Đầu tư cho truyền thông còn rất hạn hẹp
Trong thực tế việc đầu tư cho truyền thông còn bị xem nhẹ. Thâm chí có nơi còn xem là việc làm kém hiệu quả. Tại địa phương, hoạt động truyền thông KH - CN hiện nay chủ yếu do các trung tâm thông tin KH - CN của 63 sở KH - CN chịu trách nhiệm, ngoài ra, còn có các phòng quản lý KH - CN của các sở cũng tham gia các hoạt động truyền thông; các tổ chức KH - CN, các sở, ban, ngành là những tổ chức chủ trì thực hiện các đề tài, dự án KH - CN…Việc truyên thông vẫn mang tính kiêm nhiệm, thời vụ mà thiếu tính chuyên nghiệp, định hướng lâu dài, có bài bản.
Nguồn: ubvk.hochiminhcity.gov.vn
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hoạt động truyền thông chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tại địa phương. Còn tại các tỉnh bắc Trung bộ, hoạt động này đã tập trung giới thiệu, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật KH - CN đến tận cơ sở và người dân. Hệ thống thông tin KH - CN tại các tỉnh nam Trung bộ và Tây nguyên đã đa dạng hơn, ngoài việc giới thiệu các tiến bộ KH - CN xuống cơ sở còn phục vụ thông tin cho công tác lãnh đạo và chỉ đạo. Các sở KH - CN xuất bản định kỳ các ấn phẩm thông tin, trong giai đoạn 2009 - 2011 đã phát hành khoảng 147 số ấn phẩm. Một số địa phương đã thúc đẩy mạng dịch vụ thông tin KH - CN phục vụ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghiệp…
Phương thức truyên thông còn đơn điệu, hình thức chưa thực sự đi sâu, chưa có khả năng hướng vào nhiều đối tượng khác nhau mang tính thay đổi nhận thức và giáo dục đam mê KHCN. Vấn đề khoa học thường thức, khoa học phục vụ đời sống còn mờ nhạt chưa lôi cuốn được sự quan tâm của xã hội... Có một thực trạng là những người làm khoa học, nhà khoa học thường ít viết bài nên các bài báo trên các phương tiện truyền thông KH - CN đến với công chúng còn nghèo nàn. Các thông tin KH -CN đều được biên soạn ở dạng báo cáo khoa học khô khán nên nhìn chung công chúng khó tiếp nhận.
Nguồn: khoahoc.com.vn
Nâng cao nhận thức về của KH - CN trước hết ở vai trò của truyền thông
Thời gian qua hoạt động thông tin KH - CN có nhiều bước phát triển với nhiều hình thức khác nhau, với những mô hình mới được đưa và sản xuất, phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu KH - CN và nâng cao kiến thức KH - CN cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH - CN địa phương, Bộ KH - CN Hồ Ngọc Luật cho rằng, đội ngũ làm công tác truyền thông chưa được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn; phương tiện tác nghiệp còn hạn chế; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú… Nhưng theo ông Luật, có tồn tại lâu nay là các phương tiện thông tin đại chúng công lập và ở cấp TƯ cũng như địa phương chưa dành thời lượng cần thiết cho công tác truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách, pháp luật về KH - CN; đầu tư cho truyền thông rất hạn hẹp…
Hoạt động truyền thông KH - CN nhằm góp phần tạo ra một xã hội đổi mới sáng tạo, một thế hệ nhà khoa học, doanh nhân kiểu mới tận tụy nghiên cứu, ứng dụng KH - CN gắn với nhu cầu của đất nước; tạo cơ sở nền tảng KHCN cho đất nước và gắn với hoàn cảnh, môi trường hội nhập và phát triển hiện đại. Do vậy, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KHCN trước hết là nhận thức về vai trò của truyền thông KHCN cần đi tiên phong. Công tác truyền thông KH - CN cần đâu tư, phát triển mạnh mẽ, bài bản có định hướng lâu dài, tạo điều kiện cho toàn xã hội tiếp cận và giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ đam mê KHCN. Những cống hiến cho KHCN cần được tôn vinh, khích lệ tinh thần say mê sáng tạo, cống hiến tài năng và sức lực… Truyền thông KH - CN nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động KH - CN, vai trò của KH - CN; thông qua đó làm cho xã hội hiểu đúng về KH - CN, về vai trò của KH - CN đối với sự phát triển và là cầu nối cung cầu giữa hoạt động KH - CN với sản xuất và đời sống.
Để công tác truyền thông KH - CN đạt hiệu quả, cần tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức triển lãm, xây dựng bảo tàng KH - CN, tuyên truyền trên các thông tin đại chúng… Mặt khác, cần giao trách nhiệm tổ chức KH - CN công lập về công tác tuyên truyền KH - CN, cụ thể là các viện, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Bởi vì sẽ rất lãng phí khi các tổ chức, đơn vị này có nhiều đề tài nghiên cứu, thành tựu nhưng chưa đến được với người dân, doanh nghiệp. Theo ông Hồ Ngọc Luật lãnh đạo địa phương phải là những người đi đầu trong công tác truyền thông KH - CN. Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng nước ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, do vậy cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông KH - CN.
Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2012, các địa phương trên cả nước đã thực hiện 10.286 đề tài, dự án cấp tỉnh và thành phố. Ngoài ra, dự án cấp tỉnh, các địa phương còn thực hiện hơn 21.000 đề tài, dự án, mô hình KH - CN cấp cơ sở. Trong số 10.286 đề tài dự án có: 10% số đề tài thuộc khoa học tự nhiên; 22,67% số đề tài thuộc khoa học kỹ thuật và công nghệ; 9,22% tổng số đề tài thuộc khoa học y dược; 34,33% tổng số đề tài thuộc khoa học nông nghiệp; 19,30% tổng số đề tài thuộc khoa học xã hội… |
|