Ngày 8/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án ĐSCT Hà Nội - TP HCM sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày báo cáo giải trình bổ sung dự án này.
“Nàng tiên” và câu chuyện… tiền
“Tôi chưa ủng hộ chủ trương ngay tại kỳ họp này, kể cả trong nhiệm kỳ này và một vài nhiệm kỳ tới vì chúng ta phải xem tiềm lực kinh tế và năng lực quản lý điều hành của chúng ta như thế nào”, ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) nêu quan điểm. Theo ông Thuận, nên để đến năm 2020, khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, “con cháu chúng ta lúc đó thông minh hơn, giỏi hơn, chắc chắn chúng sẽ tính”.
“Đây là một dự án đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Tại sao đầu tư 50 - 60 tỷ USD lại mất đi khi con cháu chúng ta được hưởng lợi và kinh tế phát triển từ đó… Tại sao phải chùn bước trước 56 tỷ USD (tổng vốn dự kiến để xây dựng ĐSCT - PV) và lộ trình không phải là ngắn mà dài, thu lợi ở đó không phải là ít mà sẽ là nhiều trong tương lai”, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) phát biểu với quan điểm trái ngược. Khẳng định “không đi theo chủ nghĩa bi quan quá đáng, cũng không theo chủ quan lạc quan đến mức tếu”, ĐB Nguyễn Ngọc Đào cũng lưu ý xây dựng ĐSCT không nên xuất phát từ quan điểm cá nhân hay một nhóm lợi ích mà nên bắt đầu từ lợi ích quốc gia.
|
"Tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà "nàng tiên" lúc mở mắt ra nói gì. Chắc là sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu?", ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn). |
“Do chậm đầu tư nên giao thông không theo kịp phát triển, dẫn tới ùn tắc giao thông, làm cho giao thông trong tình trạng chấp vá, giải phóng mặt bằng quá tốn kém, đã có những dự án thuộc loại đắt nhất thế giới”, ĐB Lương Phan Cừ đưa ra lý do để “bỏ phiếu thuận” cho việc xây dựng ĐSCT.
Một lý do khác, vẫn theo ĐB này, Việt Nam có thế mạnh du lịch với trên 3.000 km bờ biển, nhất là khu vực miền Trung với nhiều bãi biển xinh đẹp, ấm áp. Nhưng đó là “những cô gái, những nàng tiên đang ngủ mà chúng ta chưa đánh thức”. “Có ĐSTC chạy qua 20 tỉnh dọc theo đường biển miền Trung, các nàng tiên sẽ được đánh thức, kho báu sẽ được khai thác”, ông Cừ ví von.
“Tôi thấy ví von rất lãng mạn, nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì. Chắc là sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu? Như thế rất nguy hiểm”, băn khoăn của nhiều ĐBQH về vốn đầu tư cho dự án được ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) diễn đạt một cách hài hước không kém.
Đường xá xập xệ: có lỗi với thế hệ sau
“Nói 56 tỷ USD nhưng đâu có bỏ ra cùng một lúc. Chúng ta làm từng đoạn và chia ra làm nhiều năm, nhanh hay chậm còn tùy tình hình kinh tế của đất nước. Đầu tư lãng phí, để lại nợ nần là có lỗi với con cháu nhưng để một đất nước chậm tiến lạc hậu để hệ thống đường sắt, đường bộ Bắc - Nam rất xập xệ, xuống cấp trong ba, bốn chục năm, giao thông đi lại với tốc độ rùa bò, từ Hà Nội đi Thanh Hóa có 150 cây số mà hơn 4 giờ, mỗi năm 7.000 - 8.000 người chết và bị thương, đó cũng là có lỗi với thế hệ con cháu mai sau”, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) lên tiếng.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng tỏ ra thích thú khi có nhiều ý kiến khác nhau nhau về dự án ĐSCT, bởi theo ông, điều đó thể hiện dư luận xã hội và nhân dân đặc biệt quan tâm đến dự án này. Về phần mình, ông Trừng “không ủng hộ dự án một cách bình thường mà ủng hộ một cách mạnh mẽ”.
Lý do được ĐB này đưa ra đó là: việc đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng GTVT có tính quyết định đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Cũng theo ĐB này, với hình thế địa lý của Việt Nam, hai lưu vực ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long giống như hai chiếc phễu khổng lồ đón nhận hành khách. Do đó, ngay khi hoàn thành tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang, ĐSCT sẽ thu hút lượng khách lớn, đảm bảo vận hành dự án đạt kết quả. “Thế hệ sau sẽ cảm ơn vì chúng ta có quyết định mang tính chiến lược, tầm nhìn xa”, ông Trừng lạc quan nói.
Khẳng định ĐSCT khi vận hành sẽ hạn chế các phương tiện cá nhân tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông… nhưng ĐB Hoàng Thanh Toàn (Vĩnh Phúc) cho rằng thời gian hoàn thành dự án là quá dài. “Nên kéo dài thời gian nghiên cứu, lập dự án và khởi công chậm, có thể khởi công vào năm 2015, 2017 hoặc muộn hơn nữa nhưng với điều kiện đã nghiên cứu kỹ, đồng thời rút ngắn thời gian thi công. Nhiều nước chỉ thi công ĐSCT trong 2 - 3 năm, chúng ta kéo dài tới 23 năm, rõ ràng hiệu quả sẽ hạn chế”, ĐB Toàn kiến nghị.
Các ý kiến khác:
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): “Một số người lo ngại với vốn đầu tư lớn hơn 56 tỷ USD bằng vốn vay ODA, liệu dư nợ nước ngoài của chúng ta có an toàn không?”.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP HCM): "Đã nghèo thì phải vay để phát triển. Các tổ chức tài chính quốc đánh giá dư nợ quốc gia của VN vẫn an toàn, hằng năm vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ nên vẫn đang và tiếp tục cho vay. Chúng ta phải coi đây là cơ hội để vay, để phát triển”.
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương): “Đề nghị Bộ GTVT đầu tư nghiên cứu sâu hơn phương án nâng cấp tuyến đường sắt cũ và xây dựng đường đôi khẩu độ 1.435 với tốc độ 200km/h để vừa vận tải hàng hóa, vừa chuyên chở hành khách, sẽ phù hợp với thực tế ở VN trong một vài chục năm tới”
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM): “Điều này giống như chúng ta hiện nay cất cái nhà 2 tầng, làm móng cho 2 tầng nhưng 10 - 15 năm sau, con cái đông muốn thêm tầng nữa, lúc đó mới rụng rời: giá ta ráng làm móng cho 5 tầng thì bây giờ chúng ta đã làm được thêm mấy tầng nữa. Như vậy chưa chắc là tiết kiệm, ít tiền đã tốt. Quan điểm của tôi là ĐSCT đã đi vào hiện đại thì đi thẳng vào thiết kế 300 km/h, không đi vào dang dở”.
|
Đất việt |