|
|||
Những thanh âm trầm bổng, nồng nàn, lúc dìu dặt, buông lơi, khi lại vút cao, réo rắt đầy hân hoan. Ngỡ đâu đó là một nghệ sỹ chuyên nghiệp, chứ không phải chỉ là một người chơi nhạc ngẫu hứng vì say mê, một nhạc công trong các đám cưới và… đơn giản chỉ là một người nông dân. Nhưng câu chuyện về anh không chỉ dừng lại ở đó. Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn đó là người nông dân “chân đất” 37 tuổi vàchỉ mới học hết lớp 8 ấy lại sáng chế thành công nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp - anh là Nguyễn Hồng Chương, thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Kết thúc buổi diễn, khi biết tôi là phóng viên, mặc dù đã đôi lần được phỏng vấn nhưng anh vẫn có phần ngần ngại. Anh không thích nói nhiều về bản thân mình, vậy mà khi kể về máy móc lại rất hồ hởi. Gặng hỏi mãi, anh mới “hé lộ” đôi chút về bản thân. Chất giọng gãy gọn, rắn rỏi, anh bảo, anh sinh ra trong một gia đình làm nông có đến 10 anh chị em ở vùng di dân Thiên Chúa giáo toàn tòng, có cha là nhạc công trong dàn nhạc nhà thờ của giáo xứ. Vì cuộc sống khó khăn, hết lớp 8, anh nghỉ học để phục vụ kinh tế gia đình vừa làm thuê, làm mướn, rồi làm nông, vừa chơi nhạc trong các đám cưới, trong nhà thờ... suốt 25 năm. Cho đến cách đây 5 năm, trong một lần đến nhận cây giống tại vườn ươm, nhìn thấy lượng nhân công làm việc rất nhiều mà hiệu quả không cao vì làm theo phương thức thủ công, anh hình thành ý tưởng chế tạo chiếc máy gieo hạt giống. Đơn Dương là huyện có diện tích canh tác rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng (17.000ha), hiện có khoảng 80 cơ sở ươm cây giống rau, hoa để cung cấp cho các nông hộ. Hơn chục năm qua, muốn ươm cây giống rau, hoa bà con thường gieo ra luống đất rồi bứng ra đồng ruộng, có vài cơ sở cũng gieo trong vỉ xốp, nhưng phải thuê nhân công cho đất vào vỉ và gieo hạt bằng tay tốn rất nhiều công sức, thời gian. Chính vì thế, khi chiếc máy gieo hạt giống đầu tiên của anh ra đời nhận được không ít sự thán phục của bà con nông dân Lạc Lâm. Chiếc máy giúp giảm được rất nhiều công lao động (khoảng 10-12 lao động/1 ngày), hơn thế hạt giống không bị rơi vãi trong quá trình gieo và được bỏ chính xác vào vị trí trên vỉ xốp. Cây phát triển nhanh hơn, khi gieo ươm trong vỉ xốp bằng công nghệ và mang ra đồng ruộng trồng thì không bị ảnh hưởng nhiều đến bộ rễ, trồng xong cây sẽ sống ngay. Đã qua 5 năm, hệ thống máy vẫn chạy ổn định. Những ngày đầu, máy chạy được từ 200-250 vỉ/1h, nhưng hiện nay máy đươc cải tiến chạy lên tới 300 vỉ/1h. Hầu hết cơ sở ươm giống ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng đều dùng loại máy do Hồng Chương chế tạo.
Sau thành công của máy gieo hạt, anh Chương tiếp tục chế tạo thành công nhiều loại máy khác như máy đóng bầu đất có năng suất từ 800-840 vỉ/h; máy xay đất mùn, trộn phân năng suất có thể xay được từ 2-4m3/h; máy đóng chậu công suất 1.200-1.250 chậu/giờ; băng tải đất để vận chuyển đất đến nơi quy định tiết kiệm được khoảng 3-5 lao động/ngày, năng suất từ 3-5m3/h… Tính ra anh đã sáng chế được cả chục loại máy dùng trong nông nghiệp. Khi tôi hỏi chiếc máy được chế tạo trong bao lâu? Anh hào hứng cho biết, chiếc máy gieo hạt nghiên cứu trong 2 tháng, còn những máy khác chỉ 1 tháng. Tất cả các linh kiện máy móc đều tự chế, 100% made in Việt Nam, máy chỉ rẻ bằng 1/3 các máy tương đương của nước ngoài nhập, hoạt động bằng cơ nên năng lượng điện chỉ tiêu tốn 0,5-0,6 kw/h, giảm được chi phí cho năng lượng. So sánh với máy nước ngoài nhập về, thì trong 1 giờ chỉ đạt được 150-180 vỉ, giá thành cao. Đơn cử một chiếc máy gieo hạt của Australia có giá 12.000 USD, tiêu thụ điện năng từ 3-5kW/giờ. “Sắp tới chúng tôi sẽ cho ra đời một máy gieo hạt thế hệ mới nữa có thể gieo được 840 vỉ/h cho đến 1.000 vỉ/h” anh tự tin chia sẻ. Đến nay, anh Chương đã bán được gần 1.000 chiếc máy, khu vực sử dụng nhiều nhất là Lâm Đồng và một số tỉnh phía Bắc và miền Trung. Nhưng bất ngờ nhất đối với Hồng Chương là vào đầu năm 2011, có 2 doanh nghiệp ở Malaysia và Đài Loan tìm đến xem cơ ngơi của Hồng Chương và trực tiếp đặt hàng. Đầu tháng 4/2011, Hồng Chương xuất khẩu chiếc máy gieo hạt đầu tiên sang Malaysia. Chỉ 10 ngày sau, phía Malaysia, báo cho anh biết máy hoạt động tốt và đặt hàng tiếp 5 máy gieo hạt, 5 máy dồn đất vào vỉ xốp có tổng trị giá 25.900 USD (trên 500 triệu đồng). Hiện anh Chương đang làm chủ một xưởng sản xuất 600m2, với gần 10 lao động, mức lương từ 4-4,5 triệu/tháng. Anh dự định năm nay nếu được sự giúp đỡ về kinh phí nghiên cứu và nguồn vốn sản xuất sẽ mở rộng xưởng sản xuất lên tới 2.000m2. Nhớ lại quãng thời gian trước khi chế tạo chiếc máy đầu tiên, giọng anh trầm hẳn xuống, anh bảo đó là một quãng thời gian thực sự khó khăn khi kinh phí ban đầu để sản xuất một chiếc máy rất cao và nghiên cứu thì vô cùng nhiều công đoạn. Anh đã từng ngỏ ý với các chủ vườn để họ cấp vốn cho anh thực hiện ý tưởng chiếc máy gieo hạt, nhưng không có chủ vườn ươm nào dám đầu tư vì sợ rủi ro. Anh phải gom góp dành dụm tiền từ những buổi biểu diễn nhạc phục vụ tại các đám cưới và lễ tết trong vùng, thậm chí mượn cả sổ đỏ của anh trai thế chấp ngân hàng vay 40 triệu đồng mua sắm các thiết bị sáng chế máy… Câu chuyện của anh Chương càng làm tôi tin về tiềm năng sáng tạo từ những người nông dân Việt Nam còn rất lớn. Tạm gọi anh là một “nông dân nghệ sỹ”, một “nhà khoa học chân đất”. Những điều tưởng như không thể dung hòa: giữa âm nhạc và khoa học lại đều có thể dung hòa trong anh. Và biết đâu, chính đam mê âm nhạc đã cho anh những phút giây thăng hoa để có những sáng kiến mới…/. |