|
|||
Việc biến khoa học thành “một doanh nghiệp lớn” đã không lường trước được một số quy tắc trong khoa học không phù hợp với mô hình này. Đáng lưu ý hiện có gần 80% các nghiên cứu lâm sàng y học do các công ty dược tài trợ. Phần lớn các nghiên cứu khoa học tiến hành trong bộ đôi quyền lực này lại có các tiêu chuẩn khoa học bị thay đổi liên tục, nhiều khi không theo những nguyên tắc ‘khoa học’ mà chỉ thích nghi với môi trường thực tế. Đồng quan điểm, Giáo sư Ferric Fang tại Khoa Y học, Đại học Washington cũng cho rằng, mức độ tài trợ cho khoa học ngày nay không đủ đã tạo ra một cuộc cạnh tranh cao. Nếu phát triển được nguồn lực tốt hỗ trợ các đơn vị khoa học thì sẽ không chỉ làm giảm các hành vi sai trái mà còn cải thiện cuộc sống của tất cả các nhà khoa học và cho phép họ dành nhiều thời gian vào giải quyết các vấn đề nghiên cứu thay vì việc phải xoay sở tìm các quỹ tài trợ. Ở không ít nước, muốn nhận được tài trợ thì các nhà khoa học phải công bố được các công trình khoa học, cụ thể là các bài báo trên những tạp chí uy tín như Nature chẳng hạn. Áp lực bài báo và kinh phí tài trợ sẽ khiến các tác giả dễ theo xu hướng chứng minh tính khả thi của giả thuyết đưa ra, thậm chí ngay cả khi có những bất ổn thực tế trong nghiên cứu. Theo một thống kê ước tính từ năm 1990 đến năm 2007, số báo cáo khoa học hỗ trợ giả thuyết nghiên cứu tăng cao lên đến 22%. Nhưng, cơ chế kiểm duyệt cũng tồn tại không ít khiếm khuyết. Hội đồng biên tập phải có chuyên môn sâu, mất nhiều thời gian để kiểm duyệt trong khi lại ít ưu đãi cho người biên tập. Ngoài ra, hội đồng không phải ai cũng có trách nhiệm làm việc này, thậm chí còn có sự liên kết ‘ngầm’ trong xuất bản bài báo khoa học. Đặc biệt, sự xuất hiện hàng loạt các tạp chí giả, hiện tượng mua bán bài báo, đứng tên để được nổi tiếng, thiếu cơ chế bảo vệ cho người tố giác những sai phạm…đã góp phần làm tăng sự dối trá trong khoa học. Quá trình vực lại niềm tin cho công chúng đối với khoa học đòi hỏi sự cải tổ của cả hai chiều cạnh: nhà khoa học và cơ chế. |