Ngày 23.9, Công ty Monsanto đã thu hoạch giống ngô biến đổi gene được trồng thử nghiệm tại Việt Nam. Tiếp theo, công ty Syngenta cũng đã thu hoạch một lứa tương tự.
Trồng trước, thử nghiệm sau?
Đây là các giống ngô có gene biến đổi kháng sâu đục thân châu Á, kháng thuốc trừ sâu và kháng cả hai loại trên được trồng thử nghiệm trên diện hẹp vụ đầu tiên tại Việt Nam. Theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) : “Năm 2011 – 2012, ngô biến đổi gene sẽ được chính thức cho các đơn vị và nông dân được phép trồng đại trà”.
Tuy nhiên, GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tiết lộ: Dù không chính thức công bố nhưng bông biến đổi gene được trồng ở Việt Nam từ hơn 5 năm trước. Ước tính tỉ lệ bông biến đổi gene chiếm 80 – 90% tổng diện tích. Hiện nay, diện tích bông tuy giảm nhiều, nhưng tỉ lệ giống biến đổi gene vẫn không thay đổi. Đây là giống bông đã được thử nghiệm một cách nghiêm túc và đã cho trồng đại trà tại Trung Quốc. Việt Nam nhập về không làm lại thử nghiệm từ đầu mà đưa thẳng ra đồng ruộng để gieo trồng. Giống bông biến đổi gene này chủ yếu là kháng sâu. Nếu không có loại gene kháng sâu này thì cây bông có rất nhiều sâu và phải phun thuốc trừ sâu rất tốn kém, nông dân khó có lời.
TS Nguyễn Du Sanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cũng đồng ý cho rằng: Một số loại bắp biến đổi gene đã được nông dân trồng đại trà, tuy nhiên do nông dân không biết mà thôi.
Không thể không trồng
Ngày 27.9, Hội thảo “Lợi ích của cây trồng biến đổi gen đối với an ninh lương thực và phát triển bền vững” đã diễn ra tại TP.HCM.
Đây là hội thảo lần thứ ba về lĩnh vực công nghệ sinh học được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức.
Theo thông tin tại Hội thảo, tổng diện tích gieo trồng của cây trồng biến đổi gene trên thế giới (đậu nành, ngô, bông vải) là 134 triệu ha. Lợi nhuận đem lại của loại cây trồng mới này trong năm 2008 ước tính là 9,2 tỉ USD.
|
Năng suất ngô trung bình trong nước tương đối thấp (khoảng 4 tấn/ha). Nếu năng suất tăng thêm 1 tấn mỗi ha thì không phải nhập khẩu ngô như hiện nay. “Chính vì phải nhập khẩu ngô để làm thức ăn chăn nuôi nên giá thịt heo của Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới”, TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM nói.
Với nông dân, cây nào ít sâu bệnh, dễ sống, năng suất cao… lợi nhuận tăng sẽ được họ ủng hộ. Các loại cây lương thực, ngũ cốc trong lương lai ngoài việc đảm bảo nuôi sống, còn đóng vai trò như một thực phẩm chức năng. Tất nhiên, trước khi cho phép trồng sản xuất ở quy mô hàng hóa phải được thử nghiệm một cách nghiêm túc về an toàn sinh học, cân bằng sinh thái… Các loại cây trồng biến đổi gen được phép trồng ở các nước hiện nay đều đáp ứng được các tiêu chí này.
TS Reynaldo V. Ebora, giám đốc Viện Quốc gia về sinh học phân tử và công nghệ sinh học tại Đại Học Los Banos (Philippines), chuyên gia về cây trồng biến đổi gene khuyến cáo: “Việc thử nghiệm trên diện hẹp, diện rộng đối với cây trồng biến đổi gen phải được thực hiện ở nhiều vùng khác nhau, chứ không thể làm ở miền Nam, miền Trung, hoặc miền Bắc rồi đem áp dụng ra cả nước”.
Đất Việt
|