Đầu năm 2014, khi nhiều Luật và quy định mới có hiệu lực, người ta đã nhận ra sự trùng hợp giữa hai ngành Khoa học - Công nghệ (KHCN) và Giáo dục – Đào tạo (GDĐT).
Đó là trong nhiệm kỳ này, nếu ở ngành KHCN, Trung ương ban hành Nghị quyết về phát triển KHCN, Quốc hội thông qua Luật KHCN sửa đổi…thì ở lĩnh vực GDĐT, Trung ương cũng thông qua Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; Quốc hội thông qua luật Giáo dục Đại học.
Nói chuyện với Hiệu trưởng các trường ĐH tuần trước, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, trước kia và sau này, khó có thế hệ nào được đặt vào điều kiện như hiện nay. Bởi những người làm giáo dục đại học trước kia chưa có luật làm căn cứ; còn những người làm quản lý sau này lại thụ hưởng Đề án đổi mới và Luật Giáo dục Đại học.
“Lịch sử đã lựa chọn chúng ta” – người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định.
Người khởi xướng những thay đổi về KHCN
Bộ trưởng Nguyễn Quân sinh 1955 ở Thái Bình. Ông từng làm giảng viên rồi Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi chuyển sang Bộ KHCN, làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng.
Là nhà khoa học nhưng lại được đào tạo thêm về quản lý và kinh tế ở Viện Kỹ thuật châu Á (Thái Lan), Bộ trưởng Nguyễn Quân có công rất lớn trong việc hoạch định các chính sách mới, phát triển KHCN: Luật KHCN sửa đổi (năm 2013) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn; xây dựng viện VKIST theo mô hình mới, gắn giữa đặt hàng và nghiên cứu; thúc đẩy việc thương mại hóa sản phẩm qua các Quỹ đầu tư và mô hình “Thung lũng Silicon” của Việt Nam…
Vị thế của giới làm nghiên cứu từng bước được nâng lên, các thủ tục “kìm chân” nhà khoa học đang dần được tháo gỡ, điều kiện vật chất cho nhà khoa học sẽ dần được cải thiện, những phát minh của các viện, trung tâm…đang được truyền thông rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp, tạo sự thông hiểu và tăng tiềm năng đầu tư, phát triển KHCN.
Người tiên phong đổi mới Giáo dục
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sinh 1955, ở Hà Nội. Ông từng là giảng viên rồi làm Hiệu trưởng ĐH Thương mại. Sau đó ông chuyển sang Bộ GDĐT làm Thứ trưởng rồi làm Bộ trưởng.
Tại phiên họp cuối năm 2013, trước việc “kêu ca” của một số trường về khó khăn trong ra đề riêng, “Tư lệnh” ngành Giáo dục đã chỉ đạo: vì lợi ích của học sinh và đất nước, các trường phải nhận lấy phần khó về mình (là khâu ra đề), để đổi mới tuyển sinh ĐH, tạo điều kiện đổi mới dạy và học phổ thông.
Thực tế là từ nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã âm thầm chuẩn bị cho công cuộc đổi mới này. Các thí điểm về sách giáo khoa mới, cách tuyển sinh tiên tiến theo các chuẩn của nước ngoài (SAT, GMAT)…đã được áp dụng thành công, trong phạm vi hẹp. Từ đó có cơ sở để mở rộng trên cả nước.
Giáo dục sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phát triển năng lực phẩm chất của người học. Tức là vẫn có dạy, có truyền thụ kiến thức, nhưng nếu trước đây việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu, là nhiệm vụ chủ yếu và duy nhất thì nay, việc truyền thụ kiến thức là con đường, công cụ, phương thức để dẫn dắt các cháu hình thành năng lực và phẩm chất.
Theo đó, ở bậc tiểu học hàm lượng dạy nhiều, càng lên lớp trên, việc dạy càng giảm đi. Vai trò của người thầy không chỉ còn là truyền thụ kiến thức mà còn phải là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn giúp đỡ cho học sinh tự học, tự tìm hiểu…
Một nền Giáo dục thực học, thực hành, thực chất đang được xác định ngày càng rõ ràng, khiến tương lai của những mầm non nước nhà thêm tươi sáng...
Năm mới, người dân mong muốn hai “thầy giáo làm Bộ trưởng” có sức khỏe tốt và kiên định, sáng tạo trên con đường đổi mới phía trước.
|