Bản in
Chủ động kết nối để vươn xa
Trong khi đa số các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước còn đang rất lúng túng trong việc thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005-NĐCP thì Viện Nghiên cứu Ngô đã không chỉ tự lực tồn tại mà còn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vươn lên chiếm tới hơn 40% thị phần ngô giống trên cả nước.
 Nguyên nhân dễ thấy nhất cho thành công trong sản xuất kinh doanh của Viện Nghiên cứu Ngô là bề dày kinh nghiệm. Theo TS Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô (Viện), ngay từ năm 1981 khi mới được chuyển hóa từ Trại Nghiên cứu Ngô Sông Bôi thành Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi (tiền thân của Viện ngày nay), cơ sở đã chủ động tổ chức sản xuất các giống thuần phục vụ nhu cầu của bà con nông dân theo cơ chế gán thu bù chi. Sản phẩm khi ấy là những giống ngô thụ phấn tự do, có năng suất cao hơn các giống địa phương và đã được thị trường dễ dàng chấp nhận. Đến giai đoạn 1992-1995, Viện đã làm chủ được công nghệ chọn tạo và sản xuất giống ngô lai và tổ chức chiếm lĩnh thị trường trong nước, đồng thời xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Hiện nay, các giống ngô lai của Viện chiếm tới 90% lượng giống lai của Việt Nam.

Từ năm 2005 tới nay, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngô giống của Viện tăng khá đều đặn, từ 6,1 tỷ VND năm 2005 lên 21,6 tỷ VND năm 2009, trước khi chững lại ở con số này. Mỗi năm doanh thu của Viện lên tới hàng trăm tỷ VND, đồng thời sản phẩm của Viện giúp người trồng ngô trong nước mỗi năm tiết kiệm được 80– 90 tỷ VND.
 
Viện Nghiên cứu Ngô đã lai tạo và chuyển giao vào sản xuất hàng chục giống ngô lai được công nhận giống quốc gia. Một số giống ngô lai thế hệ mới tiêu biểu đã được công nhận là giống quốc gia đang được mở rộng thị trường đưa vào sản xuất trong những năm gần đây như: LVN885, LVN61, LVN68, LVN66, LVN145, LVN45, LVN146, LVN154, LVN37, LVN184, SB099, Đường lai 10, Nếp lai số 1, Nếp lai LSB4 (không quy ước), giống nếp tổng hợp VN2 và VN6. Viện đã bán bản quyền 7 giống ngô lai cho các công ty trong và ngoài nước: LVN14, LCH9, LVN154, LVN145, LVN66, LVN37, LVN68. Hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nghiên cứu của Viện đã góp phần chủ động lượng giống ổn định giá bán hạt giống ngô lai trong nước, đem lại cho Viện doanh thu 100 – 120 tỷ VND mỗi
Tuy nhiên, con đường phát triển kinh doanh của Viện cũng đòi hỏi phải vượt qua không ít thử thách. “Chúng tôi cũng phải trả giá nhiều”, TS Mai Xuân Triệu chia sẻ. Tổn thất trong nghiên cứu ứng dụng ngành nông nghiệp thường không nhỏ, và rủi ro là không thể tránh khỏi. Theo TS Triệu, “xác suất thành công trong nghiên cứu ngô giống của Mỹ là 6 phần vạn, còn ở Việt Nam là 3 phần vạn”. Chẳng nói đâu xa, ngay trong năm nay, do thời tiết nắng nóng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, ngô giống của Viện sản xuất tại Gia Lộc– Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng bị chết phấn và không kết hạt được. Chỉ cần khoảng chục hecta thất bại như vậy đủ để gây thiệt hại hàng tỷ đồng, TS Triệu cho biết.

Mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước

Đặc thù kinh doanh vốn luôn có rủi ro, trong khi giai đoạn ban đầu còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm về các hoạt động đầu tư và thị trường, các quy định và cơ chế quản lý của Nhà nước còn nhiều bất cập, đây là những khó khăn cơ bản mà các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Việt Nam lâu nay vẫn gặp phải và không dễ vượt qua. Bên cạnh đó, một trở ngại khác cho các tổ chức này khi muốn chuyển sang tự chủ là “đa số các nhà khoa học không thích làm kinh doanh” mà thường chỉ muốn tập trung vào chuyên môn nghiên cứu, TS Triệu nhận xét.

Trong điều kiện hạn chế như vậy, giải pháp giúp Viện triển khai được các nghiên cứu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh là kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh ngô giống trong nước. Trong thời kỳ đầu, những mối liên kết và giao dịch giữa Viện và các doanh nghiệp này chủ yếu qua 1 trong 3 hình thức: doanh nghiệp mua giống bố mẹ và trả tiền bản quyền cho Viện; doanh nghiệp mua giống bố mẹ của Viện để sản xuất hạt giống và bán lại cho Viện một phần; doanh nghiệp trực tiếp gia công sản xuất hạt giống cho Viện. Sau này, trải qua quá trình phát triển và thích nghi với thị trường, mối quan hệ giữa Viện và các doanh nghiệp chuyển sang 2 hình thức chính, đó là doanh nghiệp mua bản quyền giống và công nghệ của Viện, hoặc doanh nghiệp mua quyền sử dụng. khai thác sản phẩm nghiên cứu của Viện và trả dần theo hiệu quả kinh doanh mà sản phẩm đó mang lại.

Những mối giao dịch và liên kết với các doanh nghiệp như trên đã giúp Viện triển khai nhanh được các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất mà không phải đầu tư quá nhiều vốn, đồng thời giúp đội ngũ cán bộ, chuyên gia có nhiều cơ hội tích lũy thông tin và kinh nghiệm qua cọ xát thực tế, cả về chuyên môn nghiên cứu lẫn sản xuất, kinh doanh.

Sự cần thiết hình thành một doanh nghiệp riêng

Mối quan hệ giao dịch và liên kết giữa Viện và các doanh nghiệp trong nước đã giúp Viện phát triển tích cực, nhưng không phải mối quan hệ nào cũng bền vững. Về lâu dài đã nảy sinh những hiện tượng tiêu cực, như tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm bản quyền và hợp đồng của Viện, thậm chí làm giả, làm nhái sản phẩm của Viện. Ngoài ra, cơ sở chế biến và bảo quản yếu kém đã gây nhiều hạn chế cho chất lượng và hình thức sản phẩm của các công ty trong nước và làm giảm khả năng chiếm hữu thị trường của các giống ngô mà Viện tạo ra.

Trong khi đó, vào những năm đầu thập kỷ 90, các công ty nước ngoài đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt với công nghệ chế biến và bảo quản hạt giống cao hơn công nghệ của Việt Nam, tạo ra sản phẩm tốt hơn, trực tiếp đe dọa thị phần của các công ty trong nước. Một báo cáo của Viện đánh giá rằng nếu thị trường Việt Nam rơi vào sự thao túng của các công ty nước ngoài, giá ngô giống sẽ tăng cao thêm 30 – 50%. Hoạt động canh tác sản xuất ngô trong nước sẽ bị lệ thuộc, mất đi sự chủ động.

Để tồn tại trước sức ép cạnh tranh từ các công ty nước ngoài, Viện không thể hoàn toàn trông chờ vào các mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước – vốn chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực còn nhiều hạn chế -  mà phải tự mình chủ động vươn lên, nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện đạt tới ngưỡng 1000 tấn/năm, đã xuất hiện những hạn chế nội tại, rõ rệt nhất là những giới hạn về quản lý và thiếu thốn cơ sở trang thiết bị phục vụ cho chế biến, bảo quản. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của cán bộ Viện trong thời kỳ này thuần túy mang tính kiêm nhiệm, không chuyên, nên hiệu quả công việc không được gắn với cơ chế pháp lý ràng buộc. Bên cạnh đó, chênh lệch thu nhập ngoài lương giữa các đơn vị và cá nhân trong Viện khó có thể được điều tiết linh hoạt, làm giảm động lực của các cá nhân trong công việc. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng cạnh tranh cùng loại sản phẩm giữa các đơn vị trực thuộc Viện, gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của cả tập thể.

Chính những khó khăn và bất cập như trên đã thúc đẩy Viện thành lập một doanh nghiệp riêng, và tới tháng 6/2005, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Tư vấn và Đầu tư phát triển Ngô (CIMDE) được ra đời.

Hướng tới hình thành doanh nghiệp cổ phần

Việc hình thành công ty CIMDE đã cho phép Viện thực hiện những khoản đầu tư đáng kể nhằm nâng cao năng lực sản xuất, ví dụ như đầu tư cho hệ thống thiết bị sấy và chế biến với giá trị lên tới 40 tỷ VND, theo lời ThS Trần Thẩm Tuấn, giám đốc công ty. Sự cải tiến về công nghệ và trang thiết bị này không chỉ làm tăng chất lượng cũng như độ ổn định của sản phẩm ngô giống, mà còn giúp giảm thiểu chi phí vận hành sản xuất. Ưu điểm này đã góp phần quan trọng đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá cho sản phẩm của Viện và công ty, ThS Tuấn nhận định, với mức giá chỉ bằng 2/3 mức giá sản phẩm của các công ty liên doanh với nước ngoài, trong khi chất lượng hoàn toàn tương đương.   

Những hiệu quả mà công ty mang lại cho Viện là “rất rõ rệt”, TS Mai Xuân Triệu đánh giá, với mức thu nhập cho cơ sở tăng gấp 3 lần, tốc độ ra giống mới tăng từ 3 tới 4 lần. Trước khi có công ty riêng, sản lượng ngô giống xuất xứ từ Viện (do Viện trực tiếp sản xuất hoặc do các doanh nghiệp mua giống bố mẹ của Viện về sản xuất) chỉ ở tầm 1300 – 1400 tấn/năm. Ngày nay, theo ThS Tuấn, sản lượng đã lên tới 4000 tấn, trong đó 2000 tấn do công ty sản xuất, 1000 tấn do Viện sản xuất, và 1000 tấn còn lại do các doanh nghiệp mua giống bố mẹ của Viện về sản xuất.

 
Một trong những mục tiêu đặt ra hiện nay của Viện Nghiên cứu Ngô là góp phần phấn đấu đến năm 2015 đưa diện tích ngô của cả nước đạt 1,3 triệu tấn với năng suất bình quân 45-50 tạ/ha và đến 2020 đạt 1,4-1,5 triệu ha, năng suất bình quân 55–60 tạ/ha, tổng sản lượng 8-9 triệu tấn ngô, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, các nhu cầu khác trong nước và từng bước tham gia xuất khẩu.
Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng như trên nhưng Viện vẫn thẳng thắn nhìn nhận rằng công ty của mình vẫn tồn tại nhiều điểm yếu như sức cạnh tranh còn hạn chế so với tiềm năng, mức tăng trưởng không bền vững, tổ chức khó ổn định. Nguyên nhân cơ bản nhất ở chỗ công ty vẫn là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và bị ràng buộc bởi những quy định pháp lý liên quan. Điều này khiến công ty rất thiếu khả năng chủ động trong những quyết định về nhân sự, chi phí hoạt động, và đầu tư đổi mới công nghệ. Do cơ chế trói buộc như vậy nên dù rất cần những chuyên gia am tường về thị trường trong nước và quốc tế nhưng công ty vẫn phải tự lực dựa vào đội ngũ cán bộ nhân viên của mình thay vì thuê chuyên gia bên ngoài, ThS Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, hằng năm Viện vẫn phải có những đối sách điều chỉnh để vừa hài hòa thu nhập giữa những người làm việc trong công ty với những đơn vị trong Viện – hoạt động nghiên cứu cơ bản ở Viện cũng như ở các cơ quan nghiên cứu khoa học khác của Nhà nước luôn đối diện với tình trạng thu không đủ bù chi, và mức lương cho các nhà nghiên cứu còn rất thấp – vừa không triệt tiêu động lực của người nhận khoán ở công ty.

Mong muốn của TS Mai Xuân Triệu là Nhà nước tạo điều kiện và nguồn lực thích đáng để một mặt các đơn vị của Viện yên tâm tiến hành những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu công ích phục vụ quốc dân, mặt khác Viện có thể tách biệt hoàn toàn mảng sản xuất kinh doanh thông qua thành lập một công ty cổ phần, trong đó cổ phần của Viện được chiếm khoảng 30 – 40%. Hoạt động theo hình thức tham gia công ty cổ phần dự kiến sẽ giúp chủ động hơn trong các vấn đề đầu tư, vận hành, nhân sự, và giúp Viện kết nối dễ dàng hơn với những đối tác có lợi thế về xúc tiến chiếm lĩnh thị trường.  

Bài học rút ra

Sau hơn 3 thập kỷ tổ chức sản xuất kinh doanh, có thể rút ra một số kết luận từ mô hình của Viện mà các cơ sở khoa học công nghệ trong nước, đó là trong giai đoạn khởi đầu khó khăn, khi còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh, thì mối liên kết giữa cơ sở với các doanh nghiệp có thể sẽ rất hữu ích, giúp các bên tận dụng được lợi thế của nhau (nhà nghiên cứu có bí quyết công nghệ, doanh nghiệp có vốn và kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh và đầu mối tiêu thụ trên thị trường), đồng thời cùng chia sẻ được rủi ro. Những mối liên kết này sẽ giúp cơ sở khoa học tập trung được cho chuyên môn nghiên cứu, hoặc cũng có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn, những mối quan hệ trong sản xuất kinh doanh, để đến khi gặp điều kiện thuận lợi thích hợp thì có thể tự lực hình thành doanh nghiệp riêng.

Thực tế hoạt động của CIMDE cũng đã cho thấy, khi quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ hẹp thì mô hình công ty TNHH Nhà nước một thành viên có thể tạm chấp nhận được, nhưng về lâu dài mô hình này chịu quá nhiều những ràng buộc pháp lý của một đơn vị sự nghiệp Nhà nước khiến hoạt động của doanh nghiệp thiếu sự chủ động và linh hoạt. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế và xã hội đang cần có nhiều doanh nghiệp hoạt động năng động trong lĩnh vực triển khai ứng dụng công nghệ, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thật thông thoáng, và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tối đa để giúp các doanh nghiệp này nhanh chóng cổ phần hóa thành công.