Bản in
Viện nghiên cứu công nghệ - lực đẩy Hàn Quốc cất cánh
Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất xây dựng ở Việt Nam một viện nghiên cứu ứng dụng theo mô hình của KIST, tổ chức đã đóng góp đắc lực trong việc đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo lên công nghiệp và hiện đại.

"Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình viện nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc (KIST) sẽ là nơi thí điểm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhà khoa học, để họ cảm thấy không thua kém bao nhiêu so với làm việc nước ngoài, bù lại, họ sẽ tự hào hơn khi tạo ra sản phẩm khoa học chất lượng trên chính quê hương mình", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói.

KIST viết tắt của Korea Institute of Sicence and Technology tọa lạc tại thủ đô Seoul. KIST được thành lập ngày 10/2/1966 với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng Hàn Quốc tới một xã hội phát triển trên nền tảng của các công nghệ hiện đại.

Qua quá trình phát triển của mình, KIST đã đóng góp phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế và hiện đại hóa công nghệ của Hàn Quốc, đặc biệt trong giai đoạn thập niên 70 và 80, khi Hàn Quốc bắt đầu cất cánh từ một nước nghèo khó đi lên công nghiệp và hiện đại hóa.

Dự án KIST có tổng giá trị 20 triệu USD do Hàn Quốc và Mỹ cùng tài trợ với tỷ lệ ngang nhau. Viện KIST thành lập dựa trên mô hình của viện Bartell, một viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, hoạt động dựa trên các hợp đồng yêu cầu.

Trong bài viết đăng trên Tia Sáng, cơ quan của Bộ KHCN Việt Nam, tiến sĩ Choi Huyng-sup, viện trưởng đầu tiên của viện KIST, nói về sự lựa chọn con đường đi như sau: "Tình hình khi đó chưa cho phép chúng tôi thành lập một nghiên cứu bao quát cả khoa học cơ bản lẫn các khoa học ứng dụng. Một viện như vậy đòi hỏi những đầu tư tài chính rất lớn. Chúng tôi cần một viện có thể nghiên cứu những công nghệ mà các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi".

Lúc đó, nhiều người bất ngờ với suy nghĩ này, những tiến sĩ Choi nói: "Để tồn tại, không thể làm khác được".

Tiến sĩ Choi Huyng-sup, ông từng giữ cương vị viện trưởng viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử. Lúc thành lập, trong tay tiến sĩ Choi chỉ có một tờ giấy quyết định làm viện trưởng, không có tiền, không có cán bộ, không có cả chỗ ngồi làm việc.

Tìm hiểu kinh nghiệm của các viện nổi tiếng thế giới và thực tế của Hàn Quốc, viện trưởng Choi đề ra đường lối phát triển riêng cho KIST là tập trung nghiên cứu vấn đề theo hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất, các đề tài có ích cho thực tiễn, xây dựng kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đơn đặt hàng nghiên cứu từ họ.

Những nghiên cứu chính của KIST hiện tập trung theo các hướng: công nghệ của tương lai, khoa học và công nghệ vật liệu, công nghệ hệ thống, công nghệ môi trường, xử lý môi trường và các khoa học về sự sống.

Mỗi phòng của viện KIST đều độc lập lãnh đạo một hệ thống nghiên cứu và phải chịu trách nhiệm về tất cả các chi phí cần thiết để thực hiện các nghiên cứu, bao gồm cả chi tiêu cho cán bộ, tiền thuê các phòng thí nghiệm và thiết bị.

Sự hỗ trợ của chính phủ

 

Thời đó, tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee là người hậu thuẫn viện KIST và đàm phán với Mỹ về viện trợ xây dựng Viện. Ông còn trực tiếp làm việc với tổng thống Mỹ nhờ viện Bartell cử các chuyên gia sang Hàn Quốc.

Tống thống Park là người quyết định chính sách cho viện KIST hiệu quả nhất, ra lệnh chuyển giao toàn bộ diện tích 1.256 km2 của Viện Thực nghiệm Lâm nghiệp cho viện KIST, về sau diện tích viện KIST thỏa hiệp lấy 500 km2. Thậm chí, ông khiển trách người lãnh đạo Ủy ban kế hoạch - kinh tế Hàn Quốc khi định cắt giảm ngân sách xây dựng viện.

Sau khi thành lập viện, mỗi tháng tổng thống Hàn Quốc đến thăm KIST hai lần trong suốt ba năm liền, để tìm hiểu công việc của viện. Tổng thống tuyên bố rằng viện không phải lo nghĩ về ngân sách hoạt động của KIST; và việc lựa chọn nghiên cứu viên không được dựa trên các mối thân quen hay do áp lực từ chức quyền.

Nhờ sự giúp đỡ của tổng thống mà chỉ sau 1 năm, viện KIST đi vào hoạt động nhanh chóng, sau gần 50 năm Viện đã trở thành 1 trong 10 cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Hàn Quốc, các nghiên cứu của viện KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nước này.

Thu hút nhân tài trở về nước

 

Ngay từ ngày thành lập, viện KIST đứng trước nhiệm vụ làm thế nào huy động đề tài nghiên cứu có tính khả thi và theo hợp đồng. Lúc này, KIST không thể lôi kéo các giáo sư tại các trường đại học, vì thế lãnh đạo viện quyết định mời các nhà khoa học người Triều Tiên ở nước ngoài về nước (chủ yếu là từ Mỹ). Để làm điều này, KIST đặt mục tiêu phải đảm bảo các nhà khoa học quyền tự chủ trong nghiên cứu, điều kiện sống ổn định, môi trường nghiên cứu tốt nhất. Viện KIST cung cấp cho các nhà khoa học từ nước ngoài về nhà ở và bảo hiểm y tế, tạo điều kiện ngay cả việc giáo dục con cái của họ.

Quan trọng hơn, để đảm bảo cuộc sống các nhà khoa học, giúp họ chú tâm vào nghiên cứu, KIST trả lương bằng 1/4 mức họ nhận được ở Mỹ. Mức lương này cao gấp 3 lần lương giáo sư đại học trong nước nhận được. Mức lương này thậm chí còn cao hơn cả lương tổng thống.

Không chỉ tạo điều kiện cho giới khoa học về nước ổn định, viện KIST nghiêm cấm hoạt động can thiệp trực tiếp của các cán bộ hành chính vào công tác nghiên cứu, hệ thống hành chính phải hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, các cán bộ hành chính không bao giờ được phép phê bình và cãi cọ với nghiên cứu viên.

Những yêu cầu không hợp lý của các nghiên cứu viên phải được báo cáo lên viện trưởng hoặc phó viện trưởng, khuyến khích các giải pháp hoà giải giữa các nhà nghiên cứu.

Để có nguồn nhân lực làm việc, bước đầu tiên, viện trưởng Choi từng tới Mỹ để phỏng vấn 78 ứng viên lựa chọn từ hàng trăm người có đơn xin việc. Một ứng viên là học trò cũ của tiến sĩ Choi phàn nàn: “Giáo sư, thầy biết em rất rõ, sao thầy không tin em?”. Ông Choi trả lời rằng: “Khó có thể tin chỉ nghiên cứu những gì em thích thú. Cần cấp tốc tập trung vào những nghiên cứu có ích cho các hoạt động kinh doanh ngay cả khi chúng không thú vị đối với các nhà khoa học. Nếu em quyết định sai lầm do không hiểu biết hết được sứ mệnh của em và rồi đây sẽ bỏ cuộc thì điều đó sẽ gây nên những rắc rối nghiêm trọng. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào em cũng sẽ diễn đúng vai cần phải diễn của mình ở Hàn Quốc”.

Ban đầu, viện trưởng viện KIST chọn chọn 18 nghiên cứu viên, là những người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm kể từ khi nhận bằng tiến sĩ. Sau đó, ông Choi chọn thêm 35 nhà nghiên cứu nữa và gửi tất cả họ tới Viện Bartell không chỉ để tăng kiến thức mà còn học cách kinh doanh. Cụ thể là học cách làm thế nào xây dựng được những kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đặt hàng nghiên cứu từ họ.

  Luật riêng

 

Đảm bảo tính pháp lý với hoạt động tự chủ của viện, lãnh đạo viện KIST đề xuất một bản dự thảo luật đặc biệt, đưa ra điều khoản riêng nêu rõ viện cần được miễn kiểm toán và kế hoạch hoạt động hàng năm của viện KIST không cần chính phủ phê duyệt. Đề xuất này gặp phải sự phản ứng của nhiều đại biểu quốc hội, vì nó ngược lại với luật tài sản quốc gia. Khi dự thảo luật sửa đổi đưa ra tại một phiên họp đặc biệt của Quốc hội vào tháng 3/1967, các đại biểu khăng khăng phản đối. Khi đó viện trưởng viện KIST nói rằng, các nhà khoa học thường hay gặp rắc rối vì thủ tục hành chính hơn là công việc nghiên cứu. Vì thế, dự thảo luật đặc biệt nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết. Cuối cùng, nhờ có tổng thống, dự thảo luật được quốc hội thông qua.

Mô hình của viện KIST sẽ được Việt Nam học tập và ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Với mong muốn xây dựng V-KIST, Bộ trưởng Nguyễn Quân kỳ vọng đây sẽ là hình mẫu cho các viện nghiên cứu khác ở Việt Nam.

"V-KIST thành công sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho cơ chế quản lý tài chính và quản lý khoa học của chúng ta, thay vì thời gian qua chúng tôi mất khá nhiều thời gian, công sức để nói về việc đổi mới cơ chế nhưng chưa có kết quả", ông Quân nói.