ cao cần phải luyện rất kỹ. Có điều kiện tiếp xúc với một số nghị sĩ và công ty Nhật Bản, tôi thấy họ đều cam kết bảo đảm khai thác bằng công nghệ cao, tận dụng triệt để hàm lượng đất hiếm có trong quặng.

Công nhân đất hiếm ở Trung Quốc. Quốc gia này chiếm phần lớn nguồn cung tài nguyên này trên thế giới. Ảnh: Reuters.

- Việc khai thác đất hiếm có tác động tới môi trường như thế nào?

- Đi kèm theo đất hiếm bao giờ cũng kèm theo những loại chất có thể gây hại cho môi trường. Nói chung khai thác khoáng sản luôn luôn ảnh hưởng tới môi trường. Nhưng cần nhìn nhận là các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đi đầu trong vấn đề công tác lao động và công tác với người lao động.

- Trước đây một số công ty của Tiệp Khắc từng vào thăm dò, khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Những tài liệu cũ sẽ giúp ích gì cho việc khai thác hiện nay?

- Các đơn vị này mới ở công đoạn thăm dò, lấy mẫu thử nhưng chưa bắt tay vào khai thác vì lúc đó bắt đầu tan rã hệ thống XHCN ở Đông Âu, nền kinh tế sa sút và họ không tiếp tục.

Những tài liệu của Tiệp Khắc để lại có những thông số khá kỹ. Ví dụ như ở vùng Đông Pao (Lai Châu) có khoảng 60 thân quặng, trong đó có những thân quặng F1, F3 rất có tiềm năng và người dân đã đào bới mang đi bán. Vừa rồi chính quyền phải cấm. Tất nhiên nếu đi vào khai thác sau này phía Nhật Bản chắc chắn phải kiểm tra lại xác suất để xem độ tin cậy của tài liệu cũ, từ đó xác định công nghệ khai thác, đặt nhà máy luyện ở đâu...

Ảnh:
Các thành phần trong đất hiếm được dùng vào nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng. Ảnh: theeconomiccollapseblog.com.

- Nếu việc hợp tác thuận lợi, khi nào có thể bắt đầu khai thác, sản xuất các sản phẩm từ đất hiếm?

- Nếu khẩn trương thì việc điều tra, thăm dò có thể triển khai ngay trong năm nay và cuối kế hoạch 5 năm tới, tức năm 2015 là có sản phẩm.

Cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, tài nguyên đất hiếm ở VN được xác định đứng trong top 5 thế giới. Khu vực phân bố chủ yếu ở Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Cho đến thời điểm này, VN chưa khai thác đất hiếm. Hiện đã điều tra thăm dò xong đối với một mỏ ở Lai Châu, 3 - 4 mỏ khác đang chuẩn bị các thủ tục xin cấp phép điều tra đánh giá.

Ngoài những tác động đến môi trường giống như các hoạt động khai thác các khoáng sản khác, việc khai thác đất hiếm ở nước ta phải đối mặt với nguy phát tán chất phóng xạ. Đất hiếm ở khu vực Tây Bắc nước ta có chứa chất phóng xạ với hàm lượng khá cao, vì thế, khi khai thác, cần quan tâm đến công tác môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng của chất phóng xạ. Cũng theo Cục này, VN không bán thô đất hiếm. Trước mắt, đối với mỏ mới cấp ở Lai Châu, TKV và các đối tác buộc phải phải xây nhà máy chế biến ở VN, tiến hành chế biến cho ra đến sản phẩm dạng tinh mới cho xuất. Tất cả các mỏ cấp sau này cũng sẽ phải tuân thủ nguyên tắc này.

 

Vnexpress